Chiến dịch truyền thông vận động thúc đẩy bình đẳng giới với chủ đề: “Thanh niên dân tộc thiểu số tiên phong thay đổi định kiến giới và khát vọng phát triển.” Chương trình do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên là một trong những hoạt động trọng điểm thuộc Dự án 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 – 2025). Thông qua các hội thảo và hoạt động giao lưu, chiến dịch không chỉ tạo cơ hội cho thanh niên dân tộc thiểu số phát huy vai trò tiên phong trong việc thay đổi định kiến giới mà còn giúp họ xây dựng khát vọng vươn lên, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của cộng đồng. 

Chương trình giao lưu Trình diễn sáng kiến truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho thanh niên dân tộc thiểu số DTTS có sự tham gia của sinh viên 7 trường ĐH, Học viện: Học viện Phụ nữ Việt Nam; Trường ĐH Khoa học – Đại học Thái Nguyên, Trường ĐH Tây Bắc, Trường ĐH Tân Trào, TrườngĐH Sư phạm – Đại học Thái Nguyên, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Dân tộc với chủ đề “Thanh niên dân tộc thiểu số tiên phong thay đổi định kiến giới vì khát vọng phát triển“.

Đoàn sinh viên dân tộc thiểu số của Học viện Phụ nữ Việt Nam đã biểu diễn hoạt cảnh có nội dung về việc tự do lựa chọn nghề nghiệp để hiện thực hóa ước mơ và trình bày Dự án “Công bằng nghề nghiệp – Thắp sáng tương lai” tại chương trình giao lưu. Phần dự thi đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả và Ban Giám khảo.

Hoạt cảnh của đoàn dự thi Học viện Phụ nữ Việt Nam

Tại các khu vực dân tộc thiểu số (DTTS) của Việt Nam, định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp và việc làm vẫn còn rất phổ biến. Nhiều người trẻ, đặc biệt là các bạn nữ, thường bị ràng buộc bởi các quan niệm truyền thống về giới tính, dẫn đến việc họ không dám lựa chọn những ngành nghề mình yêu thích. Bên cạnh đó, nam giới trong cộng đồng DTTS cũng thường chịu áp lực phải làm các công việc nặng nhọc và truyền thống, dù họ có thể mong muốn được làm những ngành nghề khác phù hợp với khả năng và đam mê của mình.

Dự án “Công bằng nghề nghiệp – Thắp sáng tương lai” được xây dựng nhằm nâng cao nhận thức về quyền bình đẳng giới trong lựa chọn nghề nghiệp cho thanh niên DTTS, giúp họ tự do theo đuổi ước mơ và phát triển bản thân một cách toàn diện.

  • Phát triển khóa học nghề nghiệp trực tuyến: Xây dựng một loạt các khóa học nghề nghiệp trực tuyến về các ngành nghề đa dạng, từ kỹ thuật số, kinh doanh, quản trị đến nghệ thuật, giúp thanh niên DTTS khám phá và phát triển sở trường của mình.
  • Tạo ra chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới trong nghề nghiệp: Sử dụng mạng xã hội và các kênh truyền thông để truyền tải thông điệp về quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp không phụ thuộc vào giới tính.
  • Tổ chức các buổi hội thảo nghề nghiệp: Mời các chuyên gia và những người trẻ thành công từ các dân tộc thiểu số đến chia sẻ kinh nghiệm, khuyến khích thanh niên mạnh dạn theo đuổi đam mê nghề nghiệp.

Dự án “Công bằng nghề nghiệp – Thắp sáng tương lai” hy vọng sẽ góp phần tạo ra một môi trường nghề nghiệp bình đẳng và đa dạng cho thanh niên DTTS, giúp họ tự tin và tự do theo đuổi ước mơ nghề nghiệp của mình.

Phần dự thi trình diễn sáng kiến của Học viện Phụ nữ Việt Nam đã vinh dự đạt đồng giải Ba của cuộc thi

Chiến dịch truyền thông vận động thúc đẩy bình đẳng giới lần này không chỉ là sân chơi sáng tạo, kết nối thanh niên dân tộc thiểu số mà còn là cơ hội để các bạn trẻ khẳng định vai trò của mình trong công cuộc xóa bỏ định kiến giới, góp phần xây dựng cộng đồng dân tộc thiểu số phát triển và thịnh vượng. Đây cũng là minh chứng sống động cho thấy Học viện Phụ nữ Việt Nam không ngừng nỗ lực, đồng hành cùng thanh niên dân tộc thiểu số trong hành trình thay đổi nhận thức và hành động vì một xã hội bình đẳng và tiến bộ.