Theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, để thực hiện tốt bình đẳng giới và nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện bình đẳng giới gắn với phát triển bền vững; có chính sách hợp lý để ứng phó với già hóa dân số, biến đổi khí hậu, thiên tai, đô thị hóa, hệ lụy của toàn cầu hóa… Cần tăng cường sự tham gia, đóng góp của thế hệ trẻ trong thực hiện bình đẳng giới. Bởi dự báo đến năm 2021, thế hệ Z (sinh từ 1995) chiếm 35% lực lượng lao động toàn cầu (25% ở Việt Nam vào 2025). Trong khi đó, thế hệ trẻ có vai trò quan trọng trong thực hiện bình đẳng giới, nếu được đào tạo và trang bị các kỹ năng về vấn đề này từ sớm. Song song với những việc làm trên, cần tăng cường hỗ trợ các nữ doanh nhân trong khởi nghiệp và hợp tác quốc tế.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga chia sẻ tại Tọa đàm

Tham gia hợp tác quốc tế về bình đẳng giới góp phần nâng cao vị thế đất nước, quảng bá một Việt Nam tiến bộ xã hội và hội nhập. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường vai trò của phụ nữ và trẻ em gái để thực hiện bình đẳng giới. Coi thực hiện bình đẳng giới là mục tiêu, động lực của công cuộc đổi mới nhằm phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.

Cũng theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, năm 2020 là mốc quan trọng để thúc đẩy hợp tác quốc tế về bình đẳng giới, vì tròn 110 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3; 75 năm hình thành Liên hợp quốc và Hiến chương Liên hợp quốc-Văn bản phổ quát đầu tiên về bình đẳng giới; 20 năm Nghị quyết 1325 của Liên hợp quốc về hòa bình, an ninh và phụ nữ; 10 năm thành lập Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women)… Vì thế, ngay từ bây giờ, mọi phụ nữ và các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương cần triển khai các biện pháp trên để tiếp tục thúc đẩy bình đẳng giới.
 

Sáng 29/10 tại Hà Nội, TƯ Hội LHPN Việt Nam và Quỹ Châu Á phối hợp tổ chức Tọa đàm “Bình đẳng giới trong lãnh đạo và ra quyết định”. Tham dự Tọa đàm có các Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: Nguyễn Thị Tuyết, Trần Thị Hương; Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga; ông Michael Di Gregorio, Trưởng đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam; bà Jane Sloane, Giám đốc Chương trình tăng quyền năng cho phụ nữ trong lãnh đạo và ra quyết định của Quỹ Châu Á tại Mỹ…

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã trao đổi về 3 chủ đề: “Trọng trách kép của Việt Nam 2020-2021: Tăng cường vai trò và đóng góp của phụ nữ nước ta trong hợp tác quốc tế”; “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021-2030: Cơ hội tăng cường bình đẳng xã hội và bình đẳng giới”; Các sáng kiến do Quỹ Châu Á hỗ trợ nhằm tăng quyền năng cho phụ nữ trong lãnh đạo và ra quyết định.

Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Trần Thị Hương cho biết, từ năm 2015 đến nay, được sự hỗ trợ của Quỹ Châu Á thông qua dự án “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chính trị”, Hội đã có nhiều sáng kiến như đề xuất chính sách góp phần đưa quy định đảm bảo ít nhất 35% ứng cử viên là phụ nữ trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân vào Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015; tập huấn nữ ứng cử viên, tuyên truyền về vai trò, sự đóng góp của phụ nữ trên các phương tiện thông tin đại chúng… Đặc biệt, từ năm 2017, Hội đã thành lập Mạng lưới lãnh đạo nữ – là những nữ lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương tham gia Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam. Qua hơn 2 năm thành lập, các thành viên của Mạng lưới đã được cung cấp nhiều kiến thức, kỹ năng góp phần nâng cao năng lực trong công việc chuyên môn, đồng thời tạo môi trường để các chị em xây dựng mối quan hệ thân thiết, gắn bó, chia sẻ giữa các thành viên ở các bộ, ngành khác nhau và hiểu được hơn nhiệm vụ công tác phụ nữ.