Bà Thủy cho biết dự kiến năm 2020, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ.
Chất lượng đào tạo là mục tiêu then chốt
Theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, hiện nay chất lượng đào tạo thạc sĩ đang ngày càng dễ dãi. Xin bà cho biết về quản lý nhà nước, việc cấp phép đào tạo có kèm theo những quy định nào để quản lý về chất lượng?
Việc cho phép đào tạo trình độ thạc sĩ đang thực hiện theo quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành hoặc chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT (Thông tư số 09). Chỉ các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định mới được cấp phép đào tạo trình độ thạc sĩ.
PGS-TS Nguyễn Thu Thủy
Việc tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ được quy định tại quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15.5.2014 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Trong đó, các khoản 1, 2, 3 điều 24 quy định là đào tạo trình độ thạc sĩ được thực hiện theo học chế tín chỉ (khoản 1). Các khóa học trình độ thạc sĩ được tổ chức tập trung toàn bộ thời gian cho việc học tập, nghiên cứu để thực hiện chương trình đào tạo.
Riêng đối với chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, cơ sở đào tạo có thể tổ chức tập trung từng đợt với điều kiện tổng thời gian tập trung để hoàn thành chương trình phải bằng thời gian theo quy định.
Nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục ĐH, phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập trong thời gian qua để giải quyết vấn đề mới phát sinh đối với đào tạo trình độ thạc sĩ, dự kiến năm 2020, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, trong đó nâng cao chất lượng đào tạo được xác định là mục tiêu then chốt. Bên cạnh đó là đẩy mạnh tự chủ của cơ sở đào tạo, quản lý đào tạo tiệm cận các chuẩn quốc tế…
Sẽ thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm
Các chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ có nhiều vấn đề về chất lượng. Bộ đánh giá gì về việc liên kết của các trường, đặc biệt ở các địa phương, thưa bà?
Việc tổ chức đào tạo một phần chương trình ở ngoài cơ sở đào tạo của trình độ thạc sĩ được quy định tại điều 23 của quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành, trong đó quy định: Trong trường hợp cần thiết, đối với chương trình đào tạo thạc sĩ theo định hướng ứng dụng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho phép hoặc quyết định việc tổ chức đào tạo một phần chương trình ở ngoài cơ sở đào tạo, kể cả tại phân hiệu của cơ sở đào tạo (nếu có).
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn thực hiện khoản 2, điều 23 quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ hiện hành và công văn về việc đào tạo nhân lực trình độ ĐH, thạc sĩ của các địa phương thuộc khu vực Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ. Do vậy, khi các trường ĐH (không phân biệt thuộc khu vực, vị trí địa lý nào) tổ chức đào tạo một phần chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng ở ngoài cơ sở đào tạo đều phải được Bộ GD-ĐT cho phép (trừ các cơ sở đào tạo đã được phép tự chủ theo quy định). Việc tổ chức tuyển sinh, đào tạo đều phải tuân thủ các quy định của quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ và các văn bản khác liên quan.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc sửa đổi quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ, Bộ GD-ĐT sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức đào tạo thạc sĩ ngoài cơ sở đào tạo, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.
Việc chất lượng đào tạo thạc sĩ có phần dễ dãi, người học lại có xu hướng học các chương trình có chất lượng không cao, dẫn đến rất nhiều trường ĐH lớn hoặc không tuyển sinh được thạc sĩ, hoặc phải giảm độ khó khăn khi tuyển sinh đầu vào. Theo bà, nên có quy định nào tốt hơn để chấn chỉnh tình trạng này?
Việc lựa chọn trường để học là quyền của người học. Chất lượng sản phẩm đào tạo của nhà trường góp phần tạo nên thương hiệu của trường. Do đó, các cơ sở đào tạo cần nghiêm túc thực hiện quy định hiện hành, có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của cơ sở mình.
Về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT, trên cơ sở mục tiêu, chuẩn đầu ra đối với từng trình độ theo quy định của luật Giáo dục ĐH, khung trình độ quốc gia VN, Bộ GD-ĐT đã ban hành các văn bản pháp lý nhằm tạo ra một một mức chuẩn tối thiểu về các điều kiện đảm bảo chất lượng, quy trình xây dựng và ban hành chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra… Các cơ sở giáo dục ĐH, căn cứ vào mục tiêu, điều kiện, năng lực của của mình, xây dựng và ban hành các quy định cụ thể về tuyển sinh, chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo… có thể cao hơn nhưng không được thấp hơn các chuẩn tối thiểu đã được quy định.
Bên cạnh đó, thông qua các quy định liên quan đến điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo, Bộ GD-ĐT sẽ đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Mặt khác, khi xây dựng quy định mới, nội dung về chế tài xử lý sai phạm cần đảm bảo tính răn đe, xử lý nghiêm các sai phạm.