Cũng vào thời điểm này sáng ngày hôm nay 14/11, TP Hà Nội phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Hội thảo khoa học quốc gia “An toàn, bình đẳng trong không gian mạng” do Học viện Phụ nữ Việt Nam và Viện FES (Cộng hòa Liên bang Đức) phối hợp tổ chức, vì thế, càng thêm ý nghĩa.
Hội thảo khoa học quốc gia ngày hôm nay là một hoạt động quan trọng trong một chuỗi hoạt động chào mừng 10 năm thành lập, hơn 60 năm truyền thống vẻ vang của Học viện Phụ nữ Việt Nam, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, và hướng tới kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1980 – 20/11/2022); ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) và Chiến dịch toàn cầu 16 ngày hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới (từ 25/11 đến 10/12 – là Ngày quốc tế Nhân quyền).
Kính thưa các quý vị đại biểu,
An toàn, bình đẳng trong không gian mạng là một vấn đề được quan tâm trong bối cảnh chuyển đổi nhanh, mạnh của công nghệ số với nhiều thời cơ và thách thức lớn trên bình diện quốc gia và quốc tế.
An toàn, bình đẳng trong không gian mạng là việc đảm bảo trạng thái mà các nguy cơ và các điều kiện dẫn đến tổn hại về thể chất, tâm lý hoặc vật chất được kiểm soát để giữ gìn sức khỏe và trạng thái hạnh phúc cho mỗi con người khi tham gia các hoạt động trong không gian mạng. Ngược lại với sự an toàn là sự rủi ro mất an toàn – là những nhân tố chủ quan hoặc khách quan có khả năng ảnh hưởng tới trạng thái an toàn không gian mạng.
Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ sử dụng Internet tăng trưởng nhanh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Theo Báo cáo tổng quan thị trường Digital Việt Nam, tính đến tháng 01 năm 2022, dân số Việt Nam đạt mốc 98,56 triệu người, trong đó có 76,95 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 78,1% tổng dân số. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 18 thế giới về tỷ lệ người dân sử dụng Internet và là một trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới, trong đó thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ khá lớn. Không gian mạng mang lại nhiều lợi ích cho người dùng. Tuy nhiên, bên cạnh đó là những ẩn họa cần lưu tâm. Tác động của không gian mạng tới con người, đặc biệt, đối với phụ nữ và trẻ em là rất lớn.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có khác biệt giới và khoảng cách giới trong công nghệ số. So với nam giới, phụ nữ hạn chế hơn về công nghệ thông tin, vì thế dễ bị tổn thương trong không gian mạng. Đề tài cấp Bộ “An toàn cho phụ nữ trong không gian mạng: Đề xuất giải pháp thực hành an toàn” do Học viện Phụ nữ Việt Nam thực hiện năm 2021 chỉ ra một số khác biệt giới trong hành vi, thói quen sử dụng không gian mạng của phụ nữ và nam giới. (1) Với vai trò người vợ, người mẹ, phụ nữ quan tâm nhiều hơn đến việc tìm kiếm thông tin liên quan đến chăm sóc các thành viên gia đình. (2) Bên cạnh đó, trong khi nam giới ít chia sẻ hình ảnh bản thân trên mạng xã hội, phụ nữ chia sẻ hình ảnh của mình nhiều hơn. Việc đăng tải hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội không có gì là sai trái. Tuy nhiên, việc đăng tải hình ảnh, đặc biệt là các hình ảnh gợi cảm, dễ trở thành đối tượng tấn công của tội phạm. (3) Khi gặp phải các hành vi mất an toàn trên không gian mạng, phản ứng của phụ nữ và nam giới là khác nhau. Nam giới có thể bình tĩnh tháo gỡ, thậm chí “gây hấn” với kẻ gây hại, nhưng phụ nữ lại im lặng hoặc lo sợ bị trả thù trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khoảng cách giới về công nghệ số, về kỹ năng công nghệ, cũng như những rào cản giới khiến phụ nữ khó tham gia đầy đủ vào môi trường công nghệ là một trong những yếu tố tạo nên bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới trong không gian mạng. Đảm bảo an toàn trong không gian mạng chính là giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới, thúc đẩy đảm bảo quyền con người, nhân phẩm con người.
Hội thảo khoa học quốc gia “An toàn, bình đẳng trong không gian mạng” do Học viện Phụ nữ Việt Nam và Viện FES (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức là diễn đàn học thuật để chia sẻ, trao đổi, công bố kết quả nghiên cứu khoa học, thảo luận về các vấn đề liên quan đến chủ đề Hội thảo. Trải qua quá trình chọn lọc từ hơn 50 bài viết gửi cho hội thảo và quá trình phản biện độc lập, 34 báo cáo khoa học của các học giả, các nhà khoa học được lựa chọn đăng trong Kỷ yếu Hội thảo. Các bài viết được chọn đăng đều bám sát chủ đề hội thảo, có hàm lượng khoa học, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn.
Kính thưa các quý vị đại biểu, thưa các nhà khoa học.
Để Hội thảo đạt được mục tiêu đề ra, Ban tổ chức hội thảo mong muốn nhận được sự tham gia, thảo luận và trao đổi nhiệt tình, tâm huyết của các quý vị đại biểu, các nhà khoa học. Bên cạnh việc lắng nghe phần trình bày các kết quả nghiên cứu khoa học, rất mong các quý vị đại biểu, các nhà khoa học sẽ chia sẻ thêm tri thức, thông tin, dữ liệu liên quan đến chủ đề Hội thảo.
Ban tổ chức Hội thảo đề xuất các nội dung trọng tâm để quý vị đại biểu, các nhà khoa học thảo luận, chia sẻ:
Thứ nhất, các vấn đề luật pháp, chính sách về không gian mạng.
Thứ hai, vấn đề an toàn trên không gian mạng.
Thứ ba, vấn đề giới trên không gian mạng.
Thứ tư, các giải pháp đảm bảo an toàn trên không gian mạng.
Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách quý!
Học viện Phụ nữ Việt Nam, với 11 chương trình đạo tại đại học, 2 chương trình Chất lượng cao và Chương trình liên kết với ĐH Minh Truyền (Đài Loan); 2 chương trình đào tạo Thạc sĩ; với triết lý giáo dục “Toàn diện, Chất lượng và Bình đẳng” Học viện luôn quan tâm tới việc thúc đẩy bình đẳng giới; thúc đẩy an toàn, bình đẳng cho con người, trong đó có an toàn, bình đẳng trong không gian mạng. Hai ngành Giới và Phát triển, và ngành Công nghệ thông tin, hàng năm thu hút hàng trăm sinh viên theo học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, giảm thiểu khoảng cách giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo; các quý vị đại diện cho các cơ quan, tổ chức; các trường đại học, các viện nghiên cứu; các chuyên gia; các nhà khoa học, các cơ quan báo chí, truyền thông, các thầy cô giáo, các học viên, sinh viên đã dành thời gian, trí tuệ viết bài và tham dự Hội thảo ngày hôm nay. Học viện Phụ nữ Việt Nam kính mong quý vị tiếp tục cộng tác, hỗ trợ, chia sẻ trong các hoạt động giảng dạy, các hoạt động hội thảo, nghiên cứu khoa học, và các hoạt động kết nối, phục vụ cộng đồng trong thời gian tới.
Đặc biệt, xin được chân thành cám ơn bà Trần Hồng Hạnh và Viện FES đã hỗ trợ và đồng hành với Học viện Phụ nữ Việt Nam trong nhiều hoạt động ý nghĩa trong gần 5 năm qua, trong đó có các hoạt động tọa đàm khoa học, hội thảo khoa học, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển bền vững thông qua việc tạo các diễn đàn chia sẻ tri thức khoa học và kinh nghiệm thực tiễn về các vấn đề quan trọng cần quan tâm trong xã hội.
Cuối cùng, xin kính chúc sức khoẻ các đồng chí lãnh đạo, các quý vị đại biểu, các vị khách quý, các chuyên gia và nhà khoa học, các thầy cô giáo, các em học viên, sinh viên. Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.
Thay mặt Ban Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam và Ban Tổ chức Hội thảo, tôi xin tuyên bố Khai mạc Hội thảo Khoa học quốc gia An toàn, bình đẳng trong không gian mạng!