Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, tham gia của đông đảo các đại biểu đến từ các bộ, ngành TW, các tổ chức quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đánh giá, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 11 về Công tác Phụ nữ thời kỳ CNH- HĐH đất nước, thực hiện Luật Bình đẳng giới, công tác phụ nữ và bình đẳng giới đã đạt được những bước tiến đáng khích lệ. Tuy nhiên, sự chuyển biến đó chưa xứng đáng với tiềm năng và đóng góp của lực lượng cán bộ nữ. Một số chỉ tiêu về tỷ lệ nữ lãnh đạo nhiều nhiệm kỳ chưa đạt và có xu hướng giảm như chỉ tiêu nữ tham gia Quốc hội, nữ ủy viên BCH TW Đảng (chỉ đạt 8,57%), nữ ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ này đạt 11,3%. Cán bộ nữ ở vị trí ra quyết định và hoạch định chính sách chiếm tỷ lệ thấp. Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ nữ trong quy hoạch cấp ủy rất thấp (dưới 15%). Phó Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân của hạn chế trên là do hệ thống văn bản pháp luật về bình đẳng giới, chính sách để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển còn thiếu đồng bộ, chưa đúng theo tinh thần Nghị quyết 11 về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ nữ. Phó Chủ tịch Hội mong muốn được nghe nhiều ý kiến của các đại biểu xoay quanh chủ đề của hội thảo, đặc biệt là những phát hiện về khoảng cách giới trong chính sách, những đề xuất cụ thể để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào quá trình lãnh đạo và ra quyết định.

Nghiên cứu của CEPEW về thực trạng phụ nữ tham chính tại 5 địa bàn khảo sát là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Trà Vinh, Đắc Lắc cũng cho thấy, mặc dù xu hướng chung là tỷ lệ phụ nữ tham gia chính trị có tăng lên song khoảng cách giới về số và chất lượng trong tham chính vẫn tồn tại. Vị trí phụ nữ giữ các vị trí quan trọng vẫn hạn chế (chủ yếu là cấp phó). Ví dụ, có 3/5tỉnh/TP có nữ Phó Bí thư (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh); 5 tỉnh có Phó Chủ tịch UBND là nữ; 2/5 tỉnh có ủy viên Ban Thườngvụ, Trưởng ban Tổ chức cán bộ là nữ. Nghiên cứu cũng chỉ ra các yếu tố tác động về mặt chính sách, các ảnh hưởng thuận lợi cũng như các rào cản hạn chế phụ nữ tham chính. Rào cản chính trong việc phụ nữ tham chính không phải do bất cập về năng lực hay động cơ mà là các yếu tố về gia đình, quan niệm về vai trò giới. Việc các chính sách về độ tuổi, chỉ tiêu, quy trình quy hoạch… không tính đến đặc thù giới càng làm cho việc tham chính trở nên ít thuận lợi hơn với phụ nữ. Mặt khác, hạn chế về tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp và năng lực thực hiện của bộ máy tham gia vào việc tăng cường phụ nữ tham chính chưa đủ mạnh cả về nhân lực lẫn cơ chế phối hợp dẫn đến nhiều chính sách và kế hoạch được đưa ra nhưng chưa đạt hiệu quả.

Bà Vũ Ngọc Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, mục tiêu 1 về tham chính trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Theo đó, giai đoạn 2011-2015 phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng và tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp đạt từ 30% trở lên và con số này là trên 35% ở giai đoạn 2016- 2020. Để thực hiện được mục tiêu này, trong thời gian tới, các hoạt động tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách liên quan đến công tác cán bộ nữ, tăng cường công tác quy hoạch dài hạn cán bộ quản lý, nữ lãnh đạo, tạo tiền đề cho giai đoạn 2016- 2020, thí điểm một số mô hình thúc đẩy, tăng quyền năng cho phụ nữ ở cấp cơ sở…

Đến từ vụ Đào tạo- bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức TW, PGS.TS Đỗ Minh Cương đưa ra một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện chính sách trong công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH, hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay là: Cần xây dựng quy hoạch cán bộ nữ toàn diện và đồng bộ hơn để phát huy được khả năng của phụ nữ, trên cơ sở đó thực hiện khoa học, đồng bộ hơn các khâu khác của công tác cán bộ như đào tạo, bố trí, sử dụng, chính sách đãi ngộ, quản lý cán bộ…Ông Cương cũng cho rằng, đối với nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực, không nên áp dụng máy móc các quy định hiện hành mà có thể tạo điều kiện, kéo dài thời gian giữ chức vụ không chỉ bằng mà còn hơn so với nam giới; cần có chế tài mạnh hơn, nghiêm túc, quyết liệt hơn trong thực hiện các chỉ tiêu về bình đẳng giới…

Với khá nhiều ý kiến tham luận, thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng vẽ nên một bức tranh tương đối tổng thể về thực trạng phụ nữ tham chính ở Việt Nam hiện nay, qua đó đưa ra các khuyến nghị, giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào quá trình lãnh đạo và ra quyết định. Sự phối hợp với CEPEW và ActionAid tổ chức hội thảo cũng nhằm phát huy hơn nữa vai trò, chức năng đại diện cho quyền làm chủ của các tầng lớp phụ nữ của Hội LHPN Việt Nam theo luật định trong tình hình mới, điều kiện mới; khẳng định vai trò nòng cốt của Hội trong thiết lập mạng lưới, kết nối các tổ chức, cá nhân hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới.

                            Theo: http://www.hoilhpn.org.vn