Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại kỳ họp
Theo Báo cáo số 454/BC-CP ngày 17/10/2017 của Chính phủ về thực hiện Luật bình đẳng giới, thời gian qua, công tác bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội. Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai nhiều chương trình, chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy công tác bình đẳng giới. Hệ thống chính sách pháp luật về bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm, hoàn thiện trong đó có nhiều chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội.
Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, năm 2016 Việt Nam đứng thứ 65/144 quốc gia về chỉ số khoảng cách giới (tăng 18 bậc so với năm 2015), thuộc nhóm nước có chỉ số trung bình. Bên cạnh đó, nhận thức của bản thân phụ nữ về vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội đã có nhiều tiến bộ, nhất là nữ cán bộ, công chức, viên chức, nữ doanh nhân, nữ trí thức, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ.
Trong tổng số 22 chỉ tiêu đặt ra, theo báo cáo, đến nay có 8 chỉ tiêu đã đạt và sẽ duy trì đạt vào năm 2020. Cụ thể, đạt chỉ tiêu về tạo việc làm mới; tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp; tỷ lệ nữ thạc sỹ, tiến sỹ; tỷ số giới tính khi sinh; tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV; giảm tỷ lệ phá thai; tỷ lệ các đài phát thanh truyền hình có chuyên mục về bình đẳng giới; tỷ lệ tập huấn cho cán bộ làm công tác bình đẳng giới.
Trong đó, về chỉ tiêu “Hằng năm, trong tổng số người được tạo việc làm mới, bảo đảm ít nhất 40% cho mỗi giới (nam và nữ)”, báo cáo đánh giá chỉ tiêu này đạt và giữ ổn định qua các năm.
Cụ thể, tính đến 1/7/2017, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính là 54,5 triệu người, lao động nữ là 26,2 triệu người, chiếm 48%. Theo báo cáo, trong năm 2016, đã giải quyết việc làm cho khoảng 1,641 triệu lao động (tăng 0,98% so năm 2015, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 48%.
Tuy vậy, chất lượng việc làm của lao động nữ còn chưa ổn định và thiếu bền vững; tập trung ở lĩnh vực có trình độ chuyên môn thấp, như dệt may, da giày, giúp việc gia đình, nông nghiệp… Vì vậy, mức lương của phụ nữ thấp, chỉ khoảng 4,82 triệu đồng so với nam là 5,48 triệu đồng.
Đặc biệt, tình trạng sa thải lao động độ tuổi 35 trở lên, trong đó phần lớn là lao động nữ ở các khu công nghiệp đang là một vấn đề lớn. Một số doanh nghiệp dùng nhiều cách như chuyển người lao động lớn tuổi sang vị trí khác không phù hợp với khả năng hoặc mở các đợt kiểm tra, sát hạch hoặc thậm chí yêu cầu tăng năng suất lao động để buộc người lao động phải tự bỏ việc. Trong khi đó, ở độ tuổi sau 35 việc học nghề đối với lao động nữ gặp nhiều khó khăn về tài chính và thời gian, vì vậy phần đông lao động nữ sau khi mất việc làm thường trở về quê hương làm các công việc tự do, không ổn định.
Để giải quyết tình trạng này, báo cáo chỉ rõ: Trước mắt, tăng cường triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật lao động về hợp đồng lao động, chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đẩy mạnh triển khai Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025, đồng thời nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật lao động để đảm bảo quyền lợi của người lao động.