Đảm bảo khách quan, công tâm trong xét tuyển

Các Tiểu ban chuyên môn đã lắng nghe phần trình bày của từng ứng viên về mục tiêu nghiên cứu, lý do lựa chọn đề tài, phạm vi và phương pháp nghiên cứu cũng như tính cấp thiết, tính mới và tính ứng dụng của đề tài dự kiến thực hiện trong chương trình đào tạo thạc sĩ.

Điểm nổi bật trong quy trình xét tuyển lần này là việc các tiểu ban chuyên môn thực hiện nghiêm túc nguyên tắc đánh giá công bằng, khách quan, dựa trên tiêu chí khoa học rõ ràng và phù hợp với định hướng đào tạo, nghiên cứu của Học viện. Không khí buổi xét tuyển diễn ra dân chủ, tôn trọng học thuật, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới trong cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu của từng ứng viên.

Các đề tài nghiên cứu thể hiện tính chuyên môn sâu và bám sát thực tiễn

Ở ngành Tâm lý học lâm sàng, các ứng viên đã thể hiện sự đầu tư công phu trong việc lựa chọn đề tài và xây dựng kế hoạch nghiên cứu. Nhiều đề xuất tập trung vào các nhóm đối tượng đặc thù, nhạy cảm và đang cần được hỗ trợ can thiệp tâm lý kịp thời. Đơn cử như đề tài: Ứng dụng trị liệu nhóm trong việc cải thiện tương tác xã hội của trẻ rối loạn phổ tự kỷ độ tuổi từ ba đến sáu tuổi không chỉ có giá trị lý luận mà còn có tiềm năng triển khai thực tiễn tại các trung tâm can thiệp sớm cho trẻ em.

Một số đề tài khác tiếp cận từ khía cạnh điều trị lâm sàng, chẳng hạn như: Ứng dụng liệu pháp kích hoạt hành vi trong điều trị rối loạn trầm cảm” hay “Tham vấn trị liệu tâm lý cho phụ nữ đang mang thai và phụ nữ sau sinh được chẩn đoán rối loạn trầm cảm không kèm theo các dấu hiệu loạn thần tại các cơ sở y tế công lập ở Hà Nội đã cho thấy sự nhạy bén của các ứng viên trong việc nắm bắt các vấn đề sức khỏe tâm thần đang nổi lên sau đại dịch và trong bối cảnh đô thị hóa nhanh.

Bên cạnh đó, đề tài Ảnh hưởng của cha mẹ ái kỷ đến sự hình thành và phát triển tâm lý của con cái trong độ tuổi dậy thì tiếp cận từ góc nhìn phát triển tâm lý học đường cũng được Hội đồng đánh giá cao vì sự mới mẻ và khả năng góp phần nâng cao hiệu quả tham vấn trong nhà trường.

Ở ngành Luật, các đề tài cũng cho thấy rõ sự quan tâm đến các vấn đề pháp lý nổi bật trong xã hội hiện nay như: “Thực trạng áp dụng pháp luật hình sự trong công tác xét xử tội tàng trữ trái phép chất ma túy hay Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã chỉ ra những bất cập và kiến nghị thiết thực góp phần hoàn thiện chính sách hình sự.

Ngoài ra, những nghiên cứu như: Thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai hay Quy định về hình thức hợp đồng mua bán dự án bất động sản và thực tiễn thực hiện đã cho thấy sự am hiểu về pháp luật kinh tế, đồng thời thể hiện tư duy pháp lý vững vàng và khả năng ứng dụng nghiên cứu trong thực tiễn nghề nghiệp.

Chất lượng ứng viên ngày càng được nâng cao

Qua buổi xét tuyển, các thành viên Hội đồng ghi nhận tinh thần nghiêm túc, cầu thị của các thí sinh. Phần lớn các đề tài đều có sự đầu tư cả về hình thức trình bày lẫn nội dung khoa học. Ứng viên không chỉ thể hiện được sự hiểu biết nền tảng về chuyên ngành mà còn có khả năng kết nối giữa kiến thức lý thuyết và yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh đổi mới xã hội hiện nay.

Sự quan tâm đến các nhóm yếu thế như trẻ em rối loạn phát triển, phụ nữ sau sinh, nạn nhân của tội phạm… cũng cho thấy định hướng nghiên cứu mang đậm giá trị nhân văn, phù hợp với sứ mệnh của Học viện Phụ nữ Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, công bằng xã hội và phát triển con người toàn diện.

Kết quả xét tuyển sẽ được công bố vào ngày 21/5/2025

Sau quá trình làm việc nghiêm túc, hiệu quả, các Tiểu ban chuyên môn đã hoàn thành việc đánh giá hồ sơ, phần trình bày của ứng viên và đề xuất danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển trình độ thạc sĩ ngành Luật và ngành Tâm lý học lâm sàng năm 2025. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của PGS.TS. Trần Quang Tiến – Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh, các thành viên của hội đồng đã họp, đánh giá quá trình xét tuyển và dự kiến kết quả chính thức sẽ được công bố vào ngày 21/5/2025.

Hoạt động xét tuyển thạc sĩ đợt 1 năm 2025 tiếp tục khẳng định cam kết của Học viện Phụ nữ Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, chú trọng tính ứng dụng và thực tiễn, đồng thời phát hiện và bồi dưỡng đội ngũ nghiên cứu viên có năng lực, phẩm chất, góp phần vào sự phát triển của ngành Tâm lý học lâm sàng và ngành Luật trong bối cảnh xã hội hiện đại.