Từ thực tiễn cuộc sống cho thấy, một số quy định còn tạo bất bình đẳng giữa nam và nữ như quy định tuổi nghỉ hưu đối với nữ là 55, nam là 60; hay việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện dẫn đến các chính sách, quy định chậm đi vào cuộc sống. Đơn cử, Nghị định số 39/2015/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số. Cụ thể, sau 9 năm kể từ khi Luật Bình đẳng giới được ban hành, chính sách này vẫn chưa được thực hiện; nghị định được ban hành nhưng còn phải chờ Thông tư hướng dẫn. Trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoản 4 Điều 14 Luật Bình đẳng giới quy định “Nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ” hay trong lĩnh vực chính trị, tại điểm a khoản 5 Điều 11 Luật Bình đẳng giới quy định “Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau 10 năm luật này có hiệu lực, các quy định trên rất khó thực thi do chưa có các văn bản hướng dẫn.
Thực tiễn cũng cho thấy, một số chính sách, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới đã được ban hành nhưng không phát huy hiệu quả. Chẳng hạn, như quy định “Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật” (điểm a khoản 2 Điều 12) là một biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, nhưng trong thực tiễn, hầu hết các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ không được hưởng lợi. Nguyên nhân là do các quy trình, thủ tục để được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp khá phức tạp, số tiền được giảm thuế chưa bù đắp được các chi phí khi áp dụng các ưu đãi dành cho lao động nữ, vì vậy, các doanh nghiệp thường ngại hoặc không muốn tiếp cận với chính sách ưu đãi này.
Ngoài ra, một số quy định còn mang tính định tính, khó định lượng (tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội; tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước); quy định nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới. Định kiến giới vẫn còn tồn tại khá phổ biến trong đời sống xã hội với danh nghĩa là các giá trị truyền thống, các phong tục tập quán. Vì vậy, việc thực thi pháp luật về bình đẳng giới, bảo đảm người phụ nữ được thụ hưởng các quyền luật định gặp rất nhiều khó khăn trong thực tiễn, nhất là ở vùng nông thôn, vùng kinh tế khó khăn.
Thời gian tới, cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn về bình đẳng giới bảo đảm tính khả thi trong quá trình thực hiện. Khi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cần phân tích kỹ và nhiều chiều các phương án chính sách, dự thảo quy định pháp luật hoặc dự kiến hoạt động trong mối tương quan với những tác động, ảnh hưởng từ sự khác biệt về giới tính và những bất lợi về giới trên thực tế của phụ nữ trước khi quyết định ban hành để giảm nguy cơ tạo khoảng cách giới. Mặt khác, cần đổi mới cách tiếp cận với phụ nữ, phân loại các nhóm phụ nữ khác nhau, tiến tới việc nhìn nhận phụ nữ là đối tác chứ không chỉ là người được thụ hưởng, người được bảo hộ, bảo vệ để xác định rõ phương pháp tổ chức các hoạt động phù hợp; xác định các nhiệm vụ, các hoạt động bảo đảm giải quyết và góp phần giải quyết những vấn đề riêng cho phụ nữ (trình độ, năng lực, công việc, sở thích cá nhân) và liên quan gia đình, con cái; tiếp cận giải quyết những vấn đề của phụ nữ trong mối tương quan với nam giới.
Vấn đề khác cũng cần được quan tâm là rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật và chính sách gây bất lợi đối với phụ nữ trong các lĩnh vực; bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi văn bản quy phạm pháp luật, tăng các chính sách bù đắp dành riêng cho phụ nữ theo từng nhóm. Cụ thể, đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức cần có các chính sách, quy định pháp luật về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và đào tạo lại, quy hoạch, bổ nhiệm, các vấn đề an sinh xã hội hỗ trợ hài hòa công việc xã hội, gia đình và tuổi lao động. Đối với phụ nữ nông thôn liên quan chính sách, quy định pháp luật bảo đảm cơ hội và tạo điều kiện để xóa đói, giảm nghèo, từng bước vươn lên làm giàu; tổ chức tốt cuộc sống gia đình, chăm sóc, nuôi dạy con tốt; bảo hiểm xã hội (thai sản, tuổi già); an toàn và vệ sinh lao động. Đối với lao động nữ (nhất là lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động ngoài nhà nước) cần tập trung đề ra những chính sách, quy định pháp luật về nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, việc làm ổn định, tiền lương và thu nhập. Đối với phụ nữ làm chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh cá thể cần có chính sách, quy định pháp luật bảo đảm cơ hội và tạo điều kiện thúc đẩy thương mại, xuất khẩu hàng hóa và có giảm thuế trong thời gian nghỉ sinh con.
Việc ban hành và thực thi các biện pháp mạnh để xóa bỏ định kiến giới; tăng cường các biện pháp khôi phục hương ước lành mạnh; coi trọng công tác đào tạo và bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt cho phụ nữ cần được coi trọng hơn nữa. Tăng cường việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ làm công tác hoạch định chính sách, cán bộ pháp chế của các bộ, ngành, địa phương. Chú trọng và nâng cao hiệu quả việc tổ chức thi hành pháp luật nhằm bảo đảm các quy định của pháp luật sớm được thực thi và thực thi đúng. Quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.