Phong trào HeForShe

Thế kỷ XXI đã và đang đề cao vai trò của người phụ nữ, điều đó đòi hỏi phụ nữ phải không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao vai trò và sự đề cao của xã hội. Hiện nay, phụ nữ tham gia hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bản thân người phụ nữ phải nỗ lực vươn lên, vượt qua rào cản để tiếp cận và hưởng thụ quyền. Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, phụ nữ Việt Nam có nhiều cơ hội và cũng gặp nhiều thách thức để có thể khẳng định và phát huy vai trò của mình. Do đó, bản thân phụ nữ trước hết phải ý thức được đầy đủ vai trò về giới của mình mới có thể nắm bắt được những cơ hội.

Nếu phụ nữ nỗ lực đạt được nhiều thành công trong cuộc sống, sự nghiệp thì chính họ đã trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn cho các chị em gái, con gái họ trong gia đình và cho các đồng nghiệp nữ trong cơ quan, đoàn thể để họ vững tâm, tự tin phấn đấu vươn lên. Thế nhưng, cần lưu ý rằng, quan niệm về bình đẳng giới  không chỉ là bênh vực quyền của người phụ nữ và chỉ hướng tới đối tượng là phụ nữ, nam giới cũng là đối tượng có quyền và nghĩa vụ trong khái niệm về bình đẳng giới. Bình đẳng giới có được khi người nam và nữ đều có quyền như nhau làm một công việc mà họ mong muốn hay yêu thích mà không bị cản trở bởi rào cản xã hội, định kiến hay luật pháp.

Nam giới Việt Nam dần dần cởi mở hơn trong vấn đề bình đẳng giới. Từ năm 2014, “Vì những người phụ nữ quanh ta” (HeForShe) là một phong trào đoàn kết vì Bình đẳng giới do Tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) khởi xướng nhằm kêu gọi sự tham gia của nam giới và trẻ em trai với vai trò là những tác nhân của sự thay đổi trong việc hiện thực hóa bình đẳng giới và quyền của phụ nữ. Phong trào góp phần nâng cao nhận thức và khơi dậy trách nhiệm, khuyến khích nam giới và trẻ em trai lên tiếng và hành động chống lại những bất bình đẳng mà phụ nữ và trẻ em gái đang phải đối mặt hàng ngày, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực giới.
Phong trào đã nhận được sự ủng hộ của các lãnh đạo nam giới, các nghệ sĩ nổi tiếng như Trần Thu Hà, Chiều Xuân, Xuân Bắc, Hoàng Bách, Văn Mai Hương… cùng đông đảo các bạn sinh viên, học sinh.Ngoài ra, phong trào còn tạo nên các diễn đàn làm nổi bật những hình mẫu điển hình của nam giới và trẻ em trai- những người đang tham gia chống lại phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái trên toàn cầu. Tại Việt Nam, UN Women đã phối hợp cùng Trung tâm Tình Nguyện quốc gia, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chính thức phát động phong trào HeForShe ngày 6/3/2015, nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày Quốc tế phụ nữ nhằm kêu gọi sự ủng hộ mãnh mẽ từ mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là nam giới và trẻ em trai, vì bình đẳng giới…

Còn ông Vũ Minh Lý – Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia cho hay, bản thân ông đã tham gia nhiều hoạt động của chiến dịch như: Thi nấu ăn, phát động phong trào HeForshe ở các trường đại học, các câu lạc bộ tình nguyện; tập huấn cho các bạn trẻ và truyền thông về bình đẳng giới. “Chúng tôi có một số clip đoạt giải trong cuộc thi video clip HeForshe. Trước đó, tôi tham gia nhiều hoạt động về phụ nữ với vai trò là thành viên của Hội đồng Vì sự tiến bộ của nữ thanh niên Việt Nam như nâng cao vai trò, quyền của nữ thanh niên, hoạt động cho các bạn nữ thanh niên (đoàn viên) cơ sở… Phụ nữ là một nửa quan trọng của thế giới. Phụ nữ thiệt thòi ở chỗ có quá nhiều công việc không tên và rõ ràng đàn ông phải có trách nhiệm chia sẻ, gánh vác cùng họ”, ông Lý nói. 

Ca sĩ Hoàng Bách – Đại sứ của chiến dịch Heforshe và con trai đã cùng đi giày cao gót, tham gia vào nhiều cuộc thi, kêu gọi nam giới cùng chung tay ủng hộ những người phụ nữ quanh mình, để họ được đối xử công bằng và phát triển bản thân theo cách họ muốn. Anh chia sẻ: “Với tôi, người phụ nữ có vai trò tương đương với nam giới. Chúng ta không nên phân biệt đàn ông phải như thế này, phụ nữ phải như thế kia, mà nên cùng nhau xây dựng “tế bào” của xã hội. Người phụ nữ cũng có quyền được lao động, cống hiến, sử dụng chất xám như nam giới. Vậy tại sao đàn ông lại dùng sức mạnh cơ bắp để ngăn cản một cuộc sống công bằng, cống hiến theo năng lực của phụ nữ?”.

 

 

 Nhiều đại sứ và nam giới nấu ăn trong cuộc thi “HeForShe –Những người phụ nữ quanh ta: Nam giới quan tâm và chia sẻ” năm 2017

Năm 2017, UN Women và Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó với bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) đã tổ chức cuộc thi “HeForShe – Những người phụ nữ quanh ta: Nam giới quan tâm và chia sẻ”. Tham gia hoạt động này có nhiều đại sứ là nam giới đến từ các nước Thụy Điển, Hà Lan, Hy Lạp cùng gần 500 tình nguyện viên, sinh viên. Nam giới cùng tham gia trải nghiệm công việc nội trợ, chăm sóc gia đình qua các phần thi. Cuộc thi gồm 3 phần thi là tắm cho bé, gấp quần áo và nấu ăn. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, đại điện Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó với bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet) nhấn mạnh rằng, phụ nữ và trẻ em gái có quyền bình đẳng và quyền được tôn trọng như đàn ông và trẻ em trai. Bà Vân Anh hy vọng thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế của nam giới trong chương trình, sẽ giúp phái mạnh thấu hiểu, chia sẻ nhiều hơn với người phụ nữ của mình.

 

Chiến dịch Ruy băng trắng

Chiến dịch Ruy băng Trắng là phong trào toàn cầu với sự tham gia tiên phong của nam giới và trẻ em trai nhằm ngăn chặn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Lá cờ trắng tượng trưng cho sự đầu hàng, được gấp lại thành nơ với ý nghĩa nam giới từ bỏ bạo lực với phụ nữ. Nam giới được khuyến khích đeo ruy băng trắng để thể hiện việc lên tiếng chống lại bạo lực với phụ nữ.

Chiến dịch Ruy băng Trắng hợp tác với nhiều tổ chức nhằm thúc đẩy vai trò tích cực của nam giới và cộng đồng, nhằm chấm dứt hành vi bạo lực của nam giới với phụ nữ thông qua các chương trình giáo dục phòng ngừa ban đầu, tập trung giải quyết các nguyên nhân gốc rễ dẫn đến bạo lực ở các trường học. Khuyến khích các tổ chức tham gia các chứng chỉ Ruy băng trắng ở nơi làm việc, tổ chức các chương trình tập huấn huy động nam giới tích cực, chiến dịch nâng cao nhận thức và vận động chính trị nhằm xóa bỏ bạo lực với phụ nữ.

 

 

 Thông điệp của chiến dịch Ruy băng trắng 2019

Từ năm 2015, phong trào Ruy băng trắng dần lớn mạnh hơn ở Việt Nam. UN Women Việt Nam nhấn mạnh, chiến dịch Ruy băng trắng và Phong trào HeForShe hỗ trợ nhau trong một mục đích chung: Nâng cao nhận thức và tăng cường sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là nam giới trong ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời thúc đẩy trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng, các tổ chức và xã hội chung tay giải quyết vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, hướng tới một môi trường an toàn, không bạo lực cho phụ nữ và trẻ em gái.

UN Women thuyết phục các nhà lãnh đạo, những người đứng đầu doanh nghiệp và thanh thiếu niên chung tay xóa bỏ những định kiến, trở thành những người đi đầu trong thực hiện bình đẳng giới trong phạm vi ảnh hưởng của họ, gửi thông điệp và kêu gọi nam giới hành động với vai trò là những đối tác trong nhiệm vụ xây dựng một xã hội công bằng cho cả phụ nữ và nam giới trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Nam giới và trẻ em trai không nên trở thành người gây ra bạo lực mà nên là những đối tác, nhân tố thúc đẩy sự thay đổi.

Diễn viên Quyền Linh là nam giới tiên phong trong chiến dịch Ruy băng trắng 2019 tại Cần Thơ. Anh chia sẻ, là một nam giới Việt Nam – được vinh dự là đại sứ của Năm an toàn của phụ nữ, trẻ em Việt Nam do Hội LHPN Việt Nam phát động – tôi có theo dõi và cứ mỗi lần nghe tin tức về các vụ bạo lực mà ở đó nạn nhân là phụ nữ và trẻ em, tôi cảm thấy thật đau lòng, bất lực, bản thân muốn đóng góp thật nhiều về giảm tải tình trạng này. Tham gia vào chiến dịch Ruy băng Trắng lần này, tôi muốn cùng các anh nam giới, đặc biệt là các anh ở đây thực hiện vai trò tiên phong trong bảo vệ an toàn của phụ nữ, trẻ em Việt Nam, chúng ta hãy cùng nói không với bạo lực, đồng thời lên tiếng nếu nhìn thấy bạo lực với phụ nữ và trẻ em.