Tham dự Hội thảo có bà GS. Jun Gil Yang – Trưởng phòng thúc đẩy bình đẳng giới và đoàn cán bộ thuộc Viện KIGEPE; Bà Song Jung He, Thư ký thứ nhất Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; Bà Estefania Gualla, Cán bộ chính sách Giới của UN Women; Đến dự và phát biểu tham luận còn có PGS.TS Hoàng Bá Thịnh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội – Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS TS. Nguyễn Hữu Minh – Viện trưởng Viện Gia đình và Giới; Bà Vũ Phương Ly – Cán bộ cao cấp chương trình Giới của UN Women tại Việt Nam.

 Thay mặt Đoàn Chủ tịch TW Hội, TS. Nguyễn Thị Thu Hà – Phó Chủ tịch TW Hội, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam chủ trì Hội thảo. TS. Trần Quang Tiến- Phó giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam và đại diện Bộ Lao động Thương binh Xã hội và các cơ quan trực thuộc Bộ; đại diện lãnh đạo các Ban, đơn vị: ban Quốc tế, ban Tổ  chức, Ban Tuyên giáo, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, đại diện Hội Nữ trí thức thuộc Hội LHPN Việt Nam cùng  đông đảo cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên của Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Sau lời phát biểu khai mạc chào mừng các đại biểu về dự hội thảo của TS. Nguyễn Thị Thu Hà, chương trình hội thảo được bắt đầu với phần một: Giáo dục, thúc đẩy bình đằng giới.

PGS.TS Hoàng Bá Thịnh đã trình bày tham luận về “Thực trạng giáo dục thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay và một số vấn đề đặt ra đối với Hội LHPN Việt Nam”. Ở góc nhìn khách quan, tham luận đã trình bày khái quát về hoạt động và đào tạo Bình đẳng Giới ở Việt Nam trong các trường Đại học và Cao đẳng.

Sau khi nghe tham luận về thực trạng giáo dục thúc đẩy bình đẳng Giới ở Việt Nam, đại diện đoàn đại biểu đến từ Viện KIGEPE, bà Jun Gil Yang đã chia sẻ về lịch sử và kinh nghiệm của KIGEPE với vai trò là một Viện Giáo dục tăng cường bình đẳng giới. Bà Jun Gil Yang đã trình bày quá trình hình thành, phát triển của Viện Nghiên cứu, thúc đẩy bình đẳng Giới Hàn Quốc với phương châm nhất quán vì mục tiêu chung là hoạt động vì một xã hội bình đẳng và hạnh phúc. Ra đời từ năm 2003, đến nay Viện là đơn vị chuyên trách luôn đi đầu trong việc xây dựng ý thức văn hóa bình đẳng giới, thúc đẩy Bình đẳng Giới. Viện có hệ thống giáo dục ổn định, nguồn nhân lực vững mạnh, trung tâm đào tạo quốc tế về Bình đẳng Giới với công nghệ đào tạo mang tính chuyên môn hóa cao và ngày càng tang về cả chất và lượng. Sau 10 năm thành lập, Viện Giáo dục và thúc đẩy bình đẳng giới Hàn Quốc đã đào tạo về bình đẳng giới cho 43.854 người trong tổng số 600.000 cán bộ công chức của nước này.

Trước những thành tựu của KIGEPE về hoạt động bình đẳng giới tại Hàn Quốc, bà Vũ Phương Ly – Cán bộ cao cấp của UN Women đã trình bày tham luận: Vai trò của UN WOMEN trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.

UN WOMEN là cơ quan phụ nữ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ mới được thành lập trực thuộc Liên Hợp quốc.  Bà Vũ Phương Ly đã giới thiệu về tổ chức Liên Hợp quốc tại Việt Nam và công tác bình đẳng Giới hiện đang được rất nhiều cơ quan khác thuộc tổ chức này thực hiện. Ngoài ra, tham luận cũng nêu các hoạt động mà UN Women đang làm ở Việt Nam: Thứ nhất, thúc đẩy phụ nữ về mặt lãnh đạo; Thứ hai, nâng cao kinh tế và tiếp cận các nguồn đối với phụ nữ; Thứ ba, chấm dứt phân biệt đối xử đối với phụ nữ; Thứ tư, là hỗ trợ các nước trong việc xây dựng các bộ máy liên quan đến bình đẳng giới.

Hội thảo đã lắng nghe các chia sẻ của cán bộ đến từ Viện KIGEPE về các cơ chế cho đào tạo bình đẳng giới, giới thiệu các phương pháp đơn giản hóa và phối hợp chương trình. Các đại biểu dự hội thảo đã cùng trao đổi về các vấn đề: Làm thế nào để thu hút số lượng lớn tham gia và đào tạo? Chính phủ có cơ chế nào quy định về việc công chức phải tham gia đào tạo về giới? Vấn đề hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước? Phương pháp giảng dạy dựa trên quan điểm tiếp cận nào và vấn đề áp dụng với từng quốc gia? Khó khăn, thuận lợi và kinh nghiệm về vấn đề đào tạo về giới bằng phương pháp trực tuyến; Lồng ghép bình đẳng giới vào chương trình giáo dục phổ thông…Vấn đề tổ chức mạng lưới đào tạo về Bình đẳng Giới và hướng phát triển của Học viện Phụ nữ Việt Nam cũng được các đại biểu rất quan tâm.

Đại diện Viện KIGEPE và đại diện Học viện Phụ nữ Việt Nam đã có câu trả lời giải đáp các vấn đề được đại biểu quan tâm.

Phần trao đổi thứ hai của hội thảo tập trung vào vấn đề: Nghiên cứu Giới với phần trình bày đầu tiên của PGS.TS Nguyễn Hữu Minh qua tham luận “Thực trạng nghiên cứu về Giới ở Việt Nam hiện nay”.

Tham luận đã tập trung vào bốn lĩnh vực chủ yếu liên quan đến vấn đề giới: Giáo dục và đào tạo, Lao động việc làm, Chăm sóc sức khỏe, Lãnh đạo quản lý. Phần trình bày của PGS.TS Nguyễn Hữu Minh đã cung cấp bức tranh toàn cảnh về nghiên cứu giới ở Việt Nam. Không ít tổ chức, Hội tham gia tìm hiểu, nghiên cứu về giới nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, tuy nhiên hiệu quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng của giới chuyên môn và toàn xã hội.

Chia sẻ về vấn đề nghiên cứu giới, GS. Kang Nam Sik – Viện KIGEPE đã trình bày các vấn đề: Chiến lược lồng ghép giới và chính sách giới ở Hàn Quốc; Phân tích đánh giá ảnh hưởng giới và tìm hiểu về ngân sách giới; Liên kết giữa phân tích đánh giá ảnh hưởng giới và ngân sách giới. Phần trình bày của GS. Kang Nam Sik đã mở ra những hướng đi mới có thể áp dụng phù hợp đối với vấn đề nghiên cứu giới tại Việt Nam.

Với mong muốn là đơn vị đầu mối về nghiên cứu giới tại Việt Nam, đại diên Học viện Phụ nữ Việt Nam, Ths. Nguyễn Thị Phương – Viện phó Viện nghiên cứu Phụ nữ đã giới thiệu về tổ chức, hoạt động cũng như phương hướng phát triển của Viện Nghiên cứu trong bối cảnh Học viện mới thành lập.

Sau khi nghe tham luận, các đại biểu đã thảo luận về các vấn đề: Xây dựng và đào tạo một đội ngũ chuyên gia về giới bao gồm cả nam giới; Quá trình đánh giá phân tích chính sách bên Hàn Quốc thực hiện theo cách nào? Tại Hàn Quốc có cơ chế gì để kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc thực thi Luật và các chính sách lồng ghép giới? Vai trò của KEGEPE trong việc giám sát và đưa ra chính sách để thực thi các vai trò giám sát? Với chiến lược phát triển của Học viện Phụ nữ trong ngắn hạn và dài hạn nên tập trung nghiên cứu vấn đề gì ?…

Câu trả lời từ Viện KIGEPE cũng như các phương án, đề xuất của chuyên gia về hướng phát triển nhằm khẳng định thương hiệu của Học viện Phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu Giới và giáo dục, thúc đẩy bình đẳng Giới đã khẳng định thành công của hội thảo.

Phát biểu bế mạc Hội thảo Nghiên cứu, thúc đẩy bình đẳng Giới, TS. Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá cao kết quả đạt được sau một ngày làm việc nghiêm túc, hiệu quả. Với bảy bài tham luận và rất nhiều lượt ý kiến, trao đổi đã gợi mở những hướng đi tích cực, thiết thực cho Hội LHPN Việt Nam và Học viện Phụ nữ Việt Nam trong quá trình kiên trì xây dựng, phát triển lược Nghiên cứu, giáo dục thúc đẩy bình đẳng giới của Hội LHPN Việt Nam và Học viện Phụ nữ Việt Nam, góp phần thực hiện bình đẳng giới của đất nước. Thay mặt Hội LHPN Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Thu Hà đã gửi lời cảm ơn đến Viện KIGEPE, các tổ chức, chuyên gia, đơn vị tham gia hội thảo với những chia sẻ, đóng góp quý báu và khẳng định hội thảo này chính là tiền đề để các bên sẽ tăng cường hợp tác, trao đổi hơn nữa trong nghiên cứu, giáo dục thúc đẩy bình đẳng giới trong thời gian tiếp theo.

Hội thảo khép lại trong niềm phấn khởi, hi vọng về sự hợp tác sâu sắc và toàn diện giữa Hội LHPN Việt Nam, Học viện Phụ nữ Việt Nam với các đơn vị có chung mục tiêu vì một xã hội bình đẳng và hạnh phúc.