Bà Nguyễn Thị Tuyết – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Ông Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch VCCI, bà Pratibha Mehta – Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam đồng chủ trì buổi Lễ với sự tham dự đông đảo của đại diện các bộ, ngành TW, các tổ chức quốc tế và 20 doanh nghiệp đại diện cho khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam.

Những nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ là sáng kiến chung của cơ quan LHQ về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và cơ quan Hiệp ước toàn cầu của LHQ (United Nations Global Compact). Với 7 nội dung: Thiết lập nguyên tắc lãnh đạo cấp cao đối với bình đẳng giới; Đối xử bình đẳng nam và nữ trong công việc, tôn trọng, hỗ trợ phụ nữ và không phân biệt nam nữ; Đảm bảo sức khỏe, an toàn và không có bạo lực đối với cả lao động nam và nữ; Khuyến khích giáo dục, đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho phụ nữ; Khuyến khích thực hiện bình đẳng giới thông qua các sáng kiến cộng đồng và Các công cụ theo dõi và báo cáo tiến bộ trong công tác bình đẳng giới, những nguyên tắc này hướng dẫn các doanh nghiệp cách thức trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc, thị trường và cộng đồng, qua đó nhằm nâng cao quyền năng và hỗ trợ phụ nữ tham gia đầy đủ vào các hoạt động kinh tế cũng như xã hội; đồng thời phản ánh mối quan tâm của các cơ quan chính phủ và cộng đồng xã hội trong việc thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới.

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết khẳng định, chiếm trên 51% dân số và 48,6% lực lượng lao động, phụ nữ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra sản phẩm có chất lượng, tham gia vào quá trình phát triển kinh tế, năng lực cạnh tranh của từng địa phương cũng như của đất nước, góp phần nâng cao vị thể của phụ nữ trong kinh tế. Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là biện pháp quan trọng để phát triển khả năng lãnh đạo và con đường sự nghiệp cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới. Phó Chủ tịch Hội nhấn mạnh, trong những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ và phát triển nữ doanh nhân và doanh nghiệp nữ, giúp họ vượt qua các khó khăn và thách thức để kinh doanh hiệu quả đồng thời cân bằng công việc, trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình và xã hội; đồng thời cho biết, trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam sẽ làm tốt hơn vai trò của mình đặc biệt là tạo điều kiện, tạo hành lang pháp lý để nữ doanh nhân và doanh nghiệp do nữ làm chủ tham gia ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế đất nước, kinh tế khu vực và quốc tế. Phó Chủ tịch Hội cho rằng, cần phải trao quyền cho phụ nữ bởi Bình đẳng là thịnh vượng.

Buổi lễ cũng là cơ hội để các cơ quan có liên quan, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và đại biểu trao đổi về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm với một số doanh nghiệp đã thành công trong thực hiện bình đẳng giới. 7 nguyên tắc về trao quyền cho phụ nữ được đánh giá là công cụ rất tốt, phù hợp với Luật Bình đẳng giới và các chính sách liên quan của Việt Nam. Tuy nhiên, để thực thi có hiệu quả, cần xây dựng bộ công cụ để hướng dẫn, giám sát các doanh nghiệp thực hiện và thúc đẩy xã hội hóa các nguyên tắc. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, đoàn thể liên quan cũng như của chính bản thân người lao động.

Ảnh minh họa

Đại diện các doanh nghiệp ký vào Bản khuyến nghị ủng hộ nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ

Tại buổi lễ, 20 doanh nghiệp Việt Nam đã cùng ký vào Bản khuyến nghị ủng hộ Những nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ, thể hiện cam kết về thực hiện bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và khuyến khích các doanh nghiệp khác cùng ủng hộ. Với việc ký kết này, Việt Nam đã trở thành nước đứng đầu trong khu vực ASEAN về số lượng các doanh nghiệp ủng hộ Những nguyên tắc này.

                         Theo: http://hoilhpn.org.vn