Kỳ thi THPT năm 2020 sẽ thay đổi thế nào?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra vào tháng 8, trong 1,5 ngày, thí sinh làm ba bài Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn để xét tốt nghiệp.

Ngày 22/4, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho hay trong bối cảnh Covid-19, kế hoạch năm học 2019-2020 phải điều chỉnh, kỳ thi THPT sẽ được tổ chức muộn hơn, dự kiến vào tháng 8. Thời điểm này, cả Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực nên Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm mà giao cho địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi này diễn ra trong 1,5 ngày, giảm một ngày so với mọi năm.  Thí sinh THPT phải thi ba bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội. Thí sinh Giáo dục thường xuyên phải thi hai bài bắt buộc Toán, Ngữ văn và một bài thi tự chọn. ‘Nội dung đề thi sẽ dễ hơn, độ phân hóa cũng giảm so với thi THPT quốc gia năm trước để phù hợp với mục đích của kỳ thi cũng như điều kiện dạy học do ảnh hưởng của Covid-19’, Thứ trưởng Độ nói.  

Thủ tướng yêu cầu đề xuất phương án thi THPT quốc gia phù hợp

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 ngày 1/4, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp đối với thi THPT quốc gia năm 2020

Cụ thể, trong phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hình thức học trực tuyến và sớm công nhận loại hình đào tạo này. Đồng thời thông qua phương án giảm thiểu chương trình học năm nay phù hợp với tình hình thực tế dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT có phương án báo cáo Chính phủ về vấn đề này, trong đó có việc nghiên cứu, đề xuất phương án thi THPT quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp. Do đó các trường có thể vận dụng quyền tự chủ của mình để tuyển sinh theo nhiều hình thức khác nhau như học bạ và phỏng vấn, kiểm tra… Và vấn đề thời gian cũng có thể giải quyết bằng việc tuyển sinh theo nhiều đợt khác nhau.

Đề tham khảo thi THPT quốc gia: Tham khảo, luyện tập nhưng không quá phụ thuộc

Nhiều lưu ý quan trọng được đưa ra nhằm giúp giáo viên, HS khai thác tốt nhất đề tham khảo Kỳ thi THPT QG 2020 trong quá trình dạy học, ôn tập. Cấu trúc, nội dung đề tham khảo phù hợp với điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019 – 2020 và định hướng, lộ trình đổi mới Kỳ thi THPT QG đã được Bộ GD&ĐT công bố nên không bất ngờ với giáo viên, HS. HS chỉ cần bám sát đề tham khảo, chủ động, tích cực, ôn tập, tự học với sự hỗ trợ, hướng dẫn (trực tuyến hoặc trực tiếp) của giáo viên sẽ đạt kết quả cao.

 Nội dung đề thi phân bố đều trong chương trình khối 12, do đó giáo viên cần ôn tập toàn bộ chương trình khối 12, không được cắt xén, nhưng chủ yếu tập trung vào nội dung trọng tâm của từng bài. Giáo viên cũng cần ôn tập cho HS nắm vững kiến thức trọng tâm, vận dụng kiến thức vào giải bài tập tự luận, ôn tập cho các em có kiến thức nền vững chắc để vận dụng giải quyết các bài toán trắc nghiệm. Tránh cho HS làm quá nhiều bài tập trắc nghiệm mà kiến thức cơ bản chưa nắm vững. Khẩn trương sử dụng công nghệ thông tin và ưu tiên cho HS lớp 12 học trực tuyến để bảo đảm cơ bản phần lý thuyết trước khi vào học trở lại”

Thông báo hỗ trợ sinh viên trong giai đoạn phòng, chống Covid19

Học viện Phụ nữ Việt Nam thông báo hỗ trợ sinh viên trong giai đoạn phòng, chống Covid19. Cụ thể, Học viện sẽ kéo dài thời gian nộp học phí học kì 2 năm học 2019 – 2020 đến cuối tháng 6 tạo điều kiện cho gia đình các em hùy động nguồn lực dần dần trong giai đoạn khó khăn này. Học viện cũng hỗ trợ cho mỗi sinh viên 100.000VNĐ/tháng trong giai đoạn học trực tuyến giúp các em trang trải tiền sử dụng mạng. Ngoài ra, Học viện cũng hỗ trợ 40 suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bênh covid. Mức hỗ trợ bằng 50% học bổng loại Giỏi của một học kỳ.  Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng miễn phí toàn bộ tiền ở ký túc xá cho sinh viên đến học tập và ở lại trường vào tuần đầu tiên của tháng 3/2020 khi trở lại trường học.