Phát biểu tại hội thảo “Tôn trọng quyền SHTT và bình đẳng giới trong văn hóa đọc của sinh viên Việt Nam” do Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Học viện Phụ nữ tổ chức sáng 18/4, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục SHTT cho biết, sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động mà Việt Nam và các nước trên thế giới hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới 21/4 và Ngày SHTT Thế giới 26/4.

Hội thảo “Tôn trọng quyền SHTT và bình đẳng giới trong văn hóa đọc của sinh viên Việt Nam’ diễn ra sáng 18/4 tại Hà Nội.

Sở hữu trí tuệ và thế hệ trẻ

Ngày SHTT thế giới năm nay được WIPO lựa chọn chủ đề “Sở hữu trí tuệ và thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì một tương lai tốt đẹp hơn”. Những thanh niên, những người trẻ tuổi là những nhà đổi mới, sáng tạo sẽ là chủ nhân tương lai. Bằng sự sáng tạo và khéo léo của mình, những người trẻ tuổi ở Việt Nam và trên toàn thế giới đang thúc đẩy sự thay đổi và tạo ra những con đường đến một tương lai tốt đẹp hơn.

“Ngày SHTT thế giới 2022 ghi nhận tiềm năng to lớn của giới trẻ trong việc tìm ra các giải pháp mới tốt hơn, hỗ trợ sự chuyển đổi đến một tương lai bền vững. Nói đến tương lai chúng ta không thể không quan tâm đến thế hệ trẻ, tương lai của chúng ta có bền vững hay không cũng sẽ phụ thuộc vào ý thức và sức sáng tạo của thế hệ trẻ”, ông Phí nêu rõ.

“Bình đẳng giới lồng ghép với văn hóa đọc và sở hữu trí tuệ có ý nghĩa rất quan trọng, bởi lẽ không thể có được những nhà sáng tạo, doanh nhân trẻ tài ba, nếu như từ khi ngồi trên ghế giảng đường, sinh viên không tìm hiểu, nghiên cứu và nghiền ngẫm tài liệu với sự hiểu biết và tôn trọng quyền SHTT của người khác. Cũng không thể có những sinh viên, thế hệ thanh niên xuất sắc nếu không có sự hiểu biết và tôn trọng quyền bình đẳng giới”, Cục trưởng Cục SHTT nhấn mạnh.

 

Ông Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam đánh giá hiện nay văn hóa đọc đang bị suy giảm ở một bộ phận không nhỏ sinh viên. Sinh viên có tâm lý ngại đọc, ngại xem những cuốn sách dài. Điều này là vô cùng lãng phí, bởi lứa tuổi này đang ở thời điểm tốt nhất cho khả năng lưu giữ thông tin, học hỏi kiến thức. Nếu bỏ qua giai đoạn này, kể cả về sau có muốn đọc và đọc nhiều thì khả năng lưu giữ của bộ não và sự nhanh nhạy cũng bị suy giảm đi.

“Những người trẻ trên toàn thế giới đang chấp nhận các thách thức của sự đổi mới sáng tạo, sử dụng năng lượng và sự khéo léo, trí tò mò và sự sáng tạo của mình để đi tới một tương lai tốt đẹp hơn. Những bộ óc đổi mới, năng động và sáng tạo đang giúp thúc đẩy những thay đổi mà chúng ta cần để hướng tới một tương lai bền vững hơn. Để làm được điều này việc đọc, học hỏi rất quan trọng”, ông Tiến chia sẻ.

Thế hệ Z và Thế hệ thiên niên kỷ – Những nhà sáng tạo của tương lai

Giới chuyên gia cho rằng, những người trẻ tuổi ngày nay là một nguồn sáng tạo chưa được khai thác. Hiện, thế giới có khoảng 1,8 tỷ người trẻ tuổi (đến 24 tuổi). 90% trong số họ sống ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ người trẻ (dưới 35 tuổi) sẽ tăng lên trong những năm tới. Ở tất cả các khu vực, những người trẻ tuổi là tác nhân tự nhiên của sự thay đổi, của những con đường dẫn đến một tương lai tốt đẹp hơn.

Bài viết liên quan

Ngày 04/10/2024, Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia Khu vực Miền Bắc với chủ đề “Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo”. Hội thảo này là một phần quan trọng trong chuỗi hội thảo khoa học quốc gia, diễn ra ở ba khu vực: miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam, nhằm đánh giá tình hình và thảo luận những vấn đề xã hội đặc thù của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trong từng vùng miền.
Trong khuôn khổ Chiến dịch truyền thông vận động thúc đẩy bình đẳng giới với chủ đề: “Thanh niên dân tộc thiểu số tiên phong thay đổi định kiến giới và khát vọng phát triển", chiều ngày 24/9/2024, đoàn sinh viên dân tộc thiểu số của Học viện Phụ nữ Việt Nam tiếp tục tham gia hội thảo "Thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên dân tộc thiểu số trong thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới" đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo đại biểu, chuyên gia và sinh viên. Đây là một trong những hoạt động trọng điểm của Dự án 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em,” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 – 2025).
Từ ngày 23 đến 25/9/2024, Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ tham gia chuỗi hoạt động thuộc Chiến dịch truyền thông vận động thúc đẩy bình đẳng giới với chủ đề: “Thanh niên dân tộc thiểu số tiên phong thay đổi định kiến giới và khát vọng phát triển.” Chương trình do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên, thu hút sự tham gia của 7 trường đại học khu vực phía Bắc và các tổ chức, cá nhân quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới và phát triển cộng đồng.