Theo báo cáo của TopDev, nền tảng chuyên tuyển dụng nhân sự công nghệ thông tin, nhu cầu nhân lực cho ngành Công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam tăng cao liên tục. Đến 2025, cả nước cần đến 700.000 nhân lực. Trong khi đó, số lập trình viên hiện tại mới đạt khoảng 530.000 người, tức thiếu gần 200.000 người.
Báo cáo của TopCV về thị trường tuyển dụng 2023 và nhu cầu 2024 cũng cho thấy, IT – phần mềm là nhóm ngành có nhu cầu cao thứ hai tại Việt Nam, sau nhóm kinh doanh/bán hàng.
Hiện cả nước có hơn 100 trường đại học đào tạo ngành CNTT, mỗi năm cung cấp 50.000 cử nhân, kỹ sư. Không chỉ ở nhiều trường kỹ thuật, công nghệ, ngành này được đào tạo ở nhiều nơi như Đại học Hà Nội, Học viện Phụ nữ Việt Nam…
Khoa CNTT của Đại học Hà Nội mỗi năm tuyển khoảng 300 sinh viên bằng cách xét tuyển thẳng, xét tuyển kết hợp và xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Điểm trúng tuyển năm ngoái của ngành này ở tổ hợp ba môn thi tốt nghiệp là 24,7 (không nhân hệ số).
Ở Học viện Phụ nữ Việt Nam, chỉ tiêu ngành CNTT hàng năm khoảng 150. Đầu vào năm ngoái theo điểm thi tốt nghiệp của trường là trên 18 điểm.
Chương trình học
Tại trường Đại học Hà Nội, chương trình ngành CNTT gồm 147 tín chỉ, có hai khối kiến thức đại cương và chuyên ngành.
Kiến thức đại cương có 60 tín chỉ, trong đó hơn một nửa (36) dành cho các học phần thực hành tiếng Anh. Còn lại là kiến thức chuyên ngành theo ba định hướng là Công nghệ phần mềm, Hệ thống thông tin, Mạng máy tính và Truyền thông.
TS Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng khoa CNTT, cho hay nội dung đào tạo được tham khảo từ chương trình quốc tế của Mỹ, Anh và Nhật Bản. Chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh, theo định hướng ứng dụng, với số giờ thực hành chiếm trên 60%.
Tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, ngành này có 129 tín chỉ, chưa gồm các học phần Tiếng Anh (14 tín chỉ), Giáo dục thể chất (3) và Giáo dục quốc phòng (8). Mục tiêu là giúp sinh viên có kiến thức vững chắc, kỹ năng thành thạo và thái độ làm việc chuyên nghiệp.
TS Nguyễn Đức Toàn, Phó viện trưởng phụ trách Viện Công nghệ thông tin, cũng cho biết chương trình chú trọng các học phần thực hành.
Ví dụ, ngay trong học kỳ đầu tiên, sinh viên được học môn Lắp ráp, cài đặt và bảo trì máy tính. Theo ông Toàn, đây là môn được nhiều trường nghề chú trọng, giúp người học không chỉ biết về phần mềm, mà còn thao tác tốt trên phần cứng. Với môn Đồ họa máy tính, thay vì dạy về thuật toán, sinh viên được hướng dẫn sử dụng các phần mềm đồ họa chuyên dụng như photoshop, để khi học xong môn này có thể tìm việc làm thêm.
Đào tạo CNTT trong môi trường vốn không có thế mạnh về công nghệ, kỹ thuật, nhưng hai trường cho biết vẫn có những điểm tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Ông Toàn cho biết điểm khác biệt trong chương trình đào tạo của trường là có học phần Giới trong khoa học công nghệ. Môn học này tận dụng nguồn cơ sở dữ liệu lớn của trường về giới, cho sinh viên phân tích, lập trình các sản phẩm cụ thể theo yêu cầu của giảng viên. Ngoài ra, trường có học phần Khởi nghiệp kinh doanh, trang bị cho sinh viên có kiến thức về khởi nghiệp, hiểu những vấn đề hiện tại của công nghệ phần mềm để kinh doanh.
Còn tại Đại học Hà Nội, trước khi học chuyên ngành, sinh viên được học tiếng Anh. Nhà trường có phòng thực hành với thiết bị và máy tính cấu hình cao, nguồn học liệu đa dạng. Với mạng lưới hợp tác của trường, sinh viên có nhiều cơ hội đi học trao đổi một học kỳ hoặc một năm ở nước ngoài, nhận học bổng hỗ trợ học tập, nghiên cứu của các doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước.
Học phí
Trường Đại học Hà Nội thu học phí với ngành CNTT như sau:
– Các học phần thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương: 720.000 đồng một tín chỉ.
– Học phần thuộc khối kiến thức chuyên nghiệp của chương trình đại trà: 880.000 đồng một tín chỉ.
– Học phần thuộc khối kiến thức chuyên nghiệp của chương trình tiên tiến: 1,58 triệu đồng một tín chỉ.
Học phí những năm tiếp theo có thể tăng theo lộ trình nhưng không quá 15%.
Học phí ngành CNTT của Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng tính theo tín chỉ. Mức thu dự kiến của học kỳ I năm học 2024-2025 là 400.000 đồng một tín chỉ, học kỳ II là 550.000 đồng.
Việc làm
Đại diện hai trường cho biết, tốt nghiệp ngành CNTT, sinh viên có thể đảm nhận những công việc:
– Các vị trí thuộc nhóm Phát triển sản phẩm phần mềm: Lập trình viên (front-end, back-end, web và mobile); chuyên viên phân tích nghiệp vụ/yêu cầu người dùng; thiết kế phần mềm; kiểm thử và đảm bảo chất lượng phần mềm; quản trị dự án và quy trình phát triển phần mềm.
– Vị trí thuộc nhóm Triển khai, quản trị Mạng máy tính và các hệ thống thông tin: Chuyên viên quản trị và vận hành hệ thống (mạng, cơ sở dữ liệu và dịch vụ, ảo hóa và điện toán đám mây); an toàn và bảo mật thông tin; tư vấn ứng dụng và triển khai hệ thống thông tin.
– Kỹ sư cầu nối, chuyên viên tư vấn kỹ thuật, quản trị dự án, chăm sóc khách hàng cho các doanh nghiệp nước ngoài.
– Viên chức làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập
– Nghiên cứu viên
Mức lương
Theo hai chuyên gia, thu nhập trung bình sau khi ra trường của sinh viên ngành CNTT là 9-12 triệu đồng một tháng, sau hai năm tốt nghiệp có thể tăng trên 15 triệu đồng.
Ông Thắng và ông Toàn gợi ý sinh viên nên học thêm các chứng chỉ nghề nghiệp để có công việc tốt sau khi ra trường. Tùy lĩnh vực chuyên môn đang công tác, sinh viên có thể lựa chọn học chứng chỉ như: Quản trị mạng và quản trị hệ thống (CCNA, MCSE, MCSA, GCP Cloud Architect…); an toàn thông tin (CompTIA Security+, CEH, CISSP…); phát triển phần mềm (AWS Certified Solutions Architect, ScrumMaster, PMP…).
Năm 2024, Viện Công nghệ thông tin, Học viện Phụ nữ Việt Nam tuyển sinh 150 chỉ tiêu thuộc 02 chuyên ngành: Công nghệ phần mềm và trí tuệ nhân tạo; Quản trị hệ thống mạng. Đây đều là những lĩnh vực có cơ hội việc làm rộng mở, thu nhập tốt, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay.
Ngành Công nghệ thông tin chào đón các thí sinh, tân sinh viên khóa 12 cùng trải nghiệm hành trình thanh xuân ý nghĩa tại Học viện Phụ nữ Việt Nam.