Hưởng ứng ngày “Thế giới và toàn dân phòng chống mua bán người 30/7”, trong bối cảnh toàn dân tham gia góp ý sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, ngày 27/9/2023, Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phòng, chống mua bán người trong tình hình mới”. Hội thảo thuộc khuôn khổ Dự án 8, “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là một trong 10 Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030.
Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ, công bố kết quả nghiên cứu khoa học, tạo diễn đàn học thuật để thảo luận các vấn đề liên quan đến mua bán người và công tác phòng chống mua bán người trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, tăng cường trao đổi học thuật giữa các giảng viên, nghiên cứu viên Học viện Phụ nữ Việt Nam với các nhà khoa học và những người làm thực tiễn nhằm đưa ra các khuyến nghị về luật pháp, chính sách trong công tác phòng chống mua bán trong tình hình mới.
Trong khuôn khổ hội thảo, ban tổ chức sẽ xuất bản 01 kỷ yếu Hội thảo khoa học có mã số ISBN gồm khoảng 40 bài viết học thuật được xét duyệt qua 02 vòng phản biện độc lập.
Từ tháng 4/2023, sau thời gian công bố tiếp nhận báo cáo khoa học, ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 72 bài đăng ký từ các nhà nghiên cứu, giảng viên, nhà làm thực tiễn trên khắp cả nước. Qua quá trình phản biện độc lập chặt chẽ, đã có 33 bài báo khoa học toàn văn được duyệt đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia “Phòng, chống mua bán người trong tình hình mới”. Các bài viết gửi về Hội thảo tập trung làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn liên quan đến quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người ở Việt Nam, việc triển khai, thực hiện công tác phòng, chống mua bán người tại nhiều địa phương trên cả nước.
Đặc biệt, một số bài viết đã có những phân tích nhận diện biểu hiện, xu hướng mới của tội phạm mua bán người và yêu cầu hoàn thiện, đổi mới công tác đấu tranh phòng chống mua bán người; việc bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân trong bối cảnh hiện nay.
Một số bài viết đã chỉ ra những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người; phân tích sự tương thích, phù hợp giữa pháp luật phòng chống mua bán người của Việt Nam với pháp luật quốc tế. Từ đó, đề xuất các khuyến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong phòng, chống mua bán người trong tình hình hiện nay cũng như xu hướng diễn biến trong tương lai.
Với cách tiếp cận đa dạng và thực tiễn phong phú, các bài viết khoa học đăng trong kỷ yếu hội thảo không chỉ đảm bảo hàm lượng khoa học mà còn là nguồn tham khảo có giá trị về lý thuyết và thực tiễn, là nguồn tham khảo hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách, pháp luật, các cơ quan chức năng và các bên liên quan trong công tác đấu tranh phòng chống mua bán người ở Việt Nam hiện nay.
Hội thảo được tổ chức theo 02 chủ đề chính:
Chủ đề 1: Lý luận pháp luật và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác phòng, chống mua bán người trong tình hình mới
Chủ đề 2: Công tác phòng, chống mua bán người ở Việt Nam: kinh nghiệm và mô hình thực tiễn
Với sự tham dự của đông đảo của các nhà khoa học, nhà làm thực tiễn, tham gia nghiên cứu, đề xuất chính sách, luật pháp, hội thảo sẽ được lắng nghe những bài tham luận, những kết quả của công trình khoa học được các tác giả trình bày, trao đổi và thảo luận. Hi vọng rằng, thông qua việc thảo luận cơ hội, thách thức, thuận lợi, khó khăn trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn bán người hiện nay, kết quả của hội thảo sẽ đưa ra các khuyến nghị về bổ sung chính sách, pháp luật, đổi mới công tác đấu tranh phòng chống mua bán người trong tình hình mới sát thực, hiệu quả hơn, góp phần đạt được bình đẳng giới, thúc đẩy tiến bộ cho phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đặc biệt là các vùng giáp biên của Việt Nam.
———
Thông tin liên hệ
Phòng Hợp tác quốc tế và Quản lý khoa học
Điện thoại: 024.37759041
Email: qlkh@hvpnvn.edu.vn