Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đánh giá cao sự chuẩn bị tích cực của nữ trí thức Việt Nam trong việc tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; bày tỏ hy vọng NTT Việt Nam sẽ có nhiều ý kiến đóng góp sâu sát, tâm huyết vào Dự thảo, đặc biệt là về các điều, khoản có liên quan trực tiếp đến phụ nữ, gia đình, trẻ em, bình đẳng giới, phát huy được tài năng, trí tuệ của mình vì sự bình đẳng, phát triển của phụ nữ Việt Nam, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Các đại biểu tham gia hội nghị đã đóng góp nhiều ý kiến trong đó đặc biệt tập trung góp ý sâu vào các nội dung của Điều 27 quy định về quyền của công dân nam-nữ trong chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình; Điều 39 quy định về Hôn nhân và gia đình. Nhiều ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “nam, nữ”trong khoản 1, điều 27 bởi việc quy định “nam, nữ” vô tình đã bỏ sót những người liên giới tính, không xác định rõ giới tính, đồng thời bổ sung thêm cụm từ “cơ hội” với mong muốn nâng cao bình đẳng giới, để công dân có quyền, cơ hội như nhau trong mọi mặt của đời sống. Đa số các đại biểu cũng nêu ý kiến là tại Điều 39 của Dự thảo, cần giữ nguyên các quy định của Điều 64 trong Hiến pháp hiện hành “Gia đình là tế bào của xã hội” nhằm khẳng định vai trò của gia đình trong xã hội, nhất là trong tình hình hiện nay; có thêm những quy định về chế độ thai sản và các chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nông thôn, hỗ trợ phụ nữ trong giai đoạn con nhỏ. Ngoài ra, các đại biểu cũng đưa ra ý kiến đóng góp sửa đổi Điều 5 khoản 4 nhằm hạn chế sự phân biệt các dân tộc, bổ sung thêm nội dung về “bảo vệ tài nguyên thiên nhiên” bên cạnh nội dung “bảo vệ môi trường” trong Điều 46…

Với sự tâm huyết, trách nhiệm và trí tuệ, các đại biểu đã trình bày nhiều ý kiến có sức thuyết phục cao, không chỉ đề cập đến nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mà còn góp ý về từ ngữ, văn phong của Dự thảo. Với tính chất là văn bản pháp luật có giá trị cao nhất trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, nhiều NTT bày tỏ hy vọng Dự thảo sẽ được sửa đổi theo hướng tinh, gọn, dễ hiểu, từ ngữ dùng thống nhất, xuyên suốt từ đầu đên cuối.

Sau hơn 3 giờ làm việc liên tục, sôi nổi, Hội nghị nhận được 14 lượt ý kiến phát biểu rất sâu sát, đúng trọng tâm, đúng vấn đề, xuất phát từ cả hai góc độ của một công dân và của một trí thức am hiểu lĩnh vực chuyên môn. Điều đó thể hiện rõ sự chuẩn bị chu đáo và sự quan tâm, tích cực của NTT với hoạt động góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, thể hiện tinh thần đầy trách nhiệm của NTT với công cuộc xây dựng đất nước. Được biết, sau Hội nghị, Hội NTT Việt Nam tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các nữ trí thức để gửi TW Hội LHPN Việt Nam.

                                   Theo: http://hoilhpn.org.vn