Tham gia lớp bồi dưỡng là 40 cán bộ chuyên trách (Chủ tịch; Phó Chủ tịch) Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) cấp cơ sở tại tỉnh Bắc Kạn, trong đó chủ yếu là người dân tộc Tày, Nùng, Dao…Các học viên chủ yếu ở độ tuổi 30 – 40, 60% có trình độ chuyên môn hệ đại học còn lại có trình độ cao đẳng và trung cấp. Thời gian công tác tại Hội LHPN Việt Nam của các học viên từ 1 – trên 5 năm. 100% học viên là đảng viên trong đó có 19 đồng chí giữ chức danh Chủ tịch (47,5%); Có 21 đồng chí giữ chức danh Phó Chủ tịch (52,5%).
Lớp học đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn và Ban Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam. Vì tình hình dịch bệnh Covid 19, TP. Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội do vậy, đội ngũ giảng viên của Học viện Phụ nữ Việt Nam không thể lên Bắc Kạn giảng dạy trực tiếp. Trong quá trình học tập trực tuyến, các học viên đã vượt qua những khó khăn để tiếp thu bài, tích cực tương tác và đạt những kết quả tốt sau khóa học. Trong quá trình học tập, đa số học viên đều thể hiện sự chuyên cần tham gia tương đối đầy đủ các buổi lên lớp. Nhiều học viên tích cực phát biểu ý kiến, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm. Một số học viên có kinh nghiệm công tác thực tế tốt tham gia tích cực vào quá trình giảng dạy của giảng viên vì vậy đóng góp phần không nhỏ vào sự thành công của khoá học.
Với sự cố gắng, nỗ lực trong quá trình học tập và sự hướng dẫn tận tâm của giảng viên, quản lý lớp, phần thi của đợt học qua mạng (internet) và làm bài luận cuối khóa của 40 học viên đạt những kết quả tốt.
Phần thi của đợt học qua mạng(internet): 40/40 học viên chiếm 100% hoàn thành phần học đúng thời hạn 75% trên tổng số bài đạt điểm từ 8.5 đến 10. Đặc biết có 16 bài đạt điểm từ 9.5-10 (40%).
Bài luận cuối khóa: 40/40 học viên có bài luận cuối khóa, cụ thể: 20 bài đạt điểm 7 (chiếm 50%); 16 bài đạt điểm 7,5 (chiếm 40%) ; 4 bài đạt điểm 8 (chiếm 10%).
Các học viên đã vận dụng những kiến thức được học và kinh nghiệm thực tế để thực hiện các bài luận liên quan chủ yếu đến các chuyên đề: Kỹ năng đi cơ sở; Kỹ năng giao tiếp; Phương pháp giải quyết, xử lý các vụ việc xâm hại quyền của phụ nữ, trẻ em; Vị trí, nhiệm vụ của tổ chức Hội LHPN cấp cơ sở và chức trách, nhiệm vụ của Chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở; Công tác tập hợp thu hút hội viên, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; Công tác giám sát và phản biện của Hội LHPN Việt Nam; Công tác phòng chống bạo lực gia đình…
Nhìn chung các bài đều đã có sự liên hệ thực tế, vận dụng kiến thức được học áp dụng vào những tình huống cụ thể, tuy nhiên một số bài còn chung chung, chưa làm nổi bật được sự thay đổi về tư duy trong cách tổ chức, quản lý công việc sau khi tham gia khóa bồi dưỡng.
Khảo sát ý kiến về chất lượng chương trình bồi dưỡng, hầu hết học viên đánh giá chương trình phù hợp với đối tượng là cán bộ Hội LHPN cấp cơ sở. Đặc biệt, các học viên đánh giá cao tính phù hợp của chương trình; tính khoa học, tính cân đối, tính ứng dụng, hình thức học của chương trình. Hầu hết học viên đánh giá kiến thức, trách nhiệm, phương pháp của giảng viên ở mức độ hài lòng: dậy dễ hiểu, lôi cuốn, có nhiều ví dụ sinh động.
Khóa học đã đem lại những kiến thức bổ ích, thời sự giúp các học viên cập nhật thêm thông tin và ứng dụng hiệu quả cá kỹ năng vào quá trình giải quyết công việc thực tế tại địa phương. Các học viên cũng mong muốn trong các chương trình bồi dưỡng tiếp theo, các giảng viên bổ sung thêm nhiều tình huống thực tiễn để học viên có thể thảo luận nhiều hơn. Đồng thời, các học viên cũng mong muốn tiếp tục được tham gia những khóa học bổ ích khác do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức nhằm nâng cao năng lực của bản thân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Kết quả cuối khóa học, 40 học viên được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa Bồi dưỡng Nghiệp vụ Công tác Hội cho cán bộ Hội LHPN cấp cơ sở. Học viện Phụ nữ Việt Nam hi vọng học viên sẽ áp dụng thành công những kiến thức, kỹ năng về nghiệp vụ công tác Hội được trang bị trong khóa học vào thực tiễn công tác tại địa phương, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh và hoạt động hiệu quả.