Hôm nay, Học viện Phụ nữ Việt Nam long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2019). Lời đầu tiên, thay mặt Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, tôi xin gửi lời kính chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công tới các đc lãnh đạo Hội, các thầy giáo, cô giáo và các bạn sinh viên; chúc cho buổi lễ mít tinh của chúng ta thành công tốt đẹp!

Kính thưa các thầy giáo, cô giáo,

Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam hàng năm tại Học viện luôn luôn là 1 sự kiện có nhiều ý nghĩa quan trọng; trước hết, buổi lễ là dịp để tri ân các thầy cô bằng những lời ca, tiếng hát, bằng sự động viên khích lệ và những lời chúc tốt đẹp nhất; buổi lễ cũng là dịp để mọi người được gặp nhau một cách đầy đủ và vui vẻ nhất, là thời gian quý báu để chúng ta chia sẻ thông tin, những niềm vui, cũng như những khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, Lễ kỷ niệm là dịp để chúng ta cùng nhìn lại, suy ngẫm về nghề giáo, về nền giáo dục nước nhà, về công việc của mỗi cá nhân cũng như sự phát triển chung của Học viện Phụ nữ Việt Nam, một cơ sở giáo dục đại học đã có tuổi đời 60 năm đầy tự hào. 

Kính thưa các thầy giáo, cô giáo,

Trong buổi lễ kỷ niệm năm nay, tôi xin phép chia sẻ hai vấn đề cơ bản. Vấn đề thứ nhất là những suy nghĩ về nghề dạy học trong bối cảnh hiện nay và vấn đề thứ hai là về sự phát triển của Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Chúng ta đều tự hào nói rằng nghề giáo luôn là nghề cao quý nhất, luôn được xã hội tôn vinh, coi trọng vì đó là nghề giáo dục và đào tạo con người thành người có tri thức, đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp. Vinh danh nghề giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chia sẻ về một người “thầy giáo tốt” như sau: “Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo – là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

Nghề giáo không chỉ là nghề nghiệp, đó còn là sự đam mê. Thu nhập của nghề giáo không cao so với nhiều nghề khác nhưng nhiều người vẫn chọn nghề giáo. Nhiều thầy cô giáo có thể tìm việc làm khác có thu nhập khá hơn nhưng họ vẫn gắn bó với nghề vì yêu thích, đam mê nghề giáo. Không phải là tất cả, nhưng nhìn chung, ai đã làm nghề giáo thì khó mà chuyển sang nghề khác vì đã “duyên nợ” với cái nghiệp nhà giáo. Sống với nghề, gắn bó với nghề, đem tri thức đến học trò, truyền cho các em niềm tin khoa học và niềm tin vào lẽ sống, vào tương lai. Sứ mệnh cao cả ấy là niềm vinh quang của nhà giáo. Một số bạn sinh viên cũng sợ thầy cô sẽ không làm nghề giáo nữa nên trước khi ra trường hoặc những ngày này luôn chúc thầy cô sức khỏe, vững niềm tin, kiên trì con đường nghề nghiệp đã chọn…

Nghề giáo giúp chúng ta không ngừng học tập, tiếp nhận tri thức mới. Muốn sinh viên “học một biết mười” thì người thầy phải “học mười dạy một”. Nhà sư phạm Gi-nô-vi-ep từng nói: “Để cung cấp cho người học một hạt nhỏ hào quang kiến thức, người thầy giáo phải uống cạn một biển cả ánh sáng”. Henry Ford – người sáng lập hãng ô tô danh tiếng của Mỹ phát biểu: “Bất kỳ ai dừng học tập đều già, dù anh ta ở tuổi hai mươi hay tám mươi. Bất kỳ ai đang học tập đều trẻ. Điều vĩ đại nhất trong cuộc sống là giữ tâm hồn bạn trẻ trung”. Như vậy người thầy vừa luôn luôn được nâng cao tri thức, vừa luôn cảm thấy trẻ trung vì được tiếp nhận nhiều câu chuyện hồn nhiên, ngây thơ và vui vẻ từ các em sinh viên.

Nghề giáo giúp chúng ta sống mẫu mực và trung thực hơn vì người thầy là hình ảnh, là tấm gương cho sinh viên noi theo, là người mà sinh viên có thể tin tưởng để chia sẻ rất nhiều điều. Tôi rất vui khi có nhiều em tốt nghiệp ra trường hoặc có những em vì điều kiện hoàn cảnh không thể học tiếp tại Học viện chúng ta nhưng vẫn hứa và ước mong một ngày sẽ quay lại, báo cáo với Thầy về sự phát triển nghề nghiệp của các em. Đành rằng các thầy giáo, cô giáo cũng đều là con người nên cũng có thể có người vướng “tham, sân, si”; trong công việc, cuộc sống cũng có thể mắc phải những khuyết điểm, sai lầm nhưng khi đã chọn nghề giáo, tôi cảm thấy chúng ta trở nên biết kiềm chế, biết giữ mình, biết sống mẫu mực và nhân văn hơn.

Nghề giáo thật vinh quang, mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho sự phát triển con người nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức. Trong đó, những vấn đề đến từ yêu cầu chính đáng phải nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện thu nhập cho bản thân và gia đình; những ảnh hưởng tiêu cực từ bối cảnh kinh tế – xã hội, từ xu thể hội nhập và toàn cầu hóa… đang là những cản trở lớn nhất đối với người thầy, người cô trong quá trình phát triển sự nghiệp. Mặc dù vậy, bản thân tôi luôn có niềm tim sâu sắc rằng các thầy cô, ít nhất là những thầy cô đang công tác tại Học viện sẽ vượt qua và tiếp tục phát triển.

Vấn đề trao đối thứ hai là về sự phát triển của Học viện Phụ nữ Việt Nam. Phải khẳng định rằng, sự phát triển của Học viện phụ thuộc chủ yếu vào sự phát triển của đội ngũ thầy giáo, cô giáo, viên chức, người lao động và các bạn sinh viên. Mỗi cá nhân phải thực sự cố gắng, phải thay đổi thì tổ chức mới phát triển. Học viện đang hình thành một cách cụ thể con đường phát triển; tầm nhìn và các mục tiêu đã được xác định, thường xuyên được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh mới; sự quyết tâm, tin tưởng ngày càng được hun đúc; chế độ chính sách và môi trường làm việc ngày càng được cải thiện. Chính vì vậy, chúng ta tin chắc rằng việc giải quyết những mục tiêu về nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho các thầy, cô và người lao động trong Học viện luôn có sự gắn bó chặt chẽ với kêt quả phát triển nghề nghiệp của mỗi cá nhân và kết quả chung của tổ chức trên các lĩnh vực tuyển sinh, đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, quản trị và vận hành. Các vấn đề này vừa là tiền đề, vừa là điều kiện, vừa là kết quả của nhau, tác động và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình phát triển.

Cuối cùng, một lần nữa xin kính chúc sức khỏe các thầy cô, các quý vị đại biểu và các em sinh viên. Chúc cho chúng ta sẽ có một ngày Nhà giáo Việt Nam thật vui và ý nghĩa.

Xin trân trọng cảm ơn.