Mặc dù là hình thức mới, số lượng sinh viên đông, nhưng sau ba ngày thực hiện, phần lớn giảng viên và sinh viên có phản hồi tích cực về hình thức học trực tuyến được áp dụng trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19.
ThS.CVCC Hà Thị Thanh Vân, giảng viên môn Phương pháp nghiên cứu pháp luật chia sẻ: Tôi thấy hài lòng về sự có mặt của hơn 90% sinh viên trong buổi đầu học trực tuyến (số còn lại chưa đăng nhập được). Do phần mềm này tương tác trực tiếp nên giờ học cơ bản diễn ra như giảng dạy trên lớp, sinh viên thực hiện tốt việc ghi chép bài, đặt câu hỏi. Tuy nhiên, phần trao đổi, thảo luận chậm hơn do giảng viên phải rà soát sinh viên giơ tay phát biểu. Tôi cảm thấy các em hào hứng với phương pháp học này. Hy vọng tinh thần chủ động trong học trực tuyến của các em sẽ được duy trì không chỉ trong thời gian phòng, chống Covid-19.
ThS. Lê Thị Thu, giảng viên Khoa Công tác xã hội cho biết: Ngay buổi đầu học trực tuyến tôi đã cảm thấy rất hào hứng và yên tâm khi có đến 94,9% sinh viên tham gia. Trong quá trình giảng dạy các em tương tác với giảng viên rất sôi nổi. Thậm chí có những em ở lớp học truyền thống chưa bao giờ phát biểu ý kiến nhưng trên giờ học trực tuyến các em nhiệt tình giơ tay rất nhiều lần. Dường như internet đã san bằng mọi khoảng cách không gian, thời gian và giúp các em tự tin, hòa nhập hơn với thầy cô, bạn bè. Tuy nhiên cũng có một số hạn chế như: sinh viên dễ bị out ra khỏi lớp học nếu đường truyền yếu, có thể có những em kết hợp việc học và tranh thủ làm việc riêng nếu giảng viên không kiểm soát tốt. Tôi hy vọng rằng những hạn chế này sẽ dần được cải thiện để chất lượng giảng dạy trực tuyến của trường được nâng cao hơn.
Các bạn sinh viên K5, Công tác xã hội nhận xét giờ học trực tuyến khá nghiêm túc, sinh viên tập trung nghe bài giảng với tâm lý thoải mái, chủ động. Sinh viên vừa theo dõi video, slide bài giảng vừa ghi chép lại kiến thức cần thiết được giảng viên truyền đạt tận tình và chi tiết. Để giải quyết vấn đề cập nhật kiến thức trong giai đoạn chống dịch này việc học trực tuyến rất có lợi cho sinh viên và giảng viên.
Đại diện Phòng Đào tạo cho biết: Áp dụng hình thức học trực tuyến đem lại những lợi ích nhất định như, sinh viên và giảng viên vẫn có thể lên lớp trong thời gian dịch bệnh. Phần mềm tiện lợi có thể chia sẻ tài liệu, trình chiếu slide bài giảng như trên lớp. Việc quản lý lớp học của phòng Đào tạo cũng đơn giản hơn do ứng dụng công nghệ thông tin có thể hỗ trợ kiểm tra trực tiếp trên hệ thống. Tuy nhiên chất lượng của quá trình giảng dạy phụ thuộc phần lớn vào đường truyền internet, ý thức của sinh viên và giảng viên cần kiểm soát tốt sự tham gia của sinh viên trong giờ học.
PGS.TS Trần Quang Tiến, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện chia sẻ: Việc sử dụng hình thức học tập trực tuyến đối với sinh viên là hình thức mới. Trong giai đoạn hiện tại để đảm bảo sự an toàn sức khỏe và duy trì việc cung cấp kiến thức cho các em thì học tập trực tuyến chính là giải pháp tốt nhất. Ngoài ra, việc học trực tuyến còn giúp giảm thiểu chi phí, tiết kiệm được thời gian và không gian học tập. Sinh viên và giảng viên đều có cơ hội nâng cao trình độ, kỹ năng công nghệ thông tin với phương pháp giảng dạy mới. Đặc biệt, việc sử dụng hệ thống email do nhà trường cung cấp để đăng nhập vào lớp học cũng giúp giảng viên và sinh viên tương tác đồng bộ, cải thiện hệ thống thông tin chung của Học viện.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cùng với sự ra đời của mạng internet đã đem lại cho con người nhiều ứng dụng tiện ích. Trong đó, học trực tuyến trở thành một giải pháp của giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn lực cho xã hội. Để kịp thời ứng phó với đại dịch toàn cầu Covid-19, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã chủ động tập huấn cho 100% giảng viên về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và phần mềm Zoom Cloud Metting để giảng viên, sinh viên học viện có thể đảm bảo kế hoạch giảng dạy, học tập trong giai đoạn này.