Phụ nữ hiện chiếm gần 50% lực lượng lao động ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực ở nước ta, là tiềm lực khởi nghiệp rất lớn, tuy nhiên lại đang bị bỏ ngỏ bởi những rào cản từ chủ quan và khách quan đem lại. Theo số liệu từ Hội liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, hiện nay số doanh nghiệp (DN) do nữ làm chủ chủ yếu là DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ còn rất hạn chế. Ðể bắt đầu khởi nghiệp, ngoài việc vượt qua sự thiếu tự tin, tư tưởng an phận thủ thường, phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, bao gồm định kiến giới, hạn chế trong tiếp cận các nguồn lực và thị trường, kỹ năng quản trị DN.

Thực tế cho thấy, các DN và hộ gia đình do phụ nữ quản lý đã tạo ra giá trị của cải vật chất, nguồn thu nhập đáng kể cho đất nước, góp phần giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động, thực hiện tốt nghĩa vụ với Nhà nước, trách nhiệm cao với xã hội và cộng đồng. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, khoảng 71% số phụ nữ đang làm việc ở Việt Nam là tự sản xuất, kinh doanh. Nông nghiệp và dịch vụ là những ngành sử dụng nhiều lao động nữ nhất. Những thập niên gần đây, tình trạng nữ giới hóa trong nông nghiệp diễn ra rõ nét, nhất là ở miền bắc và phụ nữ đảm nhiệm phần lớn các công việc trong nhiều chuỗi giá trị nông nghiệp. Do vậy, nếu không tháo gỡ được rào cản mà phụ nữ phải đối mặt khi khởi nghiệp, chúng ta đang bỏ lỡ một cơ hội tiềm năng về phát triển kinh tế.

Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 đã đưa ra mục tiêu tỷ lệ nữ làm chủ DN đạt từ 35% trở lên trong tổng số hơn một triệu DN của cả nước (so với tỷ lệ hiện tại vào khoảng 25%); tỷ lệ lao động nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 50%. 100% số phụ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, quỹ giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức. Hội LHPN Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, sẽ có 35% số DN do phụ nữ làm chủ. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này, cần những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn, trong đó có chính sách hỗ trợ vốn tài chính và phi tài chính. Vốn phi tài chính, chính là năng lực nội tại, năng lực cạnh tranh để phụ nữ phát triển, quản trị hiệu quả công việc kinh doanh, không phải trông chờ sự hỗ trợ từ bên ngoài.

Về phía Hội LHPN Việt Nam cho rằng, để phụ nữ khởi nghiệp thành công, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở địa phương và bản thân sự nỗ lực của cán bộ hội các cấp để hỗ trợ, hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo của phụ nữ. Ðồng thời, cần hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN mới thành lập, xây dựng và phát triển các hoạt động liên kết, phát triển mạng lưới xúc tiến thương mại. Hiện nay, ở Việt Nam phát triển hợp tác xã là hình thức tổ chức sản xuất phù hợp để giúp các hộ nông dân cá thể, quy mô nhỏ cạnh tranh tốt hơn trong nền kinh tế thị trường, phù hợp định hướng phát triển kinh tế tập thể của Ðảng và Nhà nước. Việc ban hành các chính sách, cơ chế để hỗ trợ phụ nữ khởi sự và phát triển DN là nhu cầu cấp thiết trong thời gian tới. Mặt khác, hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi sự và phát triển kinh doanh phải được thực hiện ở nhiều quy mô, cấp độ khác nhau, phù hợp từng loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh. DN phát triển bền vững cần có sự kết nối chặt chẽ của ba loại hình kinh tế: kinh tế hộ gia đình, kinh tế hợp tác và DN. Việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp phải được thực hiện đồng bộ trong từng hoạt động, giải pháp nhằm thúc đẩy kinh tế hộ, kinh tế hợp tác, DN cùng nhau phát triển thông qua chuỗi giá trị sản phẩm.

Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 của Hội LHPN Việt Nam mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt sẽ khuyến khích, thúc đẩy phụ nữ mạnh dạn bắt đầu công việc kinh doanh dưới hình thức kinh tế hộ, hợp tác xã, DN hoặc phát triển quy mô, loại hình sở hữu thông qua ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ tạo ra sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao. Sáng tạo và kết nối là hai yếu tố được coi là quan trọng hàng đầu đối với các nữ doanh nhân khởi nghiệp. Ðây cũng là phương thức để các DN thoát khỏi tình trạng sản xuất, kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, việc học tập kinh nghiệm các mô hình đã thành công, sẵn sàng dấn thân, không ngại khó, ngại khổ, tích cực học hỏi, tự tin, quyết đoán, thật sự đam mê… sẽ là chìa khóa để chị em đi đến thành công.

Ðể phụ nữ thành công khi khởi nghiệp, các bộ, ngành cần có sự lồng ghép các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp trong các đề án, chương trình có liên quan. Ðồng thời, các nữ doanh nhân khởi nghiệp cần chủ động, tích cực học hỏi, tự tin đổi mới, chấp nhận sự thay đổi để tạo ra sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và an toàn sức khỏe cộng đồng.