Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo trình độ đại học ngành CNTT được tổ chức theo đúng các quy định hiện hành của Bộ giáo dục và Đào tạo. Học viện đã mời TS Hồ Văn Hương – Chủ tịch hội đồng (Cục Quản lý Mât mã dân sự và kiểm định sản phẩm mât mã, Ban Cơ yếu chính phủ), TS. Vũ Việt Thắng– Phản biện 1( ĐH Công Nghiệp Hà Nội), PGS.TS. Nguyễn Hữu Quỳnh – Phản biện 2 (ĐH Thủy Lợi), PGS.TS. Ngô Quốc Tạo – Thư ký (Viện Công nghệ TT – Viên Hàn lâm Khoa học Việt Nam) là các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo trình độ đại học ngành CNTT; Đại diện đơn vị sử dụng lao động có kinh nghiệm thực tiễn thuộc lĩnh vực của chương trình đào tạo là ThS. Vũ Văn Quang – Công ty Cổ phần xây dựng và dịch vụ thương mại Thế kỷ tham gia hội đồng thẩm định.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện đã khẳng định mục tiêu mở ngành CNTT là một trong những mục tiêu chiến lược mảng đào tạo, bồi dưỡng của Học viện trong giai đoạn 2021 – 2025. Sau quá trình nghiêm túc chuẩn bị, ban soạn thảo hồ sơ mở ngành đã hoàn thiện đề án mở mã ngành CNTT. PGS.TS. Trần Quang Tiến cũng hi vọng, việc mở ngành CNTT không chỉ đáp ứng nguồn nhân lực CNTT nói chung hiện còn đang rất thiếu hụt mà còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu xóa bỏ bất bình đẳng giới trong nền kinh tế số, loại bỏ khoảng cách về giới trong lĩnh vực số, khuyến khích sự phát triển của phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay, CNTT chính là công cụ đặc biệt quan trọng để ngành thông tin và truyền thông thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, từ đó lan tỏa ra các ngành, nghề khác trên cả nước.
Đại diện Ban soạn thảo hồ sơ mở ngành CNTT đào tạo trình độ cử nhân, TS. Đỗ Ngoc Điệp đã trình bày Đề án mở thành CNTT trình độ đại học.
Chương trình đào tạo ngành CNTT tại Học viện Phụ nữ Việt Nam được xây dựng theo định hướng ứng dụng. Ngoài khối lượng kiến thức chung, kiến thức kỹ năng, sinh viên của ngành sẽ được lựa chọn 2 ngành chuyên sâu, một là Công nghệ phần mềm và Trí tuệ nhân tạo (Đảm bảo chất lượng, Kiểm thử phần mềm; Lập trình hệ thống; Khai thác phần mềm ứng dụng; Trí tuệ nhân tạo). Hai là, Quản trị hệ thống mạng (Lập trình mạng, Quản trị mạng, Đánh giá hiệu năng mạng; An toàn mạng; Thực tập chuyên ngành mạng).
Sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT, Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng như trở thành các Kỹ sư phát triển phần mềm/hệ thống, lập trình viên, Cố vấn IT, Quản lý dự án CNTT…
Sau thời gian làm việc nghiêm túc, các thành viên của Hội đồng thẩm định đã có các ý kiến khách quan, khoa học đánh giá những thành công trong việc xây dựng Chương trình đào tạo. Đề án của Học viện đảm bảo các yêu cầu về căn cứ xây dựng, mục tiêu, cấu trúc, nội dung chương trình đào tạo, đề cương chi tiết của học phần/môn học, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của ngành (đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện). Hội đồng thẩm định cũng nêu những góp ý, gợi ý với ban soạn thảo chương trình những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện chương trình đào tạo trước khi ký Quyết định mở ngành và báo cáo Bộ GD&ĐT.
Đề án mở ngành đào tạo trình độ đại học ngành CNTT do Học viện Phụ nữ Việt Nam xây dựng đã được Hội đồng thẩm định thông qua với sự nhất trí cao: 100% (5/5 phiếu) thành viên của hội đồng tán thành thông qua Chương trình đào tạo CNTT trình độ đại học của Học viện Phụ nữ Việt Nam để trường tiếp tục hoàn chỉnh và báo cáo Bộ GD&ĐT.
Công nghệ thông tin là ngành đang có những bước phát triển mạnh mẽ góp phần tạo nên cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Nhân lực CNTT đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt khi đối mặt với đại dịch Covid-19, các cơ quan, doanh nghiệp đều phải đầu tư vào nền tảng công nghệ để thay thế cho các hoạt động trực tiếp, do vậy nhu cầu nhân lực ngành CNTT càng tăng. Việc mở ngành đào tạo trình độ cử nhân CNTT của Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ góp phần giải quyết những khó khăn về vấn đề thiếu nhân lực cung ứng cho xã hội đồng thời thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước trong thời đại số hóa.