Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam khẳng định: Công nghệ số đang không ngừng thay đổi mọi lĩnh vực, từ kinh tế, giáo dục đến pháp lý. Trong bối cảnh này, việc áp dụng chuyển đổi số trong giảng dạy Luật không còn là một lựa chọn mà đã trở thành một yêu cầu tất yếu. Việc đào tạo Luật trong thời đại số không chỉ dừng lại ở việc tích hợp công nghệ vào giảng dạy mà còn là sự chuyển mình toàn diện về nội dung, phương pháp và các công cụ hỗ trợ học tập. Với tầm nhìn chiến lược về chuyển đổi số, Học viện đã triển khai các lớp học trực tuyến kết hợp cùng lớp học truyền thống nhằm tạo môi trường học tập tích hợp công nghệ hiện đại. Đổi mới trong giảng dạy ngành Luật đòi hỏi sự phối hợp của nhà trường, giảng viên và sự thay đổi của bản thân người học. Hội thảo tạo ra một môi trường trao đổi ý tưởng và khuyến khích tư duy sáng tạo. Các vấn đề pháp lý mới phát sinh từ chuyển đổi số đòi hỏi các giải pháp sáng tạo và linh hoạt, điều này có thể được thúc đẩy thông qua thảo luận nhóm và là cơ hội để kết nối giữa các chuyên gia, giảng viên và sinh viên trong ngành luật. Các ý kiến và kết quả từ hội thảo có thể được sử dụng để định hướng chính sách đào tạo luật trong bối cảnh chuyển đổi số. Từ đó giúp cải thiện chương trình giảng dạy, giúp sinh viên thích nghi và phát triển trong môi trường pháp lý hiện đại, không chỉ nắm vững các kiến thức pháp luật truyền thống mà còn am hiểu và có khả năng áp dụng thành thạo công nghệ số vào thực tiễn pháp lý, tự tin hòa nhập cùng cộng đồng nghề Luật trong nước và quốc tế.
Hội thảo “Đào tạo Luật trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam” đã thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng học thuật và các nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục. Đây không chỉ là một sự kiện học thuật mà còn là cơ hội để các bên nhìn nhận, đánh giá xu hướng chuyển đổi số trong giảng dạy Luật tại Việt Nam và đề xuất các giải pháp cụ thể để cải thiện chất lượng đào tạo.
Hội thảo tập trung vào bốn chủ đề chính:
💙 Những vấn đề lý luận cơ bản về đào tạo Luật trong bối cảnh chuyển đổi số.
💙 Thực tiễn đào tạo Luật tại Việt Nam hiện nay và yêu cầu đối với đào tạo Luật trong thời đại số hóa.
💙 Kinh nghiệm quốc tế về đào tạo Luật trong bối cảnh chuyển đổi số và các bài học cho Việt Nam.
💙 Các nội dung khác liên quan đến chủ đề Hội thảo.
Ban điều hành Hội thảo “Đào tạo Luật trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam”
Hội thảo được tổ chức qua hai phiên thảo luận chính, trong đó các chuyên gia đã trình bày sáu tham luận về các khía cạnh lý luận và thực tiễn của việc đào tạo Luật trong điều kiện số hóa mang đến cái nhìn sâu sắc về các thách thức và giải pháp trong việc áp dụng công nghệ số vào đào tạo luật. Mỗi tham luận không chỉ phản ánh các vấn đề lý luận mà còn đưa ra các phương hướng cụ thể để cải thiện và đổi mới giáo dục pháp lý tại Việt Nam trong thời đại số.
Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo
Tham luận của TS. Lê Văn Bính – Giảng viên khoa Luật – Học viện Phụ nữ Việt Nam mở đầu hội thảo với việc phân tích những yếu tố lý luận cơ bản về đào tạo luật trong bối cảnh số hóa. Tiến sĩ nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong việc thay đổi phương thức đào tạo, đồng thời chỉ ra các lợi ích và khó khăn mà giảng viên, sinh viên phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi này. “Giảng viên cần xem chuyển đổi số là quan trọng, là vì sự nghiệp giáo dục đại học trong hoàn cảnh mới, giảng viên cần tự học, tự phát triển năng lực số, cần tích cực làm việc và giao tiếp trên nền tảng số, trên không gian số, có tính trách nhiệm xã hội khi chia sẻ và sử dụng dữ liệu trong môi trường số“, TS Lê Văn Bính chia sẻ.
TS. Đào Mạnh Hoàn – Viện Pháp luật kinh tế, Trường Đại học Tài chính Ngân hàng Hà Nội đã tiếp tục thảo luận về sự cần thiết của việc xây dựng khung năng lực số cho sinh viên ngành luật. Tham luận này chỉ ra rằng các kỹ năng công nghệ, bảo mật thông tin và kiến thức về pháp lý trong môi trường số là yếu tố quan trọng để đáp ứng nhu cầu nghề nghiệp ngày càng cao của thị trường lao động.
Tiếp theo, TS. Nguyễn Đức Toàn – Phó Viện Trưởng phụ trách Viện CNTT – Học viện Phụ nữ Việt Nam đã đánh giá thực trạng chuyển đổi số trong đào tạo ngành luật tại Việt Nam. TS. Nguyễn Đức Toàn chỉ ra những hạn chế trong cơ sở vật chất và kỹ năng công nghệ của giảng viên, đồng thời đề xuất các giải pháp như đầu tư hạ tầng công nghệ, bồi dưỡng giảng viên và xây dựng nền tảng học trực tuyến chuyên biệt cho ngành luật.
TS. Kiều Thị Thùy Linh – Phó trưởng Phụ trách Khoa Luật – Học viện Phụ nữ Việt Nam tập trung vào vấn đề giảng dạy luật dân sự trong bối cảnh chuyển đổi số. TS. Kiều Thị Thùy Linh phân tích các thách thức trong việc truyền đạt các kiến thức pháp lý liên quan đến giao dịch điện tử và quyền riêng tư trong môi trường số, đồng thời đưa ra những đề xuất về việc ứng dụng công nghệ như phần mềm mô phỏng và tài liệu số để hỗ trợ giảng dạy.
TS. Lưu Hải Yến – Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội đã trình bày về việc giảng dạy luật hình sự trong bối cảnh chuyển đổi số, đặc biệt là đối với các vấn đề liên quan đến tội phạm mạng. TS. Lưu Hải Yến nhấn mạnh cần phải tích hợp các phương pháp giảng dạy mới, sử dụng phần mềm mô phỏng và đào tạo về điều tra kỹ thuật số để sinh viên có thể đối phó với các thách thức pháp lý trong thời đại số.
Thiếu tá, ThS. Trần Thị Duyên đến từ Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân I đã chia sẻ kinh nghiệm về giảng dạy các môn pháp luật tại trường chuyên biệt về phòng cháy chữa cháy. Tham luận của Thiếu tá, ThS. Trần Thị Duyên tập trung vào việc kết hợp lý thuyết với thực hành, ứng dụng công nghệ để mô phỏng các tình huống pháp lý thực tế trong lĩnh vực cứu hộ, an toàn và an ninh công cộng.
Tổng thể, các tham luận đã cung cấp những góc nhìn toàn diện về việc áp dụng công nghệ trong đào tạo ngành luật, đồng thời đưa ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng giáo dục pháp lý, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại.
Ngoài ra, hơn 40 báo cáo khoa học được gửi về, trải qua quá trình chọn lọc nghiêm ngặt, 28 bài viết tiêu biểu đã được công bố, phản ánh những góc nhìn đa dạng về đào tạo Luật trong thời đại số cũng được các đại biểu tham khảo tại kỷ yếu của hội thảo.
Sau phần trình bày các tham luận tại các phiên thảo luận, các chuyên gia, giảng viên và đại biểu tham dự, đã tham gia phần thảo luận sôi nổi, đa chiều. Thực trạng vấn đề về ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) trong nghiên cứu, giảng dạy và đánh giá năng lực của sinh viên ngành Luật đã được chia sẻ chi tiết. Các chuyên gia đã cùng nhau phân tích những lợi ích và thách thức mà công nghệ số mang lại đối với quá trình học tập của sinh viên, từ việc nâng cao chất lượng giảng dạy cho đến việc tối ưu hóa công tác đánh giá. Đặc biệt, các ý kiến xoay quanh việc tích hợp AI trong việc phân tích các tình huống pháp lý, hay sử dụng phần mềm tự động hóa trong kiểm tra và đánh giá năng lực sinh viên đã thu hút sự quan tâm lớn.
Bên cạnh đó, không chỉ có các chuyên gia, sinh viên cũng là một phần quan trọng của diễn đàn. Các bạn sinh viên đã trực tiếp chia sẻ những trải nghiệm và cảm nhận của mình về việc ứng dụng công nghệ số và AI vào quá trình học tập. Những câu chuyện thực tế từ các bạn không chỉ là những đánh giá về ưu điểm như sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian, mà còn chỉ ra những hạn chế cần khắc phục, ví dụ như các vấn đề về độ chính xác của công cụ tự động hay sự thiếu hụt trong việc kết nối giữa lý thuyết và thực tiễn. Các bạn cũng thảo luận về những phương pháp hiệu quả để ứng dụng công nghệ số vào các môn học pháp lý, từ việc sử dụng các công cụ hỗ trợ học trực tuyến đến các nền tảng trí tuệ nhân tạo phục vụ cho việc nghiên cứu, phân tích và giải quyết các tình huống pháp lý phức tạp.
Hội thảo quốc gia “Đào tạo Luật trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam” không chỉ là một sự kiện học thuật mà còn là minh chứng cho sự thay đổi cần thiết trong giáo dục pháp lý tại Việt Nam. Với những nội dung chuyên sâu và sự góp mặt của các chuyên gia uy tín, hội thảo đã mang đến một góc nhìn mới, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội hiện đại và đòi hỏi về chất lượng nguồn nhân lực pháp lý trong tương lai.