Dự án được thực hiện bởi sự hợp tác giữa Trung tâm Giáo dục Không Chính quy và Phát triển Cộng đồng (CENEV), Trung tâm Thúc đẩy Giáo dục và Nâng cao Năng lực của Phụ nữ (CEPEW) và Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phúc cùng sự tài trợ của Quỹ Sáng kiến Địa phương, Đại sứ quán Canada tại Hà Nội.
Khu Công nghiệp Khai Quang rất phát triển đã thu hút nhiều lao động tỉnh Vĩnh Phúc và một số tỉnh khác như Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái…..đến làm việc. Phần lớn lao động ở đây còn trẻ, từ 18 – 30 tuổi, chiếm tỷ lệ 70%, trong đó phụ nữ chiếm trên 65%. Đa số họ trình độ còn hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật về quyền của người lao động để có thể tự bảo vệ mình, thiếu kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc giáo dục con cái, thiếu hiểu biết về hôn nhân, gia đình. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sống thử, mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai trong một bộ phận lao động di cư.
Từ thực tế trên, dự án “Thúc đẩy thực thi quyền chăm sóc sức khỏe sinh sản và bình đẳng giới của lao động nữ” triển khai đa dạng hóa các hoạt động như trao đổi nhóm, diễn đàn mở, hỏi – đáp, tiểu phẩm, clip, và một số ấn phẩm truyền thông để chuyển tải thông tin đến các lao động trẻ. 580 lao động nữ và một số nam giới đã được nâng cao kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và bình đẳng giới trong lao động việc làm. Những hoạt động này đã gắn kết người lao động với các hoạt động ở cộng đồng, giúp họ ý thức hơn về quyền của mình và tự tin trong giao tiếp, ra quyết định khi nào kết hôn, khi nào sinh con và biết cách phòng tránh bạo lực tình dục. Vai trò và tiếng nói của phụ nữ trong gia đình và cộng đồng được cải thiện và cũng chính là chìa khóa để nâng cao quyền năng của phụ nữ, cải thiện chất lượng .cuộc sống của lao động nữ và gia đình. Từ đó, phát huy được vai trò của phụ nữ đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp, sự phát triển của địa phương.