Thực tập chuyên ngành là nền tảng quan trọng để đi làm hay khởi nghiệp. Để chuẩn bị thật tốt cho giai đoạn thực tập chuyên ngành thực tế tại cơ sở, các thầy cô và doanh nghiệp cùng đồng hành định hướng cho sinh viên K5TTĐPT A, B. Các giảng viên nhắn nhủ sinh viên đi thực tập với trách nhiệm cao nhất, tự tin bước vào hành trình nghề nghiệp. Các sinh viên là niềm tự hào của giảng viên, là những gương mặt đại diện của VWA, hi vọng các em đi thực tập một cách nghiêm túc, cư xử khiêm tốn, có trách nhiệm. Các cơ thực tập cũng bày tỏ mong muốn sinh viên nhanh chóng hòa nhập vào môi trường thực tập, đồng thời định hướng cho nghề nghiệp của chính mình trong tương lai. Với những chia sẻ thân tình, đáng quý, sinh viên không còn bỡ ngỡ và hiểu được nhiệm vụ của mình.

Sinh viên K5TTĐPT được thực tập tại 36 cơ sở phù hợp với chuyên ngành và thỏa mãn niềm đam mê của sinh viên, bao gồm các công ty về truyền thông, thiết kế; các đài phát thanh, truyền hình; các báo, tạp chí,… như Công ty TNHH Quảng Cáo và Truyền thông VOV, Công ty CP truyền hình truyền thông TUVA, Công ty Truyền thông DH, Công ty TNHH Tổ chức sự kiện Hoàng Gia; Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh Truyền hình Lào Cai; Vụ truyền thông giáo dục; Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội; Báo Lao động, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại,…

Thời gian thực tập tại cơ sở sẽ là cơ hội quý giá giúp sinh viên củng cố kiến thức đã học ở trường, nắm được tình hình hoạt động truyền thông đa phương tiện tại cơ sở, làm rõ mối liên hệ giữa kiến thức đã học và kỹ năng thực hành tại cơ sở thực tập, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm. Nhờ đó, khả năng và trình độ chuyên môn thực tế của sinh viên sẽ được cải thiện sau kỳ thực tập.

Thực tập chuyên ngành luôn là một trong những thời gian đáng nhớ nhất đối với sinh viên. Lần đầu được va chạm với công việc thực tế, lần đầu được ứng dụng tất cả những gì đã học vào một doanh nghiệp/tổ chức thực thụ, lần đầu biết được cảm giác của một nhân viên, một đồng nghiệp là thế nào. Thực tập chuyên ngành là cơ hội cũng là thách thức để mỗi sinh viên khám phá bản thân, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu. Một số bạn sinh viên cho biết, khi tham gia kỳ thực tập, các bạn thấy mình được bước trên hành trình mới lạ, hấp dẫn kích thích sự khám phá, chinh phục để có được thành quả nghiêm túc và xứng đáng.

 Bên cạnh điểm số môn học, sinh viên tìm đến các cơ sở thực tập với mong muốn tìm một cơ hội việc làm phù hợp. Một số sinh viên đã kết nối được hợp đồng hay đơn đặt hàng về cho cơ sở thực tập. Sinh viên Đặng Hữu Hoàng chia sẻ: “Em được học thông qua dự án, qua bạn bè, qua các anh chị hướng dẫn, quan trọng là apply được kiến thức vào thực tế và từ bỏ một số thói quen chưa tốt khi đi học”.

Cơ sở thực tập đã giúp sinh viên hình dung rõ những công việc cụ thể và thái độ làm việc. Hình ảnh về những sinh viên VWA cần mẫn, sáng tạo, cá tính đã ghi điểm và tạo ấn tượng rất tốt đẹp với các cơ sở này. Vì vậy, một số sinh viên thực tập còn được nhận lương như một nhân viên chính thức. Lãnh đạo một số cơ sở tực tập khẳng định họ sẵn sàng đón nhận sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam bởi thấy được khả năng, cảm nhận được tinh thần tích cực, ý thức nghiêm túc của các bạn trong quá trình thực tập.

Với mô hình đào tạo theo hướng ứng dụng, Học viện Phụ nữ Việt Nam đặt kỳ vọng, sau khi tốt nghiệp các sinh viên không chỉ tìm kiếm được việc làm tốt nhất mà còn có khả năng tự khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho người lao động giúp ngành Truyền thông đa phương tiện ngày càng phát triển.