Nguyễn Minh Hiếu, lớp 12 trường THPT Phúc Lợi, quận Long Biên (Hà Nội) nhắm đến hai ngành Công nghệ Thông tin hoặc Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội. Với lực học của mình, cậu ước tính đạt 26 điểm tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng điểm chuẩn ngành Công nghệ Thông tin năm ngoái trên 28, còn Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông 26,8.

Sau khi tham khảo phương án tuyển sinh 2022 nhiều trường, Hiếu quyết định thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội như một “phương án B” trong trường hợp không thể đỗ bằng điểm thi tốt nghiệp.

Bài thi đánh giá tư duy của Bách khoa Hà Nội gồm hai phần bắt buộc Toán và Đọc hiểu. Phần tự chọn 1 gồm các môn khoa học tự nhiên (Lý, Hoá, Sinh); phần tự chọn 2 là Tiếng Anh, hoặc có thể đổi bằng các chứng chỉ quốc tế như IELTS.

Nam sinh dành một tiếng mỗi sáng để ôn lý thuyết các môn. Buổi tối, Hiếu làm bài tập, luyện dạng trắc nghiệm, đọc thêm sách báo. Cậu cũng tham gia một số hội nhóm, cộng đồng ôn thi đánh giá tư duy để trao đổi tài liệu ôn tập.

Nếu không trúng tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội, Hiếu dự tính sử dụng điểm thi đánh giá tư duy để nộp vào các trường như Công nghiệp Hà Nội, Giao thông vận tải. “Thêm một kỳ thi, tuy vất vả hơn nhưng cơ hội lựa chọn trường và khả năng trúng tuyển của em cũng cao hơn”, Hiếu nói.

Đại học Bách khoa Hà Nội – cho biết – đến đầu tháng 1, đã có khoảng 10.000 học sinh đăng ký thi thử bài đánh giá tư duy của trường. Năm 2020, trong lần đầu tổ chức, Bách khoa thu hút hơn 5.600 thí sinh. Năm ngoái, kỳ thi của trường không diễn ra vì dịch bệnh.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, có khoảng 13 phương thức tuyển sinh đại học được sử dụng năm 2022. Ngoài tuyển thẳng, xét học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, các đại học dành 20-60% chỉ tiêu cho các kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực.

Các trường phía Bắc thường sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (khoảng 15 trường), đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (hơn 50 trường). Ở phía Nam, hơn 80 trường dùng kết quả kỳ thi do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức.

Xu hướng giảm chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp, tăng chỉ tiêu từ kết quả đánh giá năng lực tư duy của phần lớn đại học năm nay khiến các kỳ thi đánh giá năng lực dự kiến thu hút nhiều thí sinh. Với 16 đợt thi, Đại học Quốc gia Hà Nội ước tính thu hút 70.000 đến 90.000 thí sinh, gấp 7-9 lần năm ngoái.

Minh Ngọc, lớp 12 tại một trường THPT ở Hà Nam, đang ôn luyện cho kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Nữ sinh biết đến kỳ thi này khá sớm bởi có chị gái từng tham gia năm 2015.

Ngọc quan tâm ngành Báo chí và Quan hệ công chúng, tổ hợp D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh) của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội. Điểm trúng tuyển hai ngành này theo kết quả thi tốt nghiệp năm ngoái ở tổ hợp D01 lần lượt là 26,6 và 27,1. Thấy sức mình chấp chới, Ngọc thi đánh giá năng lực để thêm cơ hội vào đại học.

Đề đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội gồm ba bài thi Tư duy định lượngTư duy định tínhKhoa học, mỗi bài 50 câu trắc nghiệm.

Ngọc khá chật vật vì không biết bắt đầu từ đâu với khối lượng kiến thức trong đề thi thử được Đại học Quốc gia Hà Nội công bố. “Em không lo phần Tư duy định lượng và Khoa học xã hội vì khá tự tin vào khả năng học Văn cũng như các môn xã hội. Tuy nhiên, tư duy định tính và khoa học tự nhiên lại là thử thách lớn”, Ngọc cho biết.

Xác định không thể học đều các môn tự nhiên hay giải các bài tập khó trong thời gian ngắn, Ngọc chuyển sang nắm vững lý thuyết. Khi đã có nền tảng, nữ sinh mới chuyển sang các dạng bài tập và tính toán cơ bản.

Đề của Đại học Quốc gia TP HCM có 120 câu, thang điểm 1.200 với ba phần: sử dụng ngôn ngữ; toán học, tư duy logic và phân tích số liệu; giải quyết vấn đề khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Đợt thi 1 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 3. Kỳ thi được nhiều học sinh quan tâm, bàn luận trên các diễn đàn ôn tập dù chưa mở cổng nhận đăng ký.

Nguyễn Quỳnh Anh, học sinh lớp 12 một trường THPT quận Bình Thạnh đặt mục tiêu cao nhất vào ngành Kinh doanh quốc tế, phương án dự bị là Quản trị kinh doanh. Nữ sinh nhắm vào hai trường Đại học Mở và Đại học Sài Gòn với điểm chuẩn phương thức điểm thi tốt nghiệp năm ngoái lần lượt là 26,45 và 25,16. Dù xếp loại học lực giỏi, Quỳnh Anh không chắc chắn về khả năng giành 8,5-9 điểm mỗi môn, số điểm cần để đạt mức điểm chuẩn năm ngoái.

“Em tự tin nhất với hướng đi đánh giá năng lực. Năm ngoái, ngành Kinh doanh quốc tế của Đại học Sài Gòn lấy 790. Mục tiêu này có vẻ dễ thở hơn”, nữ sinh nói.

Quỳnh Anh tham khảo đề mẫu và nhận thấy, kiến thức kỳ thi này khá phong phú, nhiều phần trùng với chương trình phổ thông. Đề còn có nhiều dữ kiện mang tính thời sự, đòi hỏi khả năng tự học, tìm hiểu của thí sinh. Một số câu không đòi hỏi khả năng ghi nhớ mà hướng đến việc kiểm tra tư duy, khả năng suy luận.

“Việc ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp cũng dùng được cho kỳ thi này. Từ nay đến cuối năm học, em sẽ tranh thủ đọc thêm nhiều thông tin thời sự để làm phong phú vốn hiểu biết”, nữ sinh cho biết.

Năm nay, Đại học Quốc gia TP HCM dự kiến có khoảng 100.000 thí sinh thi đánh giá năng lực tư duy, tăng khoảng 30.000 so với năm ngoái.

Học sinh lớp 12 trường THPT Phước Kiển, Nhà Bè, TP HCM làm bài kiểm tra học kỳ I ngày 14/1. Ảnh: Mạnh Tùng

 

 

Học sinh lớp 12 trường THPT Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP HCM) làm bài kiểm tra học kỳ I ngày 14/1. Ảnh: Mạnh Tùng

Trong khi học sinh lớp 12 chọn đánh giá năng lực để rộng cửa vào đại học, thí sinh tự do cũng có thể chọn giải pháp này để vào trường yêu thích. Duy, ngụ quận Gò Vấp, sinh viên năm nhất Đại học Công nghiệp TP HCM là trường hợp như vậy.

Duy đang chờ ngày mở cổng đăng ký để ghi danh thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM, với mục tiêu đỗ vào ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật phần mềm, Đại học Công nghệ Thông tin, Đại học Quốc gia TP HCM. Năm ngoái, hai ngành này có điểm chuẩn xét điểm thi THPT quốc gia trên 27,5; điểm thi đánh giá năng lực trên 920. Nam sinh rớt cả hai phương thức với điểm thi gần sát điểm chuẩn.

Duy không chọn thi lại kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi “mục tiêu này xa vời”. “Sau một năm học, kiến thức trong sách vở cũng hao hụt nhiều, khó có thể làm tốt hơn bài thi tốt nghiệp THPT như năm ngoái. Trong khi đó, kỳ thi đánh giá năng lực lại theo hướng mở, không phải ôn tập nhiều nên khả thi hơn”, nam sinh cho biết.

Với cách tiếp cận phương pháp tổ chức và xây dựng đề tương tự kỳ thi chuẩn hóa SAT của Mỹ và TSA của Anh, các kỳ thi đánh giá năng lực tư du