Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội) là tổ chức chính trị – xã hội nằm trong thành tố thứ 3 của hệ thống chính trị. Kế thừa và phát huy những nỗ lực và kết quả hoạt động qua các giai đoạn phát triển của đất nước, vai trò của Hội ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, Hội cũng đã, đang và sẽ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển từ chính những điểm hạn chế nội tại và những tác động, ảnh hưởng nhiều chiều từ bên ngoài. Trong bối cảnh hiện nay và tầm nhìn đến năm 2032[1], trên cơ sở quan điểm, định hướng của Đảng, quy định của Hiến pháp, đất nước đặt ra nhiều yêu cầu phát triển cao hơn về mọi mặt để đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và các mục tiêu cao hơn trong nửa đầu thế kỷ 21; phụ nữ và hội viên là đối tượng Hội đại diện và bảo vệ cũng sẽ có nhiều thay đổi sâu sắc dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4…, đòi hỏi Hội cần xác định chiến lược phát triển phù hợp.

Xuất phát từ Nghị quyết số 8B-NQ/HNTW ngày 27/3/1990 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành TW Đảng Khóa 6 (Nghị quyết số 8B), Hội là tổ chức chính trị – xã hội; là người đại diện, bảo vệ lợi ích và quyền làm chủ của phụ nữ tham gia quản lý Nhà nước, Hội cần xác định rõ mối quan hệ giữa Hội với phụ nữ, hội viên và các khía cạnh cơ bản liên quan đến phụ nữ, hội viên, đặc biệt là 5 mối quan hệ với bản thân, gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và xã hội. Các mối quan hệ này phụ thuộc vào trình độ văn hóa, chuyên môn, nhận thức, hiểu biết thực tế; kỹ năng hiện có và các nhu cầu, sở thích cũng như các rào cản từ chính phụ nữ. Trên cơ sở đó, để thực hiện vị thế và trách nhiệm Đảng giao, Hội cần quan tâm đến 05 nhóm hoạt động, gồm: tham gia, góp ý, phản biện xây dựng pháp luật và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật; đề xuất cơ chế phát triển nguồn lực; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội về lý luận và thực tế; bồi dưỡng phụ nữ và hội viên về kiến thức và kỹ năng nâng cao nhận thức, năng lực bản thân; xây dựng gia đình; tham gia công việc xã hội (quản lý, lãnh đạo và công tác cộng đồng); triển khai một số hoạt động có tính chất đặc thù.

Xuất phát từ Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị ngày 27/4/2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Hội là nòng cốt vai trò chủ thể phụ nữ trong công tác phụ nữ của Đảng, Hội cần củng cố tổ chức theo hướng phân định rõ vai trò của cấp trung ương định hướng chiến lược – tỉnh chỉ đạo – huyện hướng dẫn và hỗ trợ – cơ sở thực hiện; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ Hội; mở rộng liên kết và tập hợp các đối tượng phụ nữ để tham gia thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong công tác phụ nữ của Đảng[2].

Hai Nghị quyết trên của Đảng đã xác định rõ vị thế, vai trò, quyền và trách nhiệm của Hội với đích đến cuối cùng là vì sự phát triển, tiến bộ và bình đẳng của phụ nữ, giúp phụ nữ thực hiện tốt vai trò công dân và những đặc thù giới tính quan trọng của mình trong gia đình và xã hội.

Trong quá trình hoạt động, Hội cần bảo đảm được tính chính trị[3] tính xã hội[4] một cách hợp lý và hài hòa. Do đó, Chiến lược phát triển của Hội cần thể hiện rõ tầm nhìn, sứ mệnh, hệ giá trị cốt lõi, phương châm hành động, nguyên tắc hoạt động, chính sách xây dựng hội viên chất lượng cao, mạng lưới tình nguyện viên nòng cốt của Hội tại cộng đồng, kết mạng giữa Hội với các cơ quan, tổ chức hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới… Đồng thời, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược cần hướng đến việc nâng cao hiệu quả công tác phụ nữ, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp phụ nữ chủ động, tích cực tham gia xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước; bảo đảm đáp ứng được lợi ích thiết thân của phụ nữ theo hướng linh hoạt, hợp lý, giảm nguy cơ trông chờ, ỷ lại, tăng tính chủ động, năng động, sáng tạo cho phụ nữ, giúp họ tự tin, có đủ bản lĩnh để tự quyết định cuộc sống của mình, tham gia nhiều hơn vào quá trình ra quyết định dựa trên việc phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh của phụ nữ, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội; kế thừa thành tựu, đột phá chiến lược đáp ứng đòi hỏi thực tiễn; phân cấp mạnh và rõ ràng về thẩm quyền; thúc đẩy tính chuyên nghiệp, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ Hội và tình nguyện viên trong cộng đồng…

Thiết nghĩ, hướng tiếp cận xây dựng Chiến lược phát triển của Hội giai đoạn 2022 – 2027, tầm nhìn 2032 nên quan tâm đến các khía cạnh sau:

Về nền tảng lý luận của Hội: phát huy nội lực và tiềm năng, hợp tác chặt chẽ tạo dựng thành công cho Hội, hội viên và phụ nữ

Về tầm nhìn: bảo đảm quyền cơ bản, quyền bình đẳng và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; vận động phụ nữ thực hiện tốt vai trò công dân và vận động xã hội xóa bỏ định kiến giới.

Về sứ mệnh: trao cơ hội để phụ nữ phát triển toàn diện và hài hòa

Về hệ giá trị cốt lõi: đại diện, chất lượng, linh hoạt và chuyên nghiệp

1. Đại diện để thực hiện tầm nhìn và sứ mệnh: gồm đại diện theo Luật[5] và theo ủy quyền của hội viên[6]

2. Chất lượng để bảo đảm tính khả thi: gồm chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp, chất lượng hội viên và chất lượng phong trào thi đua, các cuộc vận động và các hoạt động thực tế

3. Linh hoạt để thể hiện khía cạnh xã hội trong hoạt động Hội: gồm linh hoạt theo đối tượng và theo phạm vi, khả năng, nguồn lực thực tế của Hội

4. Chuyên nghiệp để khẳng định giá trị và thương hiệu: thể hiện ở quy trình vận hành, cơ sở dữ liệu thống nhất, thông suốt ở tất cả các cấp và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với cơ quan, tổ chức, cá nhân bên ngoài tổ chức Hội.

 Về phương châm hành động: lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ; đoàn kết phụ nữ trong đa dạng; phát huy năng lực, tiềm năng, nội lực và lợi thế của phụ nữ; phối hợp quốc gia và quốc tế hiệu quả; kết nối thường xuyên và chia sẻ kết quả hoạt động, kỹ năng và kinh nghiệm trong và ngoài nước.

Về nguyên tắc hoạt động: tự nguyện, dân chủ, liên hiệp, thống nhất; thích ứng, hài hòa; liên kết ngang, dọc hợp lý; quyền đi đôi với trách nhiệm; phân công, phân cấp hợp lý trong nội bộ từng cấp

Về mục tiêu phát triển:

1. Tham gia quản lý nhà nước hiệu quả

2. Tập hợp, đoàn kết, chăm lo cho phụ nữ phát triển toàn diện; phát huy nội lực, tiềm năng của hội viên, phụ nữ

3. Tổ chức thực hiện có chất lượng các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội theo phân công của Đảng và quy định pháp luật.

4. Hợp tác trong và ngoài nước đa dạng, chặt chẽ

Về nhiệm vụ thực hiện mục tiêu phát triển:

1. Nhiệm vụ thực hiện mục tiêu 1:

– Đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện dự thảo chính sách, pháp luật

+ Đề xuất và tham gia xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù cho phụ nữ và hội viên; chính sách lao động gia đình; cơ chế để Hội tham gia công tác cán bộ nữ khoa học và nữ cán bộ quản lý, lãnh đạo

+ Đề xuất và tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật bảo đảm sự phát triển của phụ nữ và mục tiêu bình đẳng giới

+ Đóng góp ý kiến và phản biện xã hội dự thảo văn bản pháp luật liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới

– Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật

– Tham gia các hoạt động bảo vệ pháp luật và duy trì công lý: giải quyết khiếu nại, tố cáo, hội thẩm nhân dân và công tác xã hội trong hoạt động tư pháp

2. Nhiệm vụ thực hiện mục tiêu 2

– Tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động phát huy lợi thế và sức mạnh của hội viên, phụ nữ

– Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ giải quyết hài hòa các vấn đề liên quan đến bản thân và gia đình hội viên, phụ nữ

– Cung cấp kiến thức, kỹ năng sống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho hội viên, phụ nữ và trẻ em gái

– Hỗ trợ phụ nữ nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội; quản trị gia đình hiệu quả[7].

3. Nhiệm vụ thực hiện mục tiêu 3

– Xây dựng và phát triển tổ chức Hội

+ Khối Ban, đơn vị tham mưu chiến lược (hành chính, phục vụ)

+ Khối Ban, đơn vị tham gia quản lý nhà nước

+ Khối Ban, đơn vị thực hiện các dịch vụ hỗ trợ hội viên, phụ nữ[8]

– Phát huy nội lực, tiềm năng của Hội và cán bộ Hội

– Huy động nguồn lực triển khai các hoạt động mang tính đặc thù

4. Nhiệm vụ thực hiện mục tiêu 4

– Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong hoạt động xây dựng, thực hiện, bảo vệ pháp luật và duy trì công lý liên quan đến phụ nữ.

– Hợp tác quốc tế song phương và đa phương

Về giải pháp thực hiện nhiệm vụ

Giải pháp 1. Xây dựng cơ sở dữ liệu về phụ nữ và liên quan đến phụ nữ

Các số liệu thống kê về phụ nữ, hội viên, trẻ em gái cần được quan tâm tạo thành một hệ thống dữ liệu có thể theo dõi được biến động thực tế

Các phân tích, đánh giá tác động giới và những ảnh hưởng đến đặc thù giới tính nữ trong các chính sách hiện hành và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, bảo đảm cơ hội và các giá trị đặc thù cho phụ nữ trong các dự thảo chính sách, quy định pháp luật cần thường xuyên được cập nhật, bổ sung

Giải pháp 2. Xác định phương thức hành động theo chiều ngang và dọc

Các hoạt động Hội cần được thiết kế phù hợp theo nhu cầu, sở thích và yêu cầu chuẩn về năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự theo lứa tuổi của hội viên, phụ nữ và lứa tuổi con của họ. Cần đặc biệt chú ý đến các hoạt động bảo đảm tính liên kết tự nhiên giữa các nhóm đối tượng với nhau theo logic sinh học và quy luật phát triển của đời người, cũng như kết quả của hoạt động hỗ trợ cho đối tượng này sẽ là khách hàng của nhóm đối tượng kia (ví dụ: các hoạt động bảo đảm học vấn cho trẻ em gái sẽ tạo ra giá trị kiến thức thực tế cho nữ thanh niên, giá trị này sẽ là cơ sở thiết kế các hoạt động cho nhóm nữ thanh niên, kết quả các hoạt động cho nhóm nữ thanh niên sẽ lại là cơ sở thiết kế các hoạt động cho nhóm phụ nữ…)

Đồng thời, Hội cũng cần thiết kế các hoạt động theo địa bàn (miền núi, vùng sâu, xa; nông thôn; thành thị) để bảo đảm cơ hội cho phụ nữ, hội viên xử lý những vấn đề mang tính đặc thù và giảm những cách biệt thực tế do các chính sách, quy định pháp luật hoặc những hoạt động của cơ quan, tổ chức khác tạo ra hoặc hình thành do tác động của toàn cầu hóa, của kinh tế thị trường…

Giải pháp 3. Nâng cao năng lực cán bộ Hội các cấp theo hướng chiến lược tại TW, chỉ đạo tại tỉnh/thành, cụ thể hóa tại huyện và vận dụng tại cơ sở.

Để tổ chức, quản lý và kiểm soát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ; thiết lập quan hệ hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tạo nền tảng bền vững cho hoạt động của các thành viên vì quyền và lợi ích trực tiếp của phụ nữ, Hội cần quan tâm nâng cao năng lực thông qua lớp đào tạo, bồi dưỡng và hướng dẫn, kèm cặp trực tiếp

Chương trình bồi dưỡng, cập nhật thông tin, kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Hội cần bảo đảm:

– Đủ năng lực: có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm

– Đủ tầm: hiểu vị thế, vai trò của Hội trong hệ thống chinh trị, hiểu đối tượng đích Hội quan tâm, hiểu và nắm chắc sự chuyển động của thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật và các quan hệ kinh tế, xã hội quốc gia, quốc tế…

– Có tâm: tinh thần trách nhiệm cao, ý thức kỷ luật tốt

Giải pháp 4. Xây dựng các công cụ tư vấn và đánh giá hoạt động Hội

Các công cụ cơ bản bao gồm nghiên cứu khoa học ứng dụng; đánh giá tác động; kiểm tra và phân cấp quản lý, trong đó, kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên để tháo gỡ khó khăn, bổ sung giải pháp kịp thời nhằm đạt mục tiêu và hiệu quả cao nhất.

Từ định hướng tiếp cận trên, Hội cần thay đổi chức năng theo hướng đại diện cho phụ nữ tham gia quản lý nhà nước; tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện tốt vai trò công dân; hướng dẫn, hỗ trợ phụ nữ thực hiện thiên chức người mẹ. Phối hợp các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện quyền và trách nhiệm theo quy định pháp luật về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và bảo đảm cơ hội bình đẳng giới thực chất cho phụ nữ

          Xác định hội viên theo hướng mở rộng: ngoài phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, tán thành Điều lệ Hội và tự nguyện đăng ký vào Hội như Điều lệ hiện hành, Hội cần tính đến 2 nhóm hội viên khác là hội viên danh dự[9] và hội viên đặc biệt[10] để bảo đảm tính liên tục và logic trong phát triển hội viên và tăng tính hiệu quả trong các hoạt động thực tế

          Xác định rõ tổ chức thành viên: để tránh hình thức, cần bảo đảm:

          1. Điều kiện: là pháp nhân; có tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ hướng đến phụ nữ và mục tiêu bình đẳng giới; tán thành Điều lệ Hội và tự nguyện hợp tác.

          2. Quyền lợi: đồng tổ chức một số hoạt động lớn với Hội phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế; đề xuất sáng kiến, kiến nghị với Hội về những vấn đề liên quan đến hội viên và tổ chức mình; được Hội chia sẻ thông tin, tài liệu, kỹ năng, kinh nghiệm; và được ưu tiên cử đại diện tham gia các hoạt động lớn do Hội tổ chức hoặc yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng.

          3. Trách nhiệm: vận dụng định hướng của Hội trong hoạt động của tổ chức; tham gia các hoạt động Hội theo yêu cầu của Hội; bảo vệ uy tín, vai trò, vị trí của Hội, tạo sự đồng thuận với Hội trong các diễn đàn; giữ liên lạc thường xuyên; đóng hội phí theo quy định.

Từ lý luận về xây dựng chiến lược và các lý thuyết áp dụng cho thấy, Hội muốn xây dựng được Chiến lược phát triển hiệu quả theo hướng có đổi mới căn bản so với hiện tại phải xác định rõ được các điểm tương đồng, khác biệt trên điểm tương đồng và khác biệt hoàn toàn từ vị thế, vai trò và đích đến của Hội so với các tổ chức chính trị – xã hội khác. Đồng thời, cần mạnh dạn thay đổi chính mình mới có thể xác lập các yếu tố một cách logic, hài hòa, thích ứng và khả thi.

Hy vọng, một số suy nghĩ cá nhân nêu trên sẽ đóng góp thông tin cho quá trình xây dựng Chiến lược phát triển Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2022 – 2027, tầm nhìn 2032 để xây dựng thành công Văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, XIV./.


[1] Tính 2 nhiệm kỳ tiếp theo của Hội từ 2022 đến 2032

[2] (i) Nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ; (ii) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về phụ nữ tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ và xây dựng gia đình; (iii) Xây dựng đội ngũ cán bộ nữ khoa học và quản lý, lãnh đạo

[3] Hội là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với phụ nữ, giúp phụ nữ, hội viên hiểu về Đảng, về hệ thống chính trị, về Nhà nước…; tin, đi theo, làm theo quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chấp hành nghiêm và có hiệu quả các quy định của Hiến pháp, pháp luật

[4] Hội tạo cơ hội cho phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội của bản thân (đặc thù giới tính nữ, vai trò người mẹ) và gia đình (vai trò người vợ, người con, người chị/em trong gia đình) để tham gia công tác xã hội (vai trò công dân), đóng góp và hưởng lợi ích từ những thành quả tạo ra trong quá trình tham gia, đóng góp…

[5] Thực hiện quyền và trách nhiệm theo phân công của Đảng và quy định pháp luật

[6] Thông qua Đại hội đại biểu phụ nữ từng cấp theo nhiệm kỳ

[7] Là cách thức tổ chức cuộc sống gia đình bảo đảm quyền và lợi ích của các thành viên; phát huy cao nhất năng lực của mỗi người để đạt giá trị gia đình “VĂN HÓA – TRÁCH NHIỆM – CHIẾN LƯỢC”

[8] Ví dụ: dịch vụ thông tin, văn hoá (Báo, Xuất bản, Bảo tàng, Trung tâm văn hoá…); dịch vụ tài chính vi mô (Tổ chức tài chính quy mô nhỏ, Quỹ hỗ trợ tín dụng, dịch vụ uỷ thác, dịch vụ tín chấp…); dịch vụ chăm sóc (sức khỏe sinh sản, nhà trẻ, chăm sóc thẩm mỹ, chăm sóc người già, người bệnh, sản phụ và trẻ sơ sinh, giúp việc nhà…); dịch vụ tư vấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giải đáp thắc mắc, giải quyết mâu thuẫn… (Trung tâm tư vấn pháp luật, Trung tâm tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình…); dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng (Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trường nghề, Trung tâm dạy nghề); dịch vụ tư vấn nghề, giới thiệu việc làm (Trung tâm giới thiệu việc làm, Trung tâm xuất khẩu lao động…)

[9] Là công dân nam, nữ tâm huyết, nhiệt tình, có nhiều đóng góp cho các hoạt động của Hội

[10] Là nữ thanh niên từ 16 đến dưới 18 tuổi còn đi học hoặc đã bỏ học.