Báo cáo này cũng nêu hai trường hợp điển cứu là hai tổ chức địa phương: FUNDAEXPRESIÓN tại Santander, Columbia, và CAC (Trung tâm Nhận thức Cộng đồng) tại vùng Himalayas thuộc Ấn Độ. Các tổ chức này làm việc theo cách sáng tạo và truyền cảm hứng cùng với các cộng đồng địa phương bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Tổ chức FUNDAEXPRESIÓN đóng vai trò chủ chốt trong việc quảng bá các mạng lưới vững mạnh của địa phương và tổ chức CAC đưa nữ và nam tham gia vào các giải pháp có sự tham gia và liên quan đến phát triển. Cả hai tổ chức này có cam kết chủ yếu về bình đẳng giới và tạo quyền cho phụ nữ.
Toàn bộ báo cáo dài 91 trang. Chúng tôi xin dịch phần tóm tắt báo cáo.
‘Cuộc đấu tranh để bảo vệ môi trường không chỉ là những sáng kiến về kỹ thuật, mà còn là việc tăng năng lực và quyền lực cho phụ nữ và cộng đồng để giúp cho chính phủ có trách nhiệm giải trình về các kết quả của cuộc đấu tranh này. Vì vậy, phụ nữ, nhất là phụ nữ các nước nghèo ở phương Nam, cần phải hiện diện tại các buổi thảo luận và ra quyết định liên quan đến biến đổi khí hậu và phát triển ở cấp quốc gia và quốc tế.’
Mary Robinson và Wangari Maathai (Huffington Post 2010)
Tại sao phải chú trọng đến bình đẳng giới và biến đổi khí hậu?
Càng ngày người ta càng công nhận biến đổi khí hậu là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, nhưng cho đến nay những hành động để đáp trả lại vẫn còn quá chú trọng đến các giải pháp kinh tế và khoa học kỹ thuật, mà chưa có giải pháp về mặt con người và bình đẳng giới. Báo cáo này nêu bật lên nhu cầu phải đưa con người vào trọng tâm của các giải pháp về biến đổi khí hậu, phải đặc biệt chú trọng đến các thử thách và cơ hội mà biến đổi khí hậu đã mang đến cho ta trong cuộc đấu tranh về bình đẳng giới.
Báo cáo này biện hộ cho một cách tiếp cận với nữ và nam được bình đẳng về tiếng nói trong việc quyết định có liên quan đến biến đổi khí hậu và các tiến trình quản trị nhà nước rộng lớn hơn. Theo cách tiếp cận này, nữ và nam sẽ được tiếp cận như nhau đối với các nguồn tài nguyên cần thiết để đáp ứng với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; nhu cầu và kiến thức của nữ và nam đều được quan tâm, các định chế và tiến trình lập chính sách về biến đổi khí hậu ở các cấp sẽ không thiên vị đối với nữ hoặc nam; và không còn những rào cản về xã hội đối với việc tiếp cận của phụ nữ đối với các nguồn tài nguyên thiết thực và chiến lược.
Biến đổi khí hậu là gì và tại sao biến đổi khí hậu lại là một vấn đề phát triển?
Biến đổi khí hậu là những kiểu khí hậu thất thường, mực nước biển dâng lên và những sự kiện thái quá có thể liên quan đến hoạt động của con người và phát thải khí nhà kính làm cho trái đất nóng lên. Biến đổi khí hậu thường chỉ được xem như một hiện tượng thuần túy về khoa học kỹ thuật, nhưng thực ra biến đổi khí hậu cũng còn là hiện tượng chính trị và kinh tế xã hội với những hàm ý sâu sắc về công bằng xã hội và bình đẳng giới.
Khi các kiểu khí hậu ngày càng khó dự đoán, và các sự kiện thái quá như lũ lụt, sóng mang khí nóng hoặc thiên tai ngày càng trở nên phổ biến hơn, những người nữ và nam nghèo nhất ở các nước phương Nam là những người hầu như không phải là tác nhân gây ra vấn đề biến đổi khí hậu này nhưng sinh kế của họ lại bị đe dọa nhiều nhất, tiếng nói của họ cũng yếu nhất đối với các chính sách về khí hậu. Đây không chỉ là vấn đề bất công xung quanh các nguyên nhân và hậu quả của biến đổi khí hậu, nhưng đây cũng là vấn đề bất công xã hội về phương diện những ai là người có quyền lực và tài nguyên để có thể gây ảnh hưởng và tạo nguồn lợi từ các chính sách làm giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Khía cạnh giới trong biến đổi khí hậu
Nữ và nam không có những trải nghiệm như nhau về biến đổi khí hậu. Tại nhiều nước đang phát triển, các rào cản kinh tế và quy chuẩn về mặt văn hóa đã thu hẹp mức độ tiếp cận của phụ nữ đối với việc làm có hưởng lương, điều này có nghĩa là sinh kế của phụ nữ phải đặc biệt tùy thuộc vào các ngành nghề mang tính nhạy cảm về khí hậu, chẳng hạn như nông nghiệp tự cung tự cấp hoặc công việc đi lấy nước. Bất bình đẳng về giới còn thể hiện ở sự phân phối tài sản và cơ hội, điều này nghĩa là phụ nữ có rất ít phương án để lựa chọn khi gặp phải biến đổi khí hậu. Ví dụ như sự hạn chế về quyền sử dụng/ sở hữu đất đai đối với nữ nông dân làm cho họ có thể không tiếp cận được những mảnh đất màu mỡ để canh tác, và thiếu vốn về tài chính làm cho phụ nữ khó đa dạng hóa nguồn sinh kế của mình.
Sự kiện phụ nữ và trẻ gái thường phải chịu trách nhiệm về hầu hết các công việc nội trợ, chăm sóc gia đình và đó là những việc không hưởng lương, điều này cũng có nghĩa là đời sống của phụ nữ và trẻ gái bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những thay đổi do biến đổi khí hậu. Họ phải đi bộ xa hơn để kiếm thực phẩm, chất đốt và nước ngày càng khan hiếm hơn do biến đổi khí hậu. Kết quả là phụ nữ và trẻ gái còn rất ít thời gian để học tập, làm việc nâng cao thu nhập hoặc tham gia vào các tiến trình lấy quyết định ở cộng đồng, điều này lại sẽ dẫn tới bất bình đẳng trong các mối quan hệ giới.
Nam giới cũng phải chịu ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhất là khi họ nghèo. Chẳng hạn như nam giới có thể bị lo lắng và căng thẳng đầu óc khi nguồn sinh kế nông thôn của họ phải thiệt hại bởi biến đổi khí hậu và nam giới không thể làm tròn bổn phận về mặt xã hội là người lao động trụ cột của gia đình. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nam giới cảm thấy bị áp lực khi phải có những “hành động anh hùng”, làm cho nam giới phải chịu nhiều nguy cơ hơn so với phụ nữ và trẻ em. Ví dụ như trong cơn bão ở miền Trung Mỹ vào tháng 10 năm 2000, có một tỷ lệ nam giới bị thiệt mạng nhiều hơn phụ nữ vì hành vi nguy cơ này.
Tại sao ta phải đặt khía cạnh giới vào trọng tâm của chính sách về biến đổi khí hậu?
Chỉ ‘bổ sung’ khía cạnh giới vào chính sách về biến đổi khí hậu là chưa đủ
Kiến trúc ở cấp quốc tế của biến đổi khí hậu rất phức tạp và luôn luôn thay đổi vì có thêm nhiều văn bản thỏa thuận mới và cũng có chỉnh sửa một số văn bản hiện hành. Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC) là một khuôn khổ quốc tế để ứng phó với biến đổi khí hậu, và là văn bản đầu tiên công nhận vai trò của sự can thiệp của con người vào hệ thống khí hậu và nhu cầu cần phải xử lý sự phát thải khí CO2. Mặc dù có đề cập đến hoạt động của con người, nhưng Công ước UNFCC không có điểm nào nhắc tới bình đẳng giới.
Tuy nhiên, các nhà biện hộ cho mối quan hệ giữa bình đẳng giới và biến đổi khí hậu vẫn kiên trì vận động hành lang ví dụ như mạng lưới toàn cầu của tổ chức GenderCC và các tổ chức xã hội dân sự khác đã và đang dẫn đến những chuyển biến tích cực trong kiến trúc về biến đổi khí hậu. Kế hoạch hành động Bali đã được soạn thảo tại Hội nghị của các nước thành viên lần thứ 13 (COP 13) vào năm 2007, cung cấp những bước khởi đầu để có sự quan tâm đến bình đẳng giới, và vào năm 2008, Ban Thư ký của Công ước UNFCC đã được thuyết phục và công nhận là cần phải có những kiến nghị mang tính giới trong các tài liệu của hội nghị.
Đây là những bước tích cực, nhưng vẫn còn phải đi tiếp một chặng đường dài nữa. Hiện nay vẫn còn nhiều chính sách và tiến trình về biến đổi khí hậu mù về giới vì đã bỏ qua hầu hết hoặc hoàn toàn khía cạnh giới trong biến đổi khí hậu hoặc cho đó là không phù hợp. Người ta thường đưa vấn đề giới vào các chính sách hiện hành như một thứ “cộng thêm”, nếu không có cũng không sao.
Những chính sách dựa vào thị trường vẫn còn mù về giới
Những chính sách dựa vào thị trường về việc giảm bớt khí thải CO2, cung cấp các sáng kiến kinh tế đối với việc cắt giảm phát thải khí CO2 hoặc bảo tồn rừng, là những chính sách bị mù về giới nhiều nhất. Chẳng hạn như chính sách REED (Giảm khí thải từ việc phá rừng và rừng xuống cấp) đã giúp cho những nước công nghiệp phát triển ‘bù đắp’ sự phát thải khí CO2 của họ bằng cách trả tiền cho các chính phủ, thường là những nước đang phát triển ở phương Nam, về việc bảo tồn rừng, để thúc đẩy cho việc giảm biến đổi khí hậu bằng cách giữ khí CO2 lại trong cây cối. Việc thương mại hóa các nguồn tài nguyên mà trước đây là miễn phí đã cho ta thấy là nó dẫn đến việc loại trừ người nghèo và nông dân không có đất, mà đa số là phụ nữ, trong khi họ là những người phải sống tùy thuộc vào các sản phẩm lấy từ rừng để làm nguồn sinh kế, và họ lại rất hiếm khi được hưởng lợi từ các sáng kiến kinh tế.
Các nhóm quốc tế vận động hành lang như Tổ chức Global Forest Coalition, và một tổ chức địa phương như FUNDAEXPRESIÓN tại Columbia, đang quảng bá cho những chính sách khác để thay thế các chính sách hiện nay bỏ quên vấn đề giới. FUNDAEXPRESIÓN là một phần của mạng lưới nâng cao nhận thức về các chính sách toàn cầu và những hàm ý về giới, tăng năng lực và quyền năng cho nữ và nam để thách thức các chính sách này và áp dụng những cách can thiệp thích nghi và giảm thiểu biến đổi khí hậu một cách bền vững và phù hợp với địa phương. Những tổ chức ấy cũng kêu gọi sự kết nối chặt chẽ hơn ở cấp lập chính sách về việc thích nghi và giảm thiểu, để có sự tham gia nhiều hơn của những người nữ và nam nghèo trong các chính sách và cách can thiệp giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Phụ nữ không được coi như một phần của giải pháp
Các chính sách thích nghi với khí hậu thường hay coi phụ nữ là những người thụ hưởng dễ bị tổn thương, chứ không coi họ như những công dân có đầy đủ các quyền mà mọi người phải công nhận chẳng hạn như về tiếng nói, kỹ năng và kinh nghiệm mà phụ nữ đã đóng góp cho xã hội. Nếu phụ nữ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các giải pháp bền vững để thích ứng với biến đổi khí hậu như là một phần của các sáng kiến ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế, thì các đóng góp này của phụ nữ cũng không được công nhận.
Có một sự cách biệt lớn về giới trong việc ra quyết định đối với các chính sách về biến đổi khí hậu
Có một sự cách biệt về giới trong việc ra quyết định liên quan đến biến đổi khí hậu, sự cách biệt này có thể là yếu tố quan trọng nhất của sự mù về giới vẫn còn tồn tại dai dẳng trong các chính sách về biến đổi khí hậu. Chẳng hạn như trong Hội nghị thường niên của các nước thành viên gần đây vào năm 2010 (COP 16), phụ nữ chỉ chiếm 30% của tất cả các đoàn đại biểu và chỉ có không đến 15% nữ làm trưởng đoàn. Sự mất cân bằng về giới này không chỉ làm cho các chính sách bị thiếu tính đại diện của phụ nữ, mà nó còn phản ánh quyền được tham gia và có tiếng nói về chính trị của phụ nữ đã bị từ chối.
Vậy ta cần thay đổi gì?
Các chính sách và tiến trình về biến đổi khí hậu sẽ không có hiệu quả và cũng không được công bằng nếu chưa có nhận thức đầy đủ về giới. Điều này có nghĩa là công nhận những người hoạt động vì sự phát triển gồm có nữ và nam, công nhận rằng họ có những rào cản khác nhau và vì vậy họ sẽ có những nhu cầu và ưu tiên khác nhau – đôi khi còn mâu thuẫn với nhau. Nhận thức cao về giới còn có nghĩa là công nhận phụ nữ có quyền được tham gia vào các quyết định liên quan đến biến đổi khí hậu và phụ nữ cũng được hưởng lợi ở các chính sách này một cách bình đẳng.
Tuy nhiên, chỉ nhận thức về bất bình đẳng giới không thôi thì chưa đủ. Những đáp ứng về biến đổi khí hậu có tiềm ẩn khả năng thách thức những bất bình đẳng quyền lực về giới, nếu giảm được những bất bình đẳng này ta sẽ đóng góp vào việc thực hiện tốt hơn bình đẳng giới và các quyền của phụ nữ, đó là khi các chính sách đóng vai trò làm nên những chuyển biến. Đây là cơ hội duy nhất để các định chế mới nổi và các tiến trình về biến đổi khí hậu áp dụng cách can thiệp có nhận thức về giới để đóng góp cho việc chuyển biến xã hội và chuyển biến về giới.
Ta có thể học hỏi nhiều từ những sáng kiến của các cấp. Ngoài công cuộc vận động hành lang quan trọng của các tổ chức ở cấp quốc gia, khu vực, quốc tế và các mạng lưới ở cấp ra chính sách, còn có nhiều tổ chức địa phương đã và đang đáp ứng các nhu cầu khác nhau của nữ và nam và quảng bá nhận thức về giới, các cách tiếp cận tạo chuyển biến. Nay ta cần phải tạo ra những liên kết chặt chẽ hơn giữa chính sách toàn cầu với thực tế và các sáng kiến địa phương để đảm bảo các chính sách được nêu lên bởi tiếng nói của những người nữ và nam đang hàng ngày ứng phó với các hậu quả của biến đổi khí hậu.
Theo: http://gas.hoasen.edu.vn