Kết quả vòng bán kết cuộc thi Tiếng hát sinh viên mở rộng năm 2021

Tối ngày 5/11/2021, Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tổ chức Vòng Bán kết cuộc thi Tiếng hát sinh viên mở rộng năm 2021. Vòng bán kết của cuộc thi có sự tham gia của 20 thí sinh xuất sắc vượt qua rất nhiều các thí sinh đến từ Học viện Phụ nữ Việt Nam và các trường phổ thông trung học.

20 thí sinh xuất sắc vượt qua vòng loại với những tác phẩm âm nhạc đa màu sắc. Có bạn chọn cho mình phong cách thể hiện trẻ trung, có bạn lại chọn ca khúc sâu lắng, trữ tình, có bạn lại trở về với dòng nhạc truyền thống. Đêm bán kết đã mang lại nhiều bất ngờ cho khán giả bởi những giọng ca nội lực được tuyển chọn từ các vòng thi trước. 10 thí sinh xuất sắc đã được Ban Giám khảo lựa chọn để bước vào Vòng chung kết sẽ diễn ra vào 19h30 ngày 18/11/2021 tại Hội trường 1, Học viện Phụ nữ Việt Nam và Livestream trên các fanpage của Học viện. Ngoài 10 thí sinh này, Ban tổ chức còn trao cơ hội cho một thí sinh nữa thông qua số lượt bình chọn online của khán giả trên fanpage Tiếng hát sinh viên VWA 2021. Cùng chờ đón đêm chung kết bùng nổ với những tác phẩm âm nhạc xuất sắc đến từ các bạn thí sinh của cuộc thi Tiếng hát sinh viên mở rộng VWA mùa giải 2021.

Kỹ năng viết content và Kỹ năng khai thác thông tin trong sáng tạo tác phẩm truyền thông

Với mục tiêu trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp trong môi trường truyền thông số, kỹ năng truyền thông trên nên tảng mạng xã hội, tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, cập nhật các kiến thức mới, tiếp cận với các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, sáng ngày 16/11/2021, Khoa Truyền thông đa phương tiện đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Kỹ năng viết content và Kỹ năng khai thác thông tin trong sáng tạo tác phẩm truyền thông”.

Tại buổi nói chuyện, hai diễn giả đã phân tích những thời cơ và thách thức của người làm truyền thông đa phương tiện trong thời đại bùng nổ truyền thông như hiện nay. Với xu hướng phát triển của thời đại số hóa, mạng xã hội lại đang là mảnh đất màu mỡ để người làm truyền thông có thể khai thác tối đa những hiệu quả mà nó mang lại. Vì vậy, đòi hỏi những người làm truyền thông cần được trang bị kỹ năng khai thác thông tin trong sáng tạo sản phẩm và kỹ năng viết conten sao cho hấp dẫn, thu hút sự tương tác của đông đảo người dùng mạng xã hội nói chung và các đối tượng khách hàng nói riêng.Qua buổi nói chuyện chuyên đề vui vẻ, bổ ích này, sinh viên Khoa Truyền thông đa phương tiện đã trang bị thêm cho mình những kiến thức và kỹ năng thực hành nghề để từ đó sáng tạo ra những sản phẩm truyền thông hấp dẫn và thu hút công chúng.

Vòng Chung kết cuộc thi Tiếng hát sinh viên mở rộng năm 2021

19h30 tối thứ Năm ngày 18/11/2021, Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ tổ chức đêm chung kết Tiếng hát sinh viên mở rộng năm 2021 với sự tham gia của 11 thí sinh xuất sắc vượt qua các vòng thi trước. Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên chương trình được tổ chức theo 2 hình thức, trực tiếp tại Hội trường I, nhà A1, Học viện Phụ nữ Việt Nam với số lượng khán giả chọn lọc và livestream trực tuyến trên các trang Fanpage của Học viện.

Ngoài 11 thí sinh xuất sắc qua các vòng thi với những phong cách thể hiện âm nhạc đa dạng và hấp dẫn thì Ban giám khảo của cuộc thi cũng là những gương mặt quen thuộc và nhận được sự yêu mến của công chúng. Trưởng Ban Giám khảo là cô Hà Thị Thanh Vân – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam. Các thành viên khác của Ban Giám khảo là những gương mặt quen thuộc như: Ca sĩ Linh Chi – Á Quân Sao mai điểm hẹn năm 2019; Nhạc sĩ Tiến Minh; Diễn viên Thùy Dương; Nhà báo Ngô Bá Lục.

Trải qua hơn 3 tiếng đồng hồ làm việc nghiêm túc, khách quan, chất lượng, Hội đồng ban giám khảo đã lựa chọn ra được các ngôi vị xứng đáng của cuộc thi. Ngôi vị cao nhất cuộc thi – ngôi vị Quán quân cuộc thi Tiếng hát sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam mở rộng, năm 2021 thuộc về thí sinh Mai Tiến Dũng. Tiến Dũng đã có phần thể hiện bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” vô cùng xuất sắc, chạm đến trái tim của Hội đồng Ban giám khảo và người nghe, xuất sắc đăng quang ngôi vị Quán quân đầy thuyết phục.

Hội nghị đối thoại với sinh viên năm 2021

Sáng ngày 23 tháng 11 năm 2021, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị đối thoại với sinh viên nhằm đẩy mạnh quy chế dân chủ trong hoạt động dạy và học, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý của Học viện; đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của sinh viên, kịp thời làm rõ những thắc mắc, kiến nghị, đề xuất của sinh viên các khoá.

Các câu hỏi, ý kiến đóng góp của sinh viên từ năm 2020 đã được Phòng công tác sinh viên tổng hợp và đối chiếu lại về cơ bản kiến nghị của sinh viên năm học trước đã được cải thiện. Tại hội nghị, đại diện các đơn vị khoa, phòng, trung tâm đã giải đáp 10 nhóm vấn đề lớn được thu nhập, tổng hợp từ trước và các câu hỏi được các bạn sinh viên đặt ra ngay trong hội nghị.Với phương châm lấy người học làm trung tâm, Hội nghị đối thoại với sinh viên năm học 2021 – 2022 của Học viện Phụ nữ Việt Nam đã tiếp tục phát huy tính chủ động, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của sinh viên sau gần 3 giờ trao đổi. Hội nghị đối thoại với sinh viên đã mang lại rất nhiều ý nghĩa không chỉ với các bạn sinh viên, thông qua Hội nghị này các thầy, cô giáo cũng hiểu hơn những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn sinh viên đang gặp phải. Hội nghị đã tạo nên một cuộc đối thoại cởi mở, thẳng thắn hướng đến một môi trường giáo dục đúng theo triết lý của học viện: Giáo dục Toàn diện, Chất lượng và Bình đẳng.

Đổi mới phương pháp học đại học ngành Luật trong bối cảnh chuyển đổi số và phòng chống dịch bệnh COVID-19

Nhằm tạo diễn đàn để sinh viên các khóa của ngành Luật Học viện Phụ nữ Việt Nam có thêm kiến thức, kỹ năng về phương pháp học tập đại học ngành Luật, đảm bảo phù hợp, an toàn, linh hoạt, thích ứng và hiệu quả trong tình hình hiện nay, sáng ngày 24/11/2021, Khoa Luật đã tổ chức Hội thảo khoa học sinh viên với chủ đề “Đổi mới phương pháp học đại học ngành Luật trong bối cảnh chuyển đổi số và phòng chống dịch bệnh COVID-19”.

Ban tổ chức Hội thảo đã lựa chọn 06 tham luận xuất sắc từ 14 bài viết của sinh viên trong kỷ yếu hội thảo để trình bày. Ngay tại Hội thảo, rất nhiều các ý kiến, trao đổi thảo luận của các chuyên gia, các thầy cô và các bạn sinh viên xoay quanh các nội dung như: cách tìm kiếm nguồn tài liệu điện tử chính thống, việc gắn các mô hình tranh tụng với quá trình học tập lý thuyết trên lớp, đánh giá khả năng tương tác trực tiếp giữa giảng viên – sinh viên, người làm nghề luật thực tiễn – sinh viên…Qua buổi hội thảo, sinh viên Khoa Luật đã tiếp cận được các phương pháp học tập ngành Luật hiệu quả, đồng thời được tiếp nhận những trao đổi, chia sẻ giúp sinh viên ngành Luật chủ động thích ứng học tập, tiếp cận cách thực hành các kỹ năng nghề luật trong bối cảnh chuyển đổi số và phòng chống dịch bệnh COVID -19.

Hội thảo nghiên cứu khoa học  sinh viên năm 2021 – Khoa Truyền thông ĐPT

Nhằm tạo môi trường để sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện học hỏi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu khoa học về lĩnh vực truyền thông (chuyên ngành Báo chí truyền thông và Mỹ thuật đa phương tiện), từ đó, góp phần thúc đẩy phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học tại Khoa, chiều ngày 25/11/2021, Khoa TTĐPT đã tổ chức ‘Hội thảo nghiên cứu khoa học sinh viên khoa Truyền thông đa phương tiện 2021’.

Tham gia hội thảo, 5 sản phẩm khoa học được lựa chọn trình bày trong hội thảo khoa học sinh viên gồm: 1. Dự án thiết kế giao diện website Học viện phụ nữ Việt Nam của tác giả Nguyễn Quốc Anh – K7TTĐPTB; 2. Dự án vẽ minh họa kỹ thuật số trong truyện ‘anh hùng Võ Thị Sáu’ của nhóm tác giả Hoàng Thị Huyền Trang, Trần Thị Thương, Mẫn Thị Hồng Lĩnh – K7 TTĐPTB; 3. Dự án Hệ thống nhận diện thương hiệu Khoa Truyền thông đa phương tiện của nhóm tác giả Phạm Hồng Vân, Nguyễn Cẩm Ly, Nguyễn Thị Khánh Ngọc, Nguyễn Thị Thu Hòa, Ngô Thu Trang – K7TTĐPTB; 4. Dự án TVC gel rửa tay Lifebuoy của nhóm tác giả Nguyễn Thu Nhẫn, Nguyễn Huy Tùng, Ngô Công Thành – K7TTĐPTA; 5. Dự án phim ngắn ‘Người cha không hoàn hảo’ của nhóm tác giả Trần Bảo Sơn, Lê Thị Minh Phượng, Nguyễn Văn Nam – K8TTĐPT. Trong khuôn khổ hội thảo, các tác giả, nhóm tác giả đã lần lượt trình bày tóm tắt ý tưởng, quá trình thực hiện và trình chiếu sản phẩm khoa học. Bên cạnh đó, các tác giả, nhóm tác giả cũng được nghe ý kiến đóng góp của các thầy cô phản biện để sản phẩm khoa học sẽ hoàn thiện hơn sau khi chỉnh sửa.