Phát biểu khai mạc, TS. Lê Văn Sơn – Phó Trưởng Phụ trách khoa Kinh tế và Tài chính, Trưởng ban Tổ chức Hội thảo – nhấn mạnh rằng trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, tài chính xanh và tài chính số không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cấp thiết đối với nền kinh tế. TS. Lê Văn Sơn cũng khẳng định hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học và sinh viên thảo luận, đưa ra giải pháp đào tạo, học tập trước những thách thức lớn như biến đổi khí hậu, bền vững tài chính và công nghệ hóa trong ngành tài chính.
Với 14 bài viết được chọn lọc từ hơn 25 bài gửi về, hội thảo tập trung vào ba chủ đề chính:
- Tài chính xanh và phát triển bền vững: Trọng tâm nghiên cứu là trái phiếu xanh, ngân hàng xanh, và các cơ chế tài chính thân thiện với môi trường.
- Tài chính số và công nghệ tài chính: Khai thác tiềm năng của Blockchain, ví điện tử, ngân hàng số và các nền tảng công nghệ trong việc tối ưu hóa tài chính.
- Tài chính tiết kiệm và quản lý cá nhân: Đề xuất các mô hình tiết kiệm hiệu quả, quản lý chi tiêu và hướng đến tự do tài chính.
Bài nghiên cứu “Tài chính số và các dịch vụ Tài chính số ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp” của nhóm tác giả Ninh Thúy Hiền và cộng sự khẳng định tài chính số là hướng đi bền vững đã nhận được nhiều đánh giá cao từ hội đồng. Nhóm đã phân tích sâu sắc thực trạng phát triển tài chính số tại Việt Nam, đồng thời đưa ra các giải pháp ứng dụng công nghệ nhằm tăng hiệu quả giao dịch và quản lý tài chính cá nhân.
Bài viết đã được các thành viên tham dự hội thảo đánh giá cao, nghiên cứu không chỉ phản ánh đúng thực trạng mà còn đề xuất những giải pháp cụ thể trong lĩnh vực thanh toán xuyên biên giới và hội nhập kinh tế quốc tế.
Nhóm tác giả Nguyễn Văn Hiệp đã trình bày chuyên đề “Trái phiếu Xanh – Thách thức hay cơ hội đối với các doanh nghiệp Bất động sản tại Việt Nam” tập trung chia sẻ về đặc điểm, giá trị trái phiếu xanh và vai trò của nó đối với các doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam. Nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù còn nhiều thách thức về khung pháp lý và nhận thức của nhà đầu tư, trái phiếu xanh là công cụ tiềm năng để thúc đẩy phát triển bền vững.
Bài nghiên cứu của Nguyễn Phương Trà về tín dụng xanh tại ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt. Tác giả đưa ra những phân tích thực tiễn và đề xuất giải pháp thúc đẩy tín dụng xanh như một động lực cho phát triển kinh tế xanh.
Nghiên cứu của nhóm Nguyễn Thị Thu Phương và Nguyễn Khánh Linh đã mở ra góc nhìn mới về hành vi tài chính của giới trẻ, đặc biệt là sinh viên. Các tác giả không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của tiết kiệm mà còn đề xuất khái niệm tự do tài chính – mục tiêu mà nhiều bạn trẻ hướng tới.
Các đại biểu và sinh viên chia sẻ tại hội thảo
Phát biểu bế mạc hội thảo, TS. Lê Văn Sơn khẳng định hội thảo đã tạo ra một diễn đàn kết nối các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên, đồng thời thúc đẩy các nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực tài chính. TS. Lê Văn Sơn cũng nhấn mạnh rằng các kết quả nghiên cứu tại hội thảo là tài liệu tham khảo đặc biệt ý nghĩa, giá trị đối với sinh viên chuyên ngành kinh tế, kinh tế số, kinh tế tài chính…
Sự hỗ trợ từ Quỹ Hợp tác quốc tế các ngân hàng tiết kiệm Đức (DSIK) đã tạo điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng nghiên cứu, đồng thời khuyến khích các sinh viên tiếp tục theo đuổi đam mê khoa học.
Sinh viên với những tác phẩm của mình được in trong cuốn kỷ yếu khoa học
Hội thảo khoa học về tài chính xanh và tài chính số là minh chứng rõ nét cho sự cam kết của Học viện Phụ nữ Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước theo hướng xanh – số – tiết kiệm. Hội thảo khép lại nhưng những ý tưởng, giải pháp và nhiệt huyết khoa học sẽ tiếp tục lan tỏa và nhất định sẽ có những đóng góp thiết thực vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ mới.