Bên cạnh việc Giáo dục tài chính theo hình thức truyền thống với phương pháp học tập và giảng dạy tích cực, Trung tâm Đào tạo TCVM còn giới thiệu tới các bạn sinh viên hình thức học tập qua trò chơi mô phỏng theo công nghệ giáo dục của Đức: Trò chơi kinh doanh nhỏ và Trò chơi Tiết kiệm – được phát triển và chuyển giao bởi Quỹ hợp tác Quốc tế các Ngân hàng Tiết kiệm Đức (SBFIC). Các bạn sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam là một trong những học viên đầu tiên được tiếp cận theo phương pháp học tập hoàn toàn mới này.

Trò chơi kinh doanh nhỏ (Micro Business Game) là hình thức mô phỏng hoạt động kinh doanh một cửa hàng nước trái cây tại một đất nước giả định có tên là Culiar, với đồng tiền cùng tên gọi. Trò chơi có 04 vòng tương ứng với 04 chu kỳ kinh doanh. Người học sẽ được cung cấp thông tin về các tình huống giả định là các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh cửa hàng nước trái cây này, thông qua các thẻ Sự kiện, trong đó có các phương án lựa chọn khác nhau. Từng đội chơi sẽ bàn bạc để đưa ra quyết định lựa chọn phương án phù hợp. Tiếp theo các đội chơi được phát thẻ Kết quả để biết được quyết định của mình dẫn đến kết quả như thế nào. Trong quá trình chơi, người học sẽ biết cách phân tích và đánh giá thị trường; phát triển khả năng dự báo thị trường; ứng biến trước những sự kiện bất ngờ xảy ra trong quá trình kinh doanh; thực hành cách tính toán Chi phí, Doanh thu, lập báo cáo kết quả kinh doanh, phân tích dòng tiền, , lập bảng cân đối kế toán, hạch toán và ghi chép sổ sách; kỹ năng ra quyết định,…Khóa học hướng đến mục tiêu mang đến cho người học cơ hội trải nghiệm cuộc sống tự làm chủ tài chính thông qua việc hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của bản thân.

Trò chơi tiết kiệm (Savings Game) là một trò chơi mô phỏng về việc quản lý tài chính của một hộ gia đình điển hình có 05 thành viên. Mỗi thành viên đều có những sở thích và mong muốn khác nhau ảnh hưởng đến việc chi tiêu của cả hộ gia đình.

Mỗi nhóm chơi sẽ đóng vai là một gia đình, lựa chọn mục tiêu trong cuộc sống (như xây nhà, mua ô tô, đầu tư vào giáo dục). Họ sẽ thống nhất đưa ra các quyết định quan trọng về thu nhập, chi tiêu, giải quyết những nhu cầu và mong muốn của các thành viên trong gia đình cũng như những sự kiện, rủi ro trong cuộc sống và quyết định về khoản tiết kiệm tích lũy.. Mục tiêu cuối cùng (cũng là tiêu chí chiến thắng) của trò chơi chính là tối đa hóa chất lượng cuộc sống của cả hộ gia đình.

Các thông tin liên quan đến các hoạt động diễn ra trong cuộc sống hằng ngày của gia đình được cung cấp trong Sách hướng dẫn học viên, các thẻ Cập nhật, thẻ Tình huống, thẻ Sự kiện. Trong  mỗi thẻ, có các phương án lựa chọn khác nhau, trên cơ sở đó, từng đội chơi sẽ bàn bạc để đưa ra quyết định lựa chọn phương án mà họ cho là tốt nhất với hoàn cảnh gia đình mình. Mỗi đội chơi sẽ đón nhận kết quả hay hậu quả của mỗi quyết định khi được phát thẻ Kết quả – từ đó họ biết được quyết định của mình ảnh hưởng đến thu nhập, chi phí và chất lượng cuộc sống của gia đình như thế nào.

Sau mỗi vòng chơi, các nhóm sẽ tính toán ngân sách hộ gia đình để biết được khả năng đạt được mục tiêu của hộ gia đình. Kết thúc 03 vòng chơi, người học sẽ biết được cách lập ngân sách cho gia đình; rút ra được các bài học về việc chi tiêu cho những thứ cần và muốn; biết cách lựa chọn các hình thức tiết kiệm, đầu tư an toàn, giảm thiểu các thiệt hại do lạm phát và các rủi ro có thể xảy ra trong cuộc sống; biết đưa ra các quyết định quan trọng về thu nhập, chi tiêu, tiết kiệm, vay mượn… để đạt được mục tiêu gia đình và tăng chất lượng cuộc sống…

Đặc điểm chung của 02 khóa học này là đều được mô phỏng từ những tình huống thực tế trong cuộc sống, phương pháp học theo hướng thực hành là chủ yếu, khuyến khích người học tham gia vào quá trình trao đổi thông tin đa chiều. Qua các trò chơi mô phỏng, người học đều có thể rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm để ứng dụng vào trong đời sống.

Trong thời gian tới, Trung tâm Đào tạo TCVM – Học viện Phụ nữ Việt Nam (MFTC) sẽ tiếp tục thực hiện tổ chức các lớp học lồng ghép 02 trò chơi mô phỏng này trong tuần học kỹ năng mềm dành cho sinh viên một cách phù hợp và hiệu quả nhất.

Ngoài việc giáo dục tài chính cho sinh viên Học viện như đã nêu trên, MFTC đã và đang phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tổ chức các khóa học tương tự dành cho hội viên phụ nữ tại địa phương. Thông qua cuộc khảo sát về hiểu biết tài chính của phụ nữ khu vực đồng bằng sông Hồng được thực hiện năm 2019, MFTC sẽ tiếp tục phát triển sổ tay hướng dẫn nhằm nâng cao năng lực quản lý tài chính hộ gia đình cho đối tượng này.