Đó là do hậu quả của hiệu ứng nhà kính khiến các con sông cạn dần, nước biển xâm mặn, nguồn nước ngọt khan hiếm; ngoài ra, rác thải môi trường cũng đang là tác nhân khiến nước bị ô nhiễm. Chính vì thế, hơn bao giờ hết, nguồn nước trong tự nhiên đang cần được bảo vệ, tiết kiệm và sử dụng thật hợp lý.

Tài nguyên nước có thể bị cạn kiệt

Hoàn toàn sai lầm khi nghĩ rằng tài nguyên nước là bất tận! Với 3/4 trái đất được bao phủ bởi nước, chỉ 1% là nước ngọt có thể sử dụng ngay, còn lại hầu hết là nước mặn và nước tồn tại ở dạng sông băng, mũ băng ở các cực. Đó là chưa kể nguồn nước sạch hiếm hoi này cũng đang bị ô nhiễm trầm trọng do nhiều nguyên nhân.

Là một nơi được thiên nhiên ưu đãi khi hầu hết người dân đều có nước sạch để dùng, tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, Việt Nam cũng rơi vào nhóm quốc gia thiếu nước sạch trầm trọng. Cụ thể, lượng nước sử dụng bình quân đầu người thấp hơn chỉ tiêu trung bình 4.000 m3/năm/người của Hội Tài Nguyên Nước Quốc Tế. Thậm chí, theo Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, đến năm 2025, lượng nước bình quân đầu người Việt Nam chỉ còn đạt hơn phân nửa con số này –  một cảnh báo không dành cho riêng ai.

Việc tiết kiệm và sử dụng hợp lý nguồn nước sạch vì thế ngày càng trở nên cần thiết. Chúng ta cần ý thức rằng việc lãng phí nước sạch hằng ngày là góp phần mang đến những nguy hại lớn cho môi trường và ảnh hưởng về lâu dài đến cuộc sống của chính chúng ta.