Đối với đa số các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam, thương hiệu giáo dục chỉ gần đây mới được quan tâm và xếp vào vị trí ưu tiên. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu thành lập, Học viện Phụ nữ Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng, giáo dục không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là một “dịch vụ” đặc thù, đòi hỏi sự kết hợp giữa chất lượng và chiến lược tiếp thị hiệu quả.

Với lịch sử phát triển hơn 12 năm dựa trên nền tảng hơn 50 năm truyền thống từ Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương, Học viện đã chuyển mình từ một đơn vị chuyên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ trở thành một cơ sở giáo dục đại học toàn diện. Hiện tại, song song với hoạt động bồi dưỡng cán bộ, Học viện không chỉ cung cấp các chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ mà còn đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và các hoạt động phục vụ cộng đồng. Những thành tựu này cần được lan tỏa rộng rãi đến cộng đồng xã hội thông qua các chiến lược truyền thông hiệu quả.

Thứ nhất: Tập trung vào chất lượng giáo dục

Chất lượng giáo dục là yếu tố nền tảng và cũng là điểm nhấn trong chiến lược truyền thông của Học viện.

Học viện thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học, hợp tác với các tổ chức quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu. Các số liệu như tỷ lệ giảng viên có học vị cao (PGS, TS), tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao và sự công nhận của các tổ chức giáo dục uy tín là những minh chứng rõ ràng cho chất lượng giáo dục của Học viện. Theo kết quả xếp hạng các trường đại học của Việt Nam của nhóm chuyên gia đánh giá của Đại học quốc gia Hà Nội, năm 2023 Học viện đã đạt vị trí thứ 58 trong gần 200 trường được xếp hạng, tăng 31 bậc so với năm 2022. Những nội dung này luôn được truyền tải trên các kênh truyền thông chính thức của Học viện.

Thứ hai: Ứng dụng Digital Marketing

Học viện Phụ nữ Việt Nam đã và đang tận dụng tối đa các nền tảng trực tuyến để tiếp cận đối tượng mục tiêu, đặc biệt là thế hệ Gen Z. Cổng thông tin, fanpage trên Facebook và các kênh như Youtube, Zalo, TikTok đã trở thành công cụ hữu hiệu để quảng bá hình ảnh và thông tin tuyển sinh. Dự kiến thời gian tới, Học viện sẽ phát triển kênh podcast, kênh phát thanh của Học viện nhằm cung cấp thông tin với nhiều giá trị hữu ích cho cộng đồng. Bên cạnh đó, Học viện cũng sử dụng các công cụ SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm) để nâng cao khả năng hiển thị thông tin đồng thời triển khai các chiến dịch quảng cáo trực tuyến nhắm đúng đối tượng.

Thứ 3: Mỗi cá nhân là một đại sứ thương hiệu

Học viện không chỉ dừng lại ở các chiến lược truyền thông tập trung mà còn đề cao vai trò của từng cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động và sinh viên trong việc lan tỏa hình ảnh thương hiệu. Mỗi cá nhân tại Học viện được khuyến khích trở thành một đại sứ thương hiệu, thể hiện qua:

  • Tinh thần trách nhiệm trong công việc và học tập: Mỗi cán bộ, giảng viên luôn đảm bảo chất lượng trong giảng dạy và nghiên cứu; mỗi sinh viên phấn đấu học tập, rèn luyện, tham gia các hoạt động xã hội, để lan tỏa giá trị tốt đẹp của Học viện.
  • Hành vi chuẩn mực trong giao tiếp và ứng xử: Văn hóa ứng xử tích cực trong nội bộ và trong các hoạt động đối ngoại là một cách tạo ấn tượng, quảng bá hình ảnh hiệu quả.
  • Chia sẻ và tương tác trên các nền tảng số: Mỗi cá nhân đều có thể lan tỏa thông tin về Học viện thông qua mạng xã hội, các hoạt động truyền thông trực tuyến, hay đơn giản là chia sẻ trải nghiệm cá nhân. Những câu chuyện tích cực từ chính sinh viên hay giảng viên sẽ tạo được hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ.

Thứ 4: Tăng cường PR và lan tỏa hình ảnh tích cực

Học viện Phụ nữ Việt Nam xác định uy tín được xây dựng dựa trên sự tin tưởng từ cộng đồng và các đối tác. Để đạt được điều này, các hoạt động PR đã được triển khai mạnh mẽ, từ tổ chức sự kiện, hội thảo, đến các chương trình giao lưu với sinh viên, phụ huynh. Các bài viết, video truyền cảm hứng về cựu sinh viên thành đạt, những đánh giá tích cực từ phụ huynh và sinh viên cũng được lan tỏa rộng rãi, tạo hiệu ứng tích cực trong dư luận.

Hình ảnh Học viện Phụ nữ Việt Nam tại chương trình Thời sự VTV1 nhân dịp đón Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến thăm

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức. Việc đầu tư nguồn lực cho truyền thông, xây dựng đội ngũ chuyên trách và đảm bảo tính đồng bộ trong chiến lược truyền thông vẫn cần được cải thiện. Tuy nhiên, với sự đồng lòng của cả tập thể, từ lãnh đạo đến từng cá nhân, Học viện tin tưởng rằng sức mạnh tập thể sẽ là chìa khóa để xây dựng thương hiệu giáo dục vững mạnh.

Truyền thông không chỉ là nhiệm vụ của một bộ phận mà cần sự đồng lòng tham gia với tinh thần trách nhiệm cao của tất cả mọi thành viên của tổ chức. Tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, mỗi cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên chính là một mắt xích quan trọng trong việc xây dựng và lan tỏa hình ảnh của Học viện. Với sự phối hợp nhịp nhàng và chiến lược rõ ràng, Học viện Phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế trong hệ thống giáo dục Việt Nam và không ngừng lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc đến cộng đồng.