Bạo lực giới và quấy rối ở nơi làm việc đang là vấn đề nan giải, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và nguồn kiếm sống ổn định của người lao động, đặc biệt là lao động nữ tại Việt Nam.
 
Chia sẻ về thực trạng về vấn đề bạo lực giới và quấy rối liên quan tới việc làm, bà Nguyễn Thị Hiển, Trung tâm nghiên cứu Lao động nữ và giới (thuộc Viện Khoa học Lao động Xã hội, Bộ Lao động Thương binh & Xã hội) cho biết, theo tài liệu từ UN Women, có tới 35% phụ nữ từng bị bạo lực thể xác hoặc tình dục, có 750 triệu phụ nữ và trẻ em gái kết hôn trước 18 tuổi; 120 triệu trẻ em gái bị cưỡng bức; 246 triệu trẻ em (bao gồm cả trai và gái) bị bạo lực học đường mỗi năm…

Tại Việt Nam, hiện chưa có nhiều nghiên cứu và số liệu thống kê chính thức về thực trạng bạo lực giới và quấy rối tại nơi làm việc. Dù đã có một số quy định cụ thể về nghiêm cấm bạo lực giới và quấy rối nhưng vẫn đang thiếu một hành lang pháp lý thực thi thực tế.
 
Bên cạnh đó, những sai lầm trong suy nghĩ như quan niệm vấn đề giới “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”; hay những trở ngại do ở vị trí yếu thế, phụ thuộc nên dù đây là hiện tượng phổ biến tại nơi làm việc nhưng nhiều nạn nhân còn chưa lên tiếng và vấn đề bạo lực giới, quấy rối chưa được xem xét nghiêm túc về mức độ ảnh hưởng.
 
Trong bối cảnh bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc đang ngày càng được công chúng quan tâm, việc Tổ chức Lao động Quốc tế xây dựng một công ước mới về chấm dứt bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc là công cụ giúp các nước thành viên hoàn thiện khung khổ pháp lý trong lĩnh vực này nhằm thúc đẩy việc phòng ngừa và xử lý bạo lực, quấy rối tại nơi làm việc. 
Theo bà Andrea Prince, chuyên gia về Luật lao động, Văn phòng ILO tại Việt Nam, nội dung dự thảo Công ước về chấm dứt bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc đang được xây dựng có nhiều điểm mới nhằm bảo vệ tối đa quyền được làm việc trong một môi trường an toàn, lành mạnh, bình đẳng của người lao động.
 
Giới thiệu một số điểm chính trong nội dung dự thảo công ước, bà Nguyễn Thị Hương, đại diện tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, cho biết: Với công ước này, người lao động, đặc biệt là lao động nữ được bảo vệ rộng hơn, toàn diện hơn. Bạo lực và quấy rối tại nơi làm việc không chỉ tại nơi làm việc, mà còn bao gồm cả không gian công và tư nơi diễn ra công việc; tại những nơi người lao động được trả lương hay nghỉ ngơi, dùng bữa; trên đường đi và về từ nơi làm việc; trong các chuyến công tác hay di chuyển liên quan đến công việc, trong tập huấn, sự kiện hay các hoạt động xã hội; trong các hoạt động truyền thông liên quan đến công việc được thực hiện thông qua các phương tiện công nghệ thông tin và truyền thông.
Công ước này cũng hướng vào nhiều đối tượng hơn, bao gồm: người sử dụng lao động, người lao động và các bên thứ 3 bao gồm đối tác, khách hàng, người cung cấp dịch vụ và công chúng… Đặc biệt, Công ước nhấn mạnh việc đảm bảo quyền bình đẳng và không phân biệt đối xử với tất cả người lao động, bao gồm nữ lao động và người lao động thuộc các nhóm dễ bị ảnh hưởng bởi bạo lực và quấy rối như người trẻ, cao tuổi; người khuyết tật; người nhiễm HIV; người nhập cư… ở tất cả các ngành, cả trong nền kinh tế chính thức và phi chính thức, thành thị và nông thôn. 
Trong tháng 6/2018, đoàn đại biểu 3 bên của Việt Nam (đại diện Chính phủ Việt Nam, người lao động và người sử dụng lao động) sẽ tham dự Hội nghị hàng năm lần thứ 107 của Tổ chức Lao động Quốc tế tại Thụy Sĩ. Tại đây, đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tham gia thảo luận vòng 2 về dự thảo Công ước này.