Hội thảo nhằm thực hiện chương trình hành động của Hội đồng Hiệu trưởng khối ngành Sư phạm, Hội đồng hiệu trưởng các trường Đại học trên địa bàn TPHCM về việc tổ chức chuỗi hội thảo hiến kế xây dựng chính sách phát triển thành phố.

Hội thảo được tổ chức xoay quanh hai chủ đề chính gồm: Đánh giá chương trình theo các chuẩn so sánh với đánh giá chương trình theo chuẩn của Việt Nam. Xây dựng mô hình Đại học chia sẻ.

 

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và nhiều bài tham luận đến từ các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên các trường đại học trong lĩnh vực tâm lý, giáo dục, kinh tế, kỹ thuật. Những tham luận xoay quanh các thực trạng đánh giá chương trình theo chuẩn của Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm về đánh giá chương trình tại các trường Đại học hàng đầu.

Các định hướng, chia sẻ đóng góp về xây dựng, phát triển mô hình Đại học chia sẻ nhằm tăng cường chất lượng và môi trường giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Phát biểu tại Hội thảo, GS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM cho biết: Hội thảo nhằm xây dựng môi trường giao lưu và chia sẻ giữa các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên từ các viện, các trường Đại học, Cao đẳng trong việc đánh giá chương trình theo các chuẩn và phát triển mô hình Đại học chia sẻ.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Tạ Văn Thành, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho rằng: Mô hình đại học chia sẻ là một xu hướng tất yếu trên nền tảng công nghệ phát triển như vũ bão thời đại 4.0. Đại học chia sẻ là điều kiện cần thiết để các cơ sở giáo dục đại học sử dụng chung nguồn học liệu, nội dung đào tạo, hạ tầng công nghệ, thậm chí cả nguồn nhân sự tham gia giảng.

Theo ông Thành, mô hình Đại học chia sẻ hoàn toàn có thể thực hiện khi mô hình này được khẳng định rõ nét vào tháng 12/2018 khi Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM ký kết công nhận tín chỉ và chia sẻ nguồn lực với hai trường là Đại học Kinh tế TPHCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

“Xu hướng trong tương lai, trên cơ sở sử dụng chung nguồn tài nguyên theo mô hình đại học chia sẻ, thay vì dừng lại ở mức công nhận tương đương, các cở sở giáo dục đại học hoàn toàn có thể thí điểm mô hình thi – kiểm tra – đánh giá – công nhận năng lực của người học mà không quá chú trọng đến việc người học có tham gia vào quá trình đào tạo.

Lúc đó nhà trường trở thành môi trường hỗ trợ người học đạt chuẩn nhanh hơn, hiệu quả hơn cùng với các kỳ sát hạch công nhận năng lực thay vì cố hữu mô hình trường học truyền thống: cung cấp tri thức – sát hạch – công nhận tốt nghiệp. Xu hướng này, trên thực tế đã triển khai rất hiệu quả như mô hình sát hạch hay công nhận năng lực của các tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.” – ông Thành nói.