Hội thảo sẽ diễn ra trong một ngày, dự kiến sẽ có sự tham dự của lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam, các đại biểu đến từ nhiều trường đại học, viện nghiên cứu trong nước; đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các tỉnh, các Sở, Ban, ngành thuộc khu vực phía Nam. Sự kiện là diễn đàn quan trọng để các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và những người hoạt động thực tiễn cùng nhau trao đổi thông tin, công bố kết quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn trong quá trình thực hiện Dự án 8 và tìm ra các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi.

Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là một trong 10 dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, được triển khai tại 51 tỉnh trên cả nước. Dự án do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp thiết tại vùng đặc biệt khó khăn.

Sau gần ba năm triển khai, Dự án 8 đã đạt được những kết quả tích cực. Các hoạt động tập trung vào việc tuyên truyền, vận động thay đổi định kiến giới, xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, triển khai các chương trình đào tạo và trang bị kiến thức về bình đẳng giới cho cán bộ chính trị và cộng đồng. Tại các tỉnh phía Nam, Hội LHPN đã tổ chức nhiều hoạt động cụ thể như tuyên truyền, vận động thay đổi tư duy, xóa bỏ định kiến giới trong gia đình và cộng đồng, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho phụ nữ, đào tạo về bình đẳng giới cho cán bộ và người dân.

Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam, đơn vị tổ chức Hội thảo, đã đóng vai trò quan trọng trong khuôn khổ Dự án 8. Với đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên có trình độ cao và kinh nghiệm trong lĩnh vực bình đẳng giới, Phân hiệu Học viện đã tham gia khảo sát đầu vào, đánh giá giữa kỳ, phát triển tài liệu và tổ chức nhiều khóa tập huấn cho cán bộ Hội, cán bộ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi. Đây là những nỗ lực đáng ghi nhận nhằm đảm bảo Dự án 8 không chỉ được triển khai hiệu quả mà còn tạo ra những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của cộng đồng.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 70 bài viết từ các nhà khoa học, đại diện các sở, ngành và Hội LHPN các tỉnh thuộc địa bàn Dự án 8 khu vực phía Nam. Qua quá trình phản biện độc lập, gần 40 bài viết đã được lựa chọn đăng trong Kỷ yếu Hội thảo. Các bài viết này tập trung vào bốn chủ đề chính cũng là những chủ đề sẽ được chia sẻ, thảo luận trực tiếp tại Hội thảo:

  • Chủ đề 1: Những vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi hiện nay tại khu vực phía Nam.
  • Chủ đề 2: Cơ hội, thách thức khi triển khai Dự án 8 tại địa phương và tiếp cận các dịch vụ liên quan.
  • Chủ đề 3: Kinh nghiệm, bài học thành công trong giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết.
  • Chủ đề 4: Khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động hỗ trợ phụ nữ DTTS giai đoạn tiếp theo.

Những nội dung sẽ trao đổi tại hội thảo không chỉ mang lại cái nhìn toàn diện về các vấn đề xã hội mà phụ nữ và trẻ em đang đối mặt mà còn đóng góp quan trọng vào việc xây dựng các giải pháp chính sách nhằm nâng cao hiệu quả của Dự án 8 trong giai đoạn tiếp theo.

Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của các quý vị đại biểu, các nhà khoa học và tin tưởng rằng, những ý kiến đóng góp từ hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để đề xuất các giải pháp hỗ trợ hiệu quả hơn cho phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi trong thời gian tới.

Trong bối cảnh xã hội đang thay đổi nhanh chóng, việc chú trọng đến sự phát triển và nâng cao quyền năng cho phụ nữ và trẻ em không chỉ góp phần thúc đẩy bình đẳng giới mà còn tạo ra nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước. Hội thảo Khoa học Quốc gia Dự án 8 Khu vực phía Nam một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của việc hợp tác, chia sẻ và đóng góp trí tuệ để cùng nhau hướng tới mục tiêu cao đẹp này.