Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam được vinh danh ‘Gương sáng pháp luật’ năm 2023

Đồng chí Hà Thị Thanh Vân – Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam vinh dự là một trong 50 cá nhân đại diện cho các lĩnh vực, bộ, ngành, địa phương đã được tôn vinh là Gương sáng Pháp luật năm 2023, góp phần lan tỏa và khơi dậy tinh thần, nâng cao ý thức tôn trọng và làm theo Hiến pháp, pháp luật của cán bộ, nhân dân. Để có được Luật Bình đẳng giới hoàn thiện nhất, Ban soạn thảo và đồng chí Hà Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam đã phải trải qua không ít kỳ công. Ngay sau khi Luật được thông qua, đồng chí Vân tiếp tục cùng đồng nghiệp tham mưu cho lãnh đạo Hội xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng và tham gia với Bộ Tư pháp soạn thảo 3 Nghị định hướng dẫn thi hành. Thành tích: Bằng khen năm 2007 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về thành tích tham gia xây dựng Luật Bình đẳng giới; Bằng khen năm 2017 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về thành tích 10 năm triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới giai đoạn 2007 – 2017.

Với sự cố gắng, đóng góp trong quá trình công tác, ngoài bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam về chuyên môn, năm 2007 đồng chí Hà Thị Thanh Vân được Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích tham gia xây dựng Luật BĐG. Năm 2013, Bộ NN&PTNT tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong việc tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số bằng hình thức sân khấu hóa. Năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH tặng Bằng khen về thành tích 10 năm triển khai thực hiện Luật BĐG giai đoạn 2007 – 2017 và nhiều khen thưởng khác của Học viện Phụ nữ Việt Nam. Chúc mừng Phó Giám đốc Hà Thị Thanh Vân, chúc đồng chí tiếp tục phát huy năng lực chuyên môn để có thêm nhiều đóng góp cho Học viện Phụ nữ Việt Nam và cộng đồng xã hội.

Đảng bộ Học viện Phụ nữ Việt Nam – Những chặng đường lịch sử

Sáng ngày 10/11/2023, Đảng bộ Học viện Phụ nữ Việt nam đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề với nội dung: “Đảng bộ Học viện Phụ nữ Việt Nam – những chặng đường lịch sử”. Buổi sinh hoạt chuyên đề được tổ chức nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức, lòng tự hào của cán bộ đảng viên, quần chúng về lịch sử hình thành và quá trình phát triển, truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ Học viện, qua đó giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống cho đảng viên, quần chúng, viên chức, người lao động trong toàn Học viện góp phần hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao, thực hiện có hiệu quả chuyên đề toàn khoá về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Để phác họa rõ nét hơn về bức tranh đầy màu sắc khái quát sự hình thành và phát triển của Đảng bộ Học viện Phụ nữ Việt Nam nói chung và của các chi bộ, các đoàn thể nói riêng trong cả một hành trình dài, đại diện các chi bộ 1, 3, 4, 5 và đại diện tổ chức Công Đoàn, Đoàn Thanh niên đã có những tham luận ấn tượng, sâu sắc. Đồng hành với sự ra đời, phát triển của Đảng bộ Học viện Phụ nữ Việt Nam, của các chi bộ Đảng, các đoàn thể, không thể thiếu sự đóng góp lớn lao của các đồng chí nguyên là lãnh đạo đảng, lãnh đạo các chi bộ của Học viện qua các thời kỳ. Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ Học viện đã có những chia sẻ đầy cảm xúc với những thông tin, dữ liệu chính xác, ấn tượng về từng giai đoạn lịch sử của Đảng bộ Học viện. Buổi sinh hoạt chuyên đề “Đảng bộ Học viện Phụ nữ Việt Nam – những chặng đường lịch sử” khép lại trong niềm tự hào, xúc động của các thế hệ đảng viên của Đảng bộ Học viện Phụ nữ Việt Nam. Giá trị của buổi sinh hoạt sẽ được nhân lên gấp nhiều lần bởi tinh thần tự hào của mỗi đảng viên, quần chúng và quyết tâm gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của Đảng bộ Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Nói chuyện chuyên đề: “Tính hoạt trong phim hoạt hình”

Chiều ngày 9/11, Khoa Truyền thông đa phương tiện đã tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về chủ đề “Tính hoạt trong phim hoạt hình” với chuyên gia đạo diễn, hoạ sĩ Bùi Mạnh Quang – Phó Tổng giám đốc hãng phim hoạt hình Việt Nam và hoạ sĩ diễn xuất Đặng Trung Dũng.

Tại buổi nói chuyện, giảng viên và sinh viên của Khoa đã có cơ hội được trao đổi, thảo luận chuyên sâu cùng với 2 chuyên gia về những kiến thức, kĩ năng trong sản xuất một bộ phim hoạt hình như: viết kịch bản lời, kịch bản phân cảnh hình ảnh, tạo hình nhân vật, dàn cảnh, diễn xuất, dựng phim, … Đặc biệt 2 chuyên gia đã có những chia sẻ chi tiết về những cách làm phim hoạt hình hiện nay và tính “hoạt” trong hoạt hình. Qua buổi nói chuyện chuyên đề sinh viên đã được học hỏi và tiếp cận với các kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực làm phim hoạt hình, một trong những lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều sinh viên khi lựa chọn ngành học Truyền thông đa phương tiện. Thời gian tới Khoa Truyền thông đa phương tiện, Học viện phụ nữ Việt Nam và Hãng phim hoạt hình Việt Nam sẽ có những hoạt động hợp tác cụ thể hơn nữa để tạo điều kiện cho sinh viên của Khoa có thêm nhiều cơ hội thực tập, thực tế và làm việc sau khi tốt nghiệp.
Chương trình hội thảo KHQG: ‘Phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong tình hình mới’
Trong khuôn khổ đề án 939 – Đề án Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế, ngày 17/11/2023, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia với chủ đề: “Phụ nữ Khởi nghiệp, Đổi mới sáng tạo trong thời đại mới”. Tại hội thảo, 5 tham luận tiêu biểu được lựa chọn từ 24 bài nghiên cứu in tại kỷ yếu được các tác giả trình bày tập trung vào các chủ đề: Các đặc điểm của thời đại mới và mối liên hệ với phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Thực trạng phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và các vấn đề đặt ra; Các mô hình, doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thành công của phụ nữ; Chính sách, pháp luật hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Các yếu tố ảnh hưởng tới sự sẵn sàng của phụ nữ trong khởi nghiệp kinh doanh và đổi mới sáng tạo; Các vấn đề giới trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực kinh doanh hiện nay.
Các tham luận đã nhận được sự trao đổi, phản hồi, chia sẻ sôi nổi của các đại biểu tham gia hội thảo nhằm tập trung làm rõ nguyên nhân, lý do, hình thức, đặc điểm của phong trào phụ nữ khởi nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu hóa hiện nay. Những câu hỏi làm thế nào để phụ nữ phát huy tốt nhất những tiềm năng của mình, tận dụng những cơ hội, thuận lợi và vượt qua thách thức, khó khăn để tham gia có hiệu quả hơn nữa vào các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế – xã hội ngày nay đã được các đại biểu tập trung thảo luận và đề xuất những giải pháp cải tiến, nâng cao năng lực khởi nghiệp của phụ nữ. Các vấn đề được nhìn nhận theo các góc độ đa dạng như từ góc nhìn, quan điểm đa ngành, quan điểm kinh tế, quan điểm tài chính, quan điểm văn hoá, quan điểm luật pháp, chính sách, quan điểm giới và nâng cao quyền năng, và quan điểm phát triển bền vững hướng tới đối tượng dễ bị tổn thương hơn như phụ nữ, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ miền núi, phụ nữ nông thôn, góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển.
Tập huấn kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho 52 cán bộ nữ cấp huyện, cấp xã
Hội LHPN tỉnh Hà Giang vừa tổ chức lớp tập huấn kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho 52 cán bộ nữ cấp huyện và cấp xã thuộc 10 huyện trên địa bàn tỉnh.
Tại lớp tập huấn, các học viên đã được giảng viên của Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, trang bị các kiến thức về 4 nhóm chuyên đề gồm: Quy trình, kỹ năng ra quyết định và tổ chức thực hiện quyết định lãnh đạo, quản lý; Kỹ năng xử lý tình huống trong lãnh đạo, quản lý ở cấp huyện và cấp xã; Khái quát về hoạt động lãnh đạo, quản lý; Kỹ năng xây dựng, tổ chức thực hiện đề án, dự án, chương trình hành động, kế hoạch công tác ở cơ sở. Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ thực hiện Dự án 8 ‘Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em’ trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I (từ năm 2021 đến năm 2025) và cụ thể hoá thực hiện Đề án số 07 về đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cấp uỷ viên, cán bộ lãnh đạo và Đề án 21 của Tỉnh uỷ về xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số.