Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến (thứ 9 từ phải qua) trao Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai Đề án Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và chi hội trưởng phụ nữ, giai đoạn 2019 – 2025

Tham dự chương trình còn có sự góp mặt của Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương; Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Hoàng Minh Cường; Phó Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng Bùi Đức Quang; lãnh đạo các ban, đơn vị trực thuộc TW Hội LHPN Việt Nam; đại biểu các bộ, ngành TW; đại diện các sở, ngành của TP. Hải Phòng; lãnh đạo Hội LHPN các tỉnh, thành phố và các cấp Hội LHPN trong TP. Hải Phòng. 

Uỷ viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến (Áo dài xanh) và Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương dự Hội nghị

Đề án 1893 cơ bản hoàn thành 4 nhiệm vụ chính và đảm bảo các mục tiêu cụ thể

Sau 7 năm triển khai, Đề án 1893 đã cơ bản hoàn thành 4 nhiệm vụ chính và đảm bảo các mục tiêu cụ thể theo Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Các hoạt động của Đề án đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp nhất là năng lực quản lý, điều hành, triển khai các hoạt động Hội, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động Hội. Hoạt động bồi dưỡng được triển khai đồng bộ, bài bản, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn địa phương. Hình thức tổ chức linh hoạt (trực tiếp, trực tuyến, kết hợp), tăng khả năng tiếp cận của cán bộ Hội. Việc huy động nguồn lực được đẩy mạnh đảm bảo kinh phí ổn định đóng vai trò quan trọng và bền vững của chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội.

 ThS. Hà Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, báo cáo kết quả triển khai, thực hiện Đề án

Hiệu quả của công tác bồi dưỡng được khảo sát, đánh giá cụ thể, có 80% cán bộ Hội sau đào tạo cho biết đã áp dụng kiến thức vào thực tiễn công tác; khoảng 70% địa phương triển khai tốt mô hình đào tạo kết hợp; 60% nội dung bồi dưỡng đã được cập nhật phù hợp. Đề án đã góp phần hoàn thiện chuẩn hóa về nghiệp vụ chuyên môn đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt và cán bộ, công chức trong hệ thống Hội. Có được kết quả trên là thể hiện vai trò chủ động trong tham mưu, phối hợp của các cấp Hội cho công tác bồi dưỡng cán bộ Hội tại các địa phương, sự quan tâm đặc biệt và vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể đặc biệt, nhất là quyết tâm của Hội LHPN của 22 tỉnh khó khăn.

Có thể khẳng định rằng, tính đến tháng 4/2025 với kết quả trên 727.501 lượt học viên được tham gia các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức và 7.534 học viên tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác 01 tháng, Đề án đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu cụ thể theo giai đoạn đến năm 2025:

– Đạt 100% mục tiêu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác Hội, công tác xã hội, kỹ năng chuyên sâu theo vị trí, việc làm, lĩnh vực công tác cho cán bộ, công chức Hội LHPN ở TW, cấp tỉnh, cấp huyện với 1.437 cán bộ tham gia và được cấp chứng chỉ lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội, 23.232 lượt cán bộ được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ công tác Hội, công tác xã hội.

– 108.402 lượt học viên là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN cấp xã và được tham gia các lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức ngắn ngày đảm bảo 100% mục tiêu Đề án; 6.097 Chủ tịch, Phó Chủ tịch và nguồn Chủ tịch Hội LHPN cấp xã được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội và cấp chứng chỉ.

– 595.858 lượt học viên chi hội trưởng, chi hội phó, tổ trưởng, tổ phó phụ nữ được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội đã đạt 100% mục tiêu của Đề án.

Ngoài ra, Đề án còn hoàn thiện hệ thống tài liệu, chương trình được cập nhật theo hướng thực tiễn, linh hoạt với hơn 60% nội dung được đổi mới, hơn 80 chuyên đề trực tuyến được bổ sung và phát hành rộng rãi. Ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai đồng bộ tại 70% tỉnh/thành, kết hợp hình thức đào tạo trực tiếp – trực tuyến và nền tảng học liệu điện tử giúp mở rộng đối tượng tiếp cận. Nhiều mô hình bồi dưỡng linh hoạt, hiệu quả đã được xây dựng, thử nghiệm và nhân rộng, đặc biệt trên môi trường số, tạo điều kiện tiếp cận đa dạng cho đội ngũ cán bộ Hội. Các hoạt động nghiên cứu khoa học, khảo sát, đánh giá được tăng cường, trở thành căn cứ quan trọng trong việc điều chỉnh chính sách, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng theo đúng tinh thần của Đề án.

Tiếp tục quan tâm, tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu của tình hình mới

Phát biểu tại buổi tổng kết, Uỷ viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến biểu dương, ghi nhận những nỗ lực và kết quả đạt được của các cấp Hội trong việc triển khai thực hiện Đề án; đánh giá cao sự chủ động tham mưu tích cực của các cơ quan giúp việc thực hiện Đề án, nhất là Ban Tổ chức – Kiểm tra, TW Hội và Học viện Phụ nữ Việt Nam trong thời gian qua.

Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như trong Báo cáo đã nêu, do đó Chủ tịch đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị nghiên cứu, tập trung khắc phục trong thời gian tới, trong đó, cần đặc biệt quan tâm: (1) Việc quán triệt, tuyên truyền thực hiện Đề án tại một số địa phương chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; (2) Việc bố trí kinh phí thực hiện Đề án tại một số địa phương chưa quan tâm đúng mức; (3) Một số tỉnh, thành Hội chưa chủ động lồng ghép nội dung Đề án vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm; còn lúng túng trong lựa chọn nội dung, hình thức, phương thức tổ chức lớp bồi dưỡng phù hợp với chức danh, vị trí việc làm; (4) Việc đánh giá hiệu quả sau đào tạo chưa được thực hiện đồng bộ, còn thiếu công cụ và tiêu chí cụ thể, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng cán bộ Hội còn hạn chế, nhất là ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Trong bối cảnh sắp xếp bộ máy toàn hệ thống chính trị, cùng với việc chuyển đổi số mạnh mẽ để chuẩn bị các điều kiện cần thiết, sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp cần tiếp tục quan tâm, tăng cường để xây dựng đội ngũ cán bộ Hội đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét tiếp tục phê duyệt Đề án bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ MTTQ, các đoàn thể trong đó có cán bộ nữ, cán bộ Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 2026 – 2031, trên cơ sở kế thừa những kết quả đã đạt được và mở rộng đối tượng, nội dung, phương thức phù hợp với bối cảnh mới. Đề nghị Ban Tổ chức TW, Bộ Nội vụ nghiên cứu, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động bồi dưỡng cán bộ Hội nhằm tạo cơ sở pháp lý, thuận lợi trong việc lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí. Nghiên cứu có cơ chế, chính sách phù hợp cho cán bộ khi tham gia các khoá tập huấn, bồi dưỡng để động viên cán bộ khối đoàn thể nói chung, cán bộ nữ, cán bộ Hội nói riêng, đặc biệt chính sách cho đội ngũ cán bộ với vai trò kép là cán bộ nữ và cán bộ Hội.

Đề nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương: tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện về kinh phí, nguồn lực cho hoạt động bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ Hội các cấp nhằm tạo động lực cho phong trào Hội tại các địa phương. Tạo điều kiện cử cán bộ Hội chuyên trách các cấp, Phó Chủ tịch Hội LHPN cấp cơ sở, chi hội trưởng phụ nữ tham gia bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm về công tác Hội, công tác xã hội, công tác phụ nữ và bình đẳng giới, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả, quan tâm đến đội ngũ cán bộ, công chức nữ, Chủ tịch Hội phụ nữ cơ sở trong quá trình sáp nhập, tinh gọn. Quan tâm xây dựng chiến lược tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ Hội các cấp, quan tâm phát hiện, bồi dưỡng và quy hoạch cán bộ nữ, cán bộ Hội trẻ, có năng lực, trình độ để tạo nguồn cán bộ nữ kế cận. Có cơ chế, chính sách phát huy năng lực, sở trường, khát vọng cống hiến và tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có tư duy đột phá vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ Hội.

Đối với các tỉnh, thành Hội quan tâm tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: (1) Tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng theo giai đoạn, lộ trình, gắn với yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy và chuyển đổi số trong hệ thống Hội; (2) Đẩy mạnh số hóa tài liệu; xây dựng, mở rộng và nhân rộng mô hình; tổ chức các hoạt động bồi dưỡng chuyên đề chuyên sâu theo từng nhóm chức danh, khu vực (nông thôn, đô thị, vùng đồng bào tôn giáo…); phát huy hiệu quả mô hình “học tại cơ sở, thực hành tại cơ sở”; (3) Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả bồi dưỡng gắn với kết quả công tác Hội. Tăng cường ứng dụng nền tảng số trong quản lý học viên, tổ chức lớp học, đánh giá kết quả bồi dưỡng.

Tại đây, đại diện lãnh đạo Hội LHPN các tỉnh, thành phố cũng đã trình bày các tham luận trong triển khai Đề án 1893 tại địa phương.

Trong khuôn khổ chương trình, TW Hội LHPN Việt Nam đã biểu dương, khen thưởng cho 19 tập thể, 20 cá nhân tiêu biểu, có đóng góp tích cực trong việc triển khai thực hiện Đề án 1893 giai đoạn 2019 – 2025.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Lan Phương (Áo dài đỏ giữa ảnh) trao Bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai Đề án Bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội LHPN các cấp và chi hội trưởng phụ nữ, giai đoạn 2019 – 2025

* Đề án 1893 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31/12/2018, triển khai trong bối cảnh hệ thống chính trị đang tích cực thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, đất nước đổi mới mạnh mẽ về tổ chức bộ máy. Các cấp, ngành đẩy mạnh nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ Hội, thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt cả nước tiếp tục đồng lòng bước vào giai đoạn chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng. Giai đoạn 2019 – 2025 chứng kiến nhiều biến động kinh tế – xã hội, đặc biệt đại dịch Covid-19 gây không ít khó khăn cho công tác bồi dưỡng cán bộ Hội các cấp, tuy nhiên, với quyết tâm của các cấp Hội và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Đề án đã được các cấp Hội nỗ lực triển khai bài bản, linh hoạt, đúng mục tiêu và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.