Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhấn mạnh, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là của cả hệ thống chính trị, trong đó, gia đình, nhà trường, cộng đồng đóng vai trò hết sức quan trọng. Ông Bình cho rằng, các em cần phải tìm hiểu và biết quyền của mình để được hưởng đầy đủ các quyền đã được quy định trong Hiến pháp và Pháp luật Việt Nam. Khi các em bị xâm hại, bạo lực có thể tìm đến tổ chức đoàn, đội trong nhà trường hay gọi điện thoại đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 hay bấm máy tổng đài lực lượng công an 113 để kịp thời được hỗ trợ.
Tại Diễn đàn, 100 em gái đến từ 12 tỉnh/ thành phố trong cả nước đại diện cho hàng triệu trẻ em gái Việt Nam đã nêu lên những tình huống mà các em có thể gặp phải trong cuộc sống khiến các em có nguy cơ mất an toàn. Từ đó, các em kiến nghị, để trẻ em gái sống trong thế giới an toàn, thân thiện không bị quấy rối và thân thiện thì trẻ em gái cần chú ý đặc biệt đến kiến thức giới, về quyền trẻ em để tự tin bước ra cộng đồng được giao lưu chia sẻ và nói lên tiếng nói của mình thể hiện quyền trẻ em gái được bảo vệ an toàn khi giao lưu với thế giới. Đồng thời tự tin lên tiếng chia sẻ khó khăn khi gặp phải để có thể nhờ được sự hỗ trợ.
Đại biểu tham gia đối thoại, trả lời các câu hỏi do các trẻ em gái nêu ra
Em Trần Thị Ngọc, trường THCS Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội chia sẻ, ở nơi công cộng, trẻ em gái có thể gặp nhiều nguy cơ và rủi ro, cần được sự bảo vệ tốt hơn.Em mong muốn có những chương trình hành động và có biện pháp để bảo vệ trẻ em gái tốt hơn: “Em muốn gửi thông điệp rằng “thành phố an toàn cho trẻ em gái là thành phố cho tất cả mọi người”. Ngoài việc được giáo dục thì chúng em cũng cần tự tìm hiểu và trang bị kiến thức cho mình, có thể chia sẻ kiến thức với bạn bè. Nếu không đưa ra được giải pháp cho vấn đề đó thì chúng em sẽ nói chuyện với những người mình tin cậy để có giải pháp tốt hơn”.
Tại diễn đàn, các em cũng nêu nhiều câu hỏi cần được giải đáp, đó là: Vấn đề trẻ em bị quấy rối nơi công cộng, trẻ em bị xâm hại tình dục, bị bạo lực bởi chính người thân, nhất là tại các gia đình bố mẹ ly hôn, cha dượng xâm hại con vợ; Trẻ em vùng núi, vùng sâu, vùng xa phải đi học quãng đường dài, rất dễ bị tại nạn thương tích, nguy cơ bị bắt cóc, bị bán ra nước ngoài; Vấn nạn tảo hôn ở một số vùng dân tộc thiểu số…
Trả lời câu hỏi của em Mai Anh đến từ Lào Cai: “Làm thế nào để ngăn cấm tảo hôn”, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Thị Hà khẳng định, tảo hôn là vi phạm pháp luật. Thứ trưởng cho biết, Hiến pháp 2013 và Luật trẻ em 2016 đều quy định cấm tảo hôn. Đặc biêt, trong Điều 81 Luật trẻ em quy định trách nhiệm của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tiến hành xét xử đúng trình tự pháp luật đảm bảo nghiêm minh những vụ án liên quan đến trẻ em, đảm bảo quyền trẻ em và vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, tảo hôn là vấn nạn toàn cầu. Theo số liệu thống kê, mỗi năm có khoảng 15 nghìn trẻ em trên toàn thế giới tảo hôn. Tại Việt Nam, một số tỉnh có tỷ lệ tảo hôn cao đặc biệt Hà Giang, Kon Tum, Lào Cai. Về giải pháp đến ngăn cấm nạn tảo hôn, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến trẻ em. Thanh tra giám sát các chính sách pháp luật liên quan đến trẻ em. Bộ LĐ-TBXH đang xây dựng và vận hành dữ liệu quốc gia về trẻ em trong đó có tảo hôn trẻ em. Đồng thời, phối hợp Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ vận động xóa bỏ tảo hôn và bảo vệ quyền lợi ích tốt nhất cho trẻ em.
Đặc biệt, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg Phê duyệt ‘Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2025 ‘. Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số. Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, trong thời gian tới Bộ LĐ-TBXH sẽ tiếp tục phối hợp Ủy ban Dân tộc để giảm thiểu tỷ lệ tảo hôn trên cả nước.
Những câu hỏi của các em đã được lãnh đạo đại diện cho các bộ ngành như Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ LĐ-TBXH, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Công an, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc… giải đáp cụ thể.
Trong khuôn khổ của Diễn dàn, lãnh đạo các bộ, ngành đã ký cam kết vì quyền trẻ em gái. Ngay sau diễn đàn, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chủ trì tổ chức họp cùng lãnh đạo các địa phương, đơn vị tham dự diễn đàn để nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của trẻ em gái tại diễn đàn và lên kế hoạch thúc đẩy quyền của trẻ em gái nói riêng và trao quyền của trẻ em nói chung theo quyền hạn và trách nhiệm của các đơn vị.