Các diễn giả tại sự kiện. Ảnh: LV

Từ ngày 20 đến 21//9, tại Hà Nội, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nan (VCCI) tổ chức Diễn đàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ nhất, với chủ đề “Hỗ trợ khởi nghiệp tại châu Á – Thái Bình Dương”. Diễn đàn là sáng kiến của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ được thực hiện trong khuôn khổ chương trình thúc đẩy việc làm thông qua khởi nghiệp của phụ nữ và thanh niên.

Nhiều rào cản khi khởi nghiệp

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh – Chủ tịch Hội đồng nữ doanh nhân Việt Nam (thuộc VCCI) cho biết, phụ nữ Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp rất cao. Theo báo cáo GEM năm 2015 của VCCI, chỉ số khởi nghiệp của phụ nữ là 15,5% tại Việt Nam so với của nam giới là 11,6%. Còn theo báo cáo của Master Card công bố ngày 19/5/2018, Việt Nam thứ 6/57 quốc gia được khảo sát có phụ nữ tham gia điều hành DN lớn nhất thế giới.

Gần đây, Facebook công bố một báo cáo rất ngoạn mục, đó là nếu cứ hỏi 5 người phụ nữ tại Việt Nam thì có tới 4 người có mong muốn khởi nghiệp. Họ tính ra rằng nếu chỉ cần một nửa trong số đó có cơ hội khởi nghiệp thành công thì Việt Nam sẽ tạo ra 1,1 triệu DN mới và 3,9 triệu việc làm đến năm 2021. Tuy nhiên mặc dù có những lực nỗ lực như vậy thì phụ nữ Việt Nam vẫn gặp rất nhiều rào cản trong khởi nghiệp.

“Rào cản của phụ nữ chính là bởi họ là phụ nữ” – bà Minh nêu quan điểm. Theo đó, phụ nữ thường “đơn độc” trong khởi nghiệp. Về phía gia đình, không phải nữ doanh nhân nào khởi nghiệp cũng nhận được sự ủng hộ của người thân trong gia đình. Sự đơn độc thứ hai là doanh nhân nữ rất khó làm việc với đối tác nam bởi họ bị coi là người làm việc gia đình hơn là làm doanh nhân và ít nhận được sự tin tưởng. Trong các hội chợ dường như các nữ doanh nhân nữ nhận được ít đầu tư hơn nam giới và cơ hội tiếp cận tín dụng của họ cũng rất khó khăn.

Bên cạnh đó, phụ nữ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong đào tạo, xuất phát từ định kiến xã hội kỳ vọng vào người phụ nữ là phải chăm sóc gia đình. Với quỹ thời gian 24h/ ngày như nam giới nhưng bên cạnh việc kinh doanh, phụ nữ làm nhiều việc không tên và tốn nhiều thời gian hơn nên không có thời gian để tham gia các khóa đào tạo.

Tăng cơ hội tiếp cận tín dụng cho phụ nữ

Theo ông Hoàng Quang Phòng, để tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp thành công, các chính phủ, tổ chức cần nhận thức được rào cản hạn chế của phụ nữ tham gia khởi nghiệp và phát triển để có chính sách phù hợp cải thiện hiệu quả các khó khăn, giúp phụ nữ khởi nghiệp thành công.

Bà Minh cho biết, VCCI đã có rất nhiều sáng kiến để hỗ trợ nữ doanh nhân về đào tạo, tiếp cận thông tin, tiếp cận thị trường, tiêu biểu là thành lập Mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN.

Hội đồng nữ doanh nhân Việt Nam cũng thành lập Mạng lưới Kèm cặp và cố vấn tại Việt Nam. Theo đó, sử dụng app Kèm cặp và cố vấn online trên điện thoại di động để người nông dân cũng có thể sử dụng được. Ngoài ra còn thực hiện mô hình người thành đạt hỗ trợ người mới khởi nghiệp, DN lớn hỗ trợ DN nhỏ, tổ chức nhiều hội thảo tập huấn đào tạo trong nước và khu vực để học tập kinh nghiệm.

Về tiếp cận tài chính, hội cũng đã phối hợp với các ngân hàng, các tổ chức tài chính để hỗ trợ các dự án tài chính vi mô cho phụ nữ khởi nghiệp. Tiêu biểu là ngân hàng VPBank hiện đang có 3 sản phẩm tín dụng rất hay cho phụ nữ: sản phẩm cho doanh nhân nữ vay không thế chấp với số tiền vay có thể lên tới mức cao nhất là 5 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 1,5% so với lãi suất thương mại bình thường; sử dụng tài sản thế chấp, thế chấp bằng thuế VAT đầu ra kèm theo hợp đồng kinh tế, nhưng cho vay đến 95% tài sản thế chấp và một số lĩnh vực là 100% tài sản thế chấp và sản phẩm thứ 3 là thẻ tín nhiệm…

Việt Nam là một trong những quốc gia phê chuẩn Công ước CEDAW về bình đẳng giới 1979 đầu tiên vào năm 1982 và cũng có Luật Bình đẳng giới rất tiến bộ. Gần đây nhất, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa đã được thông qua trong đó có những điểm nhấn hỗ trợ cho phụ nữ. Việt Nam cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho phụ nữ như Đề án 844 hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đến năm 2025; Đề án 939 hỗ trợ khởi nghiệp giai đoạn 2010-2020….