Nghiên cứu khoa học có vai trò quan trọng trong việc tìm ra các khía cạnh, khoảng trống hoặc các vấn đề thực tế; tổng hợp lý luận, lý thuyết để xác định các giải pháp phù hợp triển khai các công việc hiệu quả hơn, theo đó, có ý nghĩa đặc biệt trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức và nâng vị thế cá nhân. Để thực hiện nghiên cứu khoa học, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải xác định rõ phạm vi, chủ đề bảo đảm tính mới, tính tin cậy, tính thông tin, tính khách quan và tính kế thừa.

Là đoàn thể chính trị – xã hội được Đảng phân công, Nhà nước phối hợp trong việc thực hiện vai trò đại diện cho hội viên, phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội) đã trải qua 13 nhiệm kỳ Đại hội với nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Để có thể cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng theo hướng vừa vận động phụ nữ thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, vừa hỗ trợ phụ nữ phát huy vai trò, tiềm năng của mình, vừa vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới, giảm gánh nặng công việc gia đình để phụ nữ phát triển, Hội đã đặc biệt quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học và vận dụng, sử dụng các kỹ thuật nghiên cứu khoa học vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội để tiếp cận giải quyết vấn đề thực tiễn không những chỉ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ mà còn góp phần bảo đảm nhu cầu phát triển của xã hội trong bối cảnh hội nhập và xu hướng toàn cầu hóa.

Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (2022), trong 10 năm từ 2012 – 2022, Hội thực hiện 80 nhiệm vụ khoa học các cấp, gồm 02 đề tài độc lập cấp quốc gia, 03 đề tài Nafosted, 44 đề tài/dự án thử nghiệm cấp Bộ, 13 đề tài cơ sở, 08 điều tra cơ bản và 10 đề tài khác; 46% tỉnh/thành Hội có đề tài nghiên cứu khoa học, thấp nhấp 1 đề tài, cao nhất 6 đề tài[2].

Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII xác định  công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn là một giải pháp chung quan trọng của hoạt động Hội giai đoạn 2022 – 2027 như sau:

Một là, tập trung nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu lý luận, góp phần bổ sung lý luận về phụ nữ, công tác phụ nữ và bình đẳng giới, tập trung nghiên cứu những vấn đề mới, khó như: phụ nữ với hội nhập quốc tế; tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh mới, Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; nội dung, phương thức hoạt động của Hội trong tình hình mới…

Hai là, xây dựng Chiến lược nghiên cứu về phụ nữ và bình đẳng giới của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Ba là, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiên cứu của cán bộ Hội các cấp; tăng cường chia sẻ kết quả nghiên cứu trong và ngoài hệ thống Hội.

Để hiện thực hóa định hướng của Nghị quyết, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đang soạn thảo dự thảo Chiến lược nghiên cứu về phụ nữ và bình đẳng giới của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học của Học viện Phụ nữ Việt Nam (Học viện) có nhiều thay đổi cả về số lượng và chất lượng. Chỉ tính riêng 3 năm 2020 – 2021, trong bối cảnh phòng, chống dịch dịch Covid-19 nhiều khó khăn nhưng hoạt động nghiên cứu khoa học vẫn được triển khai khá ấn tượng với 2 đề tài nghiên cứu cấp quốc gia từ quỹ Nafosted; 13 đề tài cấp bộ; 58 đề tài cơ sở, 7 dự án điều tra cơ bản, 40 đề tài khác; 118 hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp và 382 sản phẩm khoa học đã được công bố.

Kết quả

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Đề tài nghiên cứu cấp quốc gia

1

1

Đề tài nghiên cứu cấp bộ

3

6

4

Đề tài nghiên cứu cấp cơ sở

9

23

26

Dự án điều tra cơ bản

1

4

2

Đề tài nghiên cứu khác

7

17

16

Hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp

5

61

52

Sản phẩm khoa học công bố

94

143

145

 

Các đề tài nghiên cứu khoa học đã thực hiện tập trung theo các trọng tâm ưu tiên của Hội là phụ nữ, bình đẳng giới, gia đình, trẻ em, tổ chức Hội và phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo chức năng, nhiệm vụ của Học viện.

Trên cơ sở định hướng của Hội, Học viện cần rà soát định hướng nghiên cứu khoa học để xác định phạm vi nghiên cứu đến năm 2027 và từng năm, xác định rõ các chủ đề nghiên cứu để đặt hàng cho các cá nhân và tập thể thực hiện. Đồng thời, thúc đẩy việc chuyển giao kết quả nghiên cứu sau nghiệm thu.

Về phạm vi nghiên cứu: nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn định hướng hoạt động Hội và mối quan hệ giữa các cấp Hội trong thực hiện Văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc; các khía cạnh liên quan đến phụ nữ và mục tiêu bình đẳng giới trong tình hình mới; các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ.

Về các chủ đề nghiên cứu: từ chức năng, nhiệm vụ thực tế, Học viện có thể xác định một số chủ đề trọng tâm trong các phạm vi nghiên cứu như sau:

Thứ nhất, nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn định hướng hoạt động Hội và mối quan hệ giữa các cấp Hội trong thực hiện Văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc.

Thứ hai, nghiên cứu cụ thể hóa chỉ đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong định hướng hoạt động Hội theo nhiệm kỳ và hàng năm

Thứ ba, nghiên cứu đánh giá tác động, ảnh hưởng từ kết quả hoạt động Hội đến các vấn đề kinh tế – xã hội của đất nước, địa phương

Thứ tư, nghiên cứu thực hiện phương châm “Trung ương định hướng chiến lược, tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ”

Thứ năm, nghiên cứu đổi mới công tác đánh giá, xếp loại hoạt động và công tác thi đua bảo đảm công tâm, công bằng, bình đẳng theo đặc thù, vùng miền và các yếu tố liên quan khác

Thứ sáu, nghiên cứu sự vận dụng sáng tạo định hướng của Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại cấp tỉnh, thành Hội…

Thứ bảy, nghiên cứu về các khía cạnh liên quan đến phụ nữ và mục tiêu bình đẳng giới trong tình hình mới. Trong đó, quan tâm nhiều hơn 06 lĩnh vực: lãnh đạo nữ; trao quyền cho phụ nữ; phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới; bình đẳng giới và lồng ghép giới; vận động chính sách xã hội, nhất là chính sách an sinh xã hội; phụ nữ hòa bình và an ninh.

Thứ tám, nghiên cứu về các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ

[1] Khoản 4 Điều 3 Luật Khoa học và Công nghệ  2013

[2] Ban Chính sách, Luật pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 2022