Đời sống, nghề nghiệp, việc làm của Phụ nữ khuyết tật

Theo điều tra của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có khoảng 15,3% người khuyết tật, trong số đó, nhóm phụ nữ khuyết tật chiếm một tỷ lệ khá lớn và cao hơn nam (16,58% so với 13,69%). Lý do được đưa ra là nhóm dân số nữ cao tuổi chiếm tỷ trọng cao hơn nhiều so với nhóm dân số cao tuổi là nam giới. Tại TP. Hồ Chí Minh hiện nay có 37.680 người khuyết tật, trong đó có 14.990 phụ nữ, chiếm tỉ lệ 39,78% và chỉ có gần 10% phụ nữ khuyết tật đang sống trong các trung tâm của Nhà nước và cơ sở dân lập từ thiện, còn hơn 90% đang sống tại các hộ gia đình.

Trong điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay của Việt Nam, đời sống của nhóm phụ nữ khuyết tật gặp nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn hàng đầu phải kể đến là khó khăn trong việc đào tạo nghề, trong cơ hội việc làm và kéo theo nó là hàng loạt các khó khăn khác như điều kiện vật chất, đời sống văn hóa, tinh thần, sức khỏe… đặc biệt là nhóm phụ nữ khuyết tật ở khu vực nông thôn. Thống kê cho thấy, tỷ lệ người khuyết tật ở khu vực nông thôn là 14,4%…. Đa số họ có trình độ học vấn thấp, phần lớn chưa qua đào tạo nghề, đây chính là những rào cản lớn nhất trong việc hòa nhập đời sống xã hội của nhóm người khuyết tật nói chung và nhóm phụ nữ khuyết tật nói riêng.

Chính sách của Nhà nước luôn quan tâm đến các nhóm yếu thế trong xã hội, trong đó có nhóm người khuyết tật. Đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006-2010 đã được thực hiện, và Luật Người khuyết tật đã được ban hành ngày 17 tháng 6 năm 2010, có hiệu lực ngày 1/1/2011 nhằm kêu gọi xã hội hóa công tác bảo vệ quyền của người khuyết tật, giúp họ hướng đến một xã hội không rào cản, tham gia vào các chương trình xã hội cấp cộng đồng. Tuy nhiên, thực tiễn xã hội với nhiều khó khăn, thách thức từ phía các cơ quan chức năng cũng như các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương, đề án trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006-2010 đã thu được nhiều kết quả, nhưng trên thực tế người khuyết tật vẫn chưa được quan tâm đầy đủ và đúng mức, các chỉ tiêu của đề án đưa ra còn chưa thực hiện được. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, các qui định pháp luật liên quan đến chính sách đối với người khuyết tật còn thiếu và chưa đồng bộ, không cụ thể và chưa chú trọng nghiên cứu đề ra các biện pháp hiệu quả trong khâu tổ chức thực hiện. Người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các công trình công cộng. Nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn chưa được hưởng chính sách trợ cấp, trợ giúp mặc dù có đủ điều kiện theo qui định. Sự tham gia của người khuyết tật vào các chương trình xã hội cấp cộng đồng còn hạn chế. Vấn đề tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhóm người khuyết tật vẫn còn là một bài toán vô cùng khó của hệ thống an sinh xã hội Việt Nam, nhất là trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế như hiện nay. Đối với nhóm phụ nữ khuyết tật, bài toán càng trở nên nan giải hơn bởi những rào cản về mặt xã hội, sự kỳ thị của cộng đồng, vấn đề bất bình đẳng giới… ngoài ra còn có cả sự thờ ơ, ghẻ lạnh của gia đình và chính sự tự ti của bản thân phụ nữ khuyết tật. Trong các cuộc khảo sát về vấn đề hôn nhân của nhóm phụ nữ bị khuyết tật, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, “Ở Việt Nam hiện có hơn 5,1 triệu người khuyết tật, chiếm 6,4% tổng dân số, trong đó phụ nữ khuyết tật chiếm 36,5%. Khoảng 50% trong số họ đang ở độ tuổi kết hôn. Theo lẽ tự nhiên, họ cũng có những mong muốn về tình yêu, hạnh phúc gia đình nhưng chỉ 7% trong số họ tìm được “một nửa” của mình (Bảo Châu)[1]

Cho đến nay, mặc dù đã có một số nghiên cứu về người khuyết tật, nhưng phạm vi, mức độ điều tra chưa chuyên sâu, chưa phản ánh đầy đủ đời sống của người khuyết tật. Đặc biệt, chưa tập trung vào nhóm phụ nữ khuyết tật để đưa ra các thông tin về điều kiện sống, việc làm, đào tạo nghề, thu nhập, sức khỏe… cũng như những thuận lợi và khó khăn liên quan đến rào cản cá nhân và xã hội để có thể đưa ra được các giải pháp sát thực hỗ trợ phụ nữ khuyết tật tham gia nhiều hơn vào các hoạt động cộng đồng, có việc làm, có thu nhập ổn định, giảm bớt khó khăn trong đời sống và hướng đến một xã hội hòa nhập, đảm bảo quyền của người khuyết tật.

Chính vì lý do trên, một cuộc “Điều tra cơ bản thực trạng và phương hướng hỗ trợ phụ nữ khuyết tật trong đào tạo nghề, việc làm và chăm sóc sức khỏe” rất cần thiết được tiến hành.

Nghiên cứu thực trạng và phương hướng hỗ trợ phụ nữ khuyết tật trong đào tạo nghề, việc làm và chăm sóc sức khỏe, chúng tôi hướng đến mụ đích cung cấp cho các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, cộng đồng địa phương một hệ thống dữ liệu tương đối toàn diện về thực trạng nghề nghiệp, việc làm và sức khỏe của phụ nữ khuyết tật. Trên cơ sở kết quả điều tra thực tiễn đề xuất phương hướng hỗ trợ cho phụ nữ khuyết tật trên các lĩnh vực lao động việc làm, đào tạo nghề và chăm sóc sức khỏe, từ đó giúp đỡ họ hòa nhập cộng đồng, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, nâng cao vị thế và phát triển.

Để đạt được các mục đích trên đây, trong nghiên cứu này, chúng tôi đặt ra một số nhiệm vụ:

1  Xây dựng bộ số liệu cơ bản về thực trạng nghề nghiệp, đào tạo nghề, việc làm và sức khỏe của nhóm phụ nữ khuyết tật.

2. Tổng hợp và phân tích các chính sách, luật pháp liên quan đến người khuyết tật và phụ nữ khuyết tật nhằm thúc đẩy có hiệu quả chương trình xã hội hóa công tác chăm sóc và bảo vệ quyền của người khuyết tật và phụ nữ khuyết tật.

3. Tìm hiểu thực trạng đời sống, nghề nghiệp, việc làm, sức khỏe và chăm sóc sức khỏe của phụ nữ khuyết tật.

4. Trên cơ sở kết quả điều tra thực tiễn đề xuất một số giải pháp đối với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cộng đồng địa phương nhằm thúc đẩy chương trình xã hội hóa công tác hỗ trợ phụ nữ khuyết tật trong đào tạo nghề, việc làm, chăm sócsức khỏe. Đồng thời, đưa ra các khuyến nghị góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách theo hướng hỗ trợ để những phụ nữ khuyết tật hòa nhập cộng đồng và phát triển.

Kết quả nghiên cứu được trình bày ở đây dựa trên một nguồn dữ liệu tương đối phong phú được thu thập bằng nhiều phương pháp khác nhau: phương pháp nghiên cứu tài liệu, phương pháp chuyên gia, phương pháp điều tra bằng bảng hỏi cá nhân, phương pháp phỏng vấn sâu, phương pháp thảo luận nhóm tập trung và phương pháp thống kê toán học.

Khảo sát thực tiễn của chúng tôi được tiến hành tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Thừa Thiên – Huế và Tây Ninh với các khách thể chính là phụ nữ khuyết tật, những người sống cùng phụ nữ khuyết tật, các nhà hoạch định chính sách và những người thực thi chính sáchđối với phụ nữ khuyết tật. Phụ nữ khuyết tật ở ba địa bàn khảo sát chủ yếu phân bố khá đều ở 3 nhóm tuổi từ 25 trở xuống và 25-40 và trên 40 tuổi. Những phụ nữ khuyết tật này không thực sự may mắn trong hôn nhân, đa số họ (chiếm 64,9%) chưa lập gia đình. 20,2% thuộc diện chung sống không kết hôn, những người khác thuộc diện ly hôn, ly thân, góa hoặc làm mẹ đơn thân.

Phụ nữ khuyết tật tham gia khảo sát chủ yếu có trình độ tiểu học (31,2%) và trung học cơ sở ( 37,8%) và có đến 22,4% không được đến trường. Số học lên đến phổ thông trung học chỉ chiếm có 8,6%. 95% số phụ nữ khuyết tật được hỏi không có trình độ chuyên môn, số ít ỏi còn lại học sơ cấp hoặc trung cấp.

Đa phần phụ nữ khuyết tật thuộc diện khuyết tật vận động (57,4%); khuyết tật về khả năng học tập (14,7%), khuyết tật về ngôn ngữ (9,7%) và các dạng khuyết tật khác như khuyết tật thị giác, thính giác, động kinh, dao động từ 4,2% đến 7,3%.

Các số liệu được trình bày tại đây là kết quả thu được từ cuộc điều tra thực tiễn được tiến hành tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Thừa Thiên – Huế và Tây Ninh vào năm 2012.

Thực trạng đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ khuyết tật hiện nay

Ngày nay, đất nước đang bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, đời sông nhân dân ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số bộ phận nhân dân, trong đó có phụ nữ khuyết tật phải chịu những thiệt thòi và gặp nhiều khó khăn trong đời sống. Phụ nữ khuyết tật là những người chịu thiệt thòi, khiếm khuyết về thể chất do bẩm sinh, do di chứng chiến tranh, do tai nạn hoặc do môi trường… Vậy đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ khuyết tật hiện nay ra sao và làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Đó thực sự là vấn đề cần được sự quan tâm của toàn xã hội.

Dưới đây là bức tranh về đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ khuyết tật thông qua khảo sát của chúng tôi ở ba tỉnh: Thái Nguyên, Thừa Thiên – Huế và Tây Ninh.

Đời sống vật chất của phụ nữ khuyết tật

Đánh giá đời sống vật chất của phụ nữ khuyết tật trong nghiên cứu này được chúng tôi tìm hiểu thông qua một số tiêu chí như nhà ở và công trình phụ, các phương tiện sinh hoạt và mức sống.

Nhà ở và công trình phụ của phụ nữ khuyết tật

Xét về khía cạnh vật chất, nhà ở là nơi chốn nương thân, ăn nghỉ của mỗi người. Nơi đó đảm bảo an toàn cho con người trước sự thay đổi của thời tiết và môi trường sống. Về khía cạnh tinh thần, nhà ở chính là nơi bình yên nhất của mỗi người sau những giờ mưu sinh ngoài xã hội. Người Việt Nam có câu: “an cư, lạc nghiệp” chính là vì những lý do đó. Đối với người khuyết tật nói chung và phụ nữ khuyết tật nói riêng, nhà ở càng có vai trò quan trọng. Do đặc điểm khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần, phần lớn thời gian của họ đều ở nhà nên nhà ở chính là nơi đảm bảo an toàn nhất cho phụ nữ khuyết tật.

Theo kết quả khảo sát, phụ nữ khuyết tật chủ yếu sống trong những ngôi nhà riêng bán kiên cố hoặc nhà cấp 4 (với tỷ lệ phần trăm tương ứng là 29,2% và 29%). Số phụ nữ sống trong những ngôi nhà kiên cố, hay những ngôi nhà hiện đại như chung cư cao tầng rất ít (0,7%). Trong số đó có một điều đáng mừng là hiện nay rất ít phụ nữ khuyết tật phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ như lều, lán (0,3%). Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chỉ duy nhất ở Thái Nguyên có một số ít phụ nữ khuyết tật được sống ở những chung cư cao tầng. Điều này cho thấy sự vượt hơn về điều kiện sống của phụ nữ khuyết tật ở Thái Nguyên so với các tỉnh Tây Ninh và Thừa Thiên Huế.

Công trình phụ riêng nhưng không khép kín chiếm đa số trong các loại công trình phụ của gia đình phụ nữ khuyết tật (47,0%), tiếp theo là công trình phụ khép kín (40,2%), điều này thể hiện mức sống của gia đình phụ nữ khuyết tật cũng đã được nâng cao.

Tây Ninh là tỉnh có tỷ lệ hộ gia đình phụ nữ khuyết tật không có công trình phụ nhiều hơn cả so với THừa Thiên – Huế và Thái Nguyên cao nhất (19,9% so với 3,4% và 1,1%). Công trình phụ khép kín chiếm đa số ở Huế (56,3%), trong khi đó tỷ lệ công trình phụ riêng nhưng không khép kín cao nhất ở Thái Nguyên (66,8%).

Do đặc điểm cơ thể phụ nữ và đặc điểm khuyết tật, tỷ lệ công trình phụ khép kín cao tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ khuyết tật trong sinh hoạt nhiều hơn so với công trình phụ riêng nhưng không khép kín.

Về các phương tiện sinh hoạt của phụ nữ khuyết tật

Nhìn chung, phụ nữ khuyết tật có các loại đồ dùng thiết yếu trong gia đình như: nồi cơm điện, ti vi màu, xe máy, xe đạp (với tỷ lệ phần trăm tương ứng là 75,3%; 73,3%; 64,5%; 63,8%). Trong bối cảnh xã hội phát triển như hiện nay, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, con người ngày càng có nhiều cơ hội và được tiếp xúc với những đồ dùng sinh hoạt mới, hiện đại, cho nên phụ nữ khuyết tật cũng không nằm ngoài cơ hội đó. Những vật dụng như: lò vi sóng, điều hòa nhiệt độ, bình nóng lạnh, máy giặt, tủ lạnh, … (với tỷ lệ phần trăm lần lượt là 1,1%; 1,8%; 7,2%; 7,8%; 28,4%), dường như là những phương tiện sinh hoạt “xa xỉ” trong đời sống của phụ nữ khuyết tật. Đây thực sự là một sự thiệt thòi lớn đối với họ.

Về mức sống của phụ nữ khuyết tật

Hầu hết phụ nữ khuyết tật tại ba địa bàn khảo sát khẳng định rằng, mức sống của họ ở diện trung bình và nghèo. 45,1%  phụ nữ khuyết tật tự đánh giá mức sống của mình là trung bình, số ít hơn đánh giá mức sống của gia đình là nghèo (44,1%), chỉ có 1,0% cho rằng mình giàu có.

Trong đó, ở Tây Ninh phụ nữ khuyết tật đánh giá mức sống của mình là nghèo chiếm tỷ lệ cao nhất (65,2%). Đa số phụ nữ khuyết tật ở Huế và Thái Nguyên đánh giá mức sống của mình ơ mức trung bình. Điều này cho thấy sự khác biệt về tốc độ phát triển ở các địa bàn khảo sát có ảnh hưởng đến mức sống của phụ nữ khuyết tật ở các địa phương. Chỉ có một số rất ít phụ nữ khuyết tật đánh giá mức sống của mình ở diện giàu có. Có lẽ đây chỉ là nhìn nhận riêng của những phụ nữ khuyết tật, còn căn cứ vào thực tế thì có thể dễ dàng nhận thấy mức sống của họ thực sự còn thấp kém nhiều so với mặt bằng chung của xã hội hiện nay.

Nhìn chung, đời sống vật chất của phụ nữ khuyết tật ở các địa bàn khảo sát còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của xã hội. Điều này hoàn toàn có căn cứ bởi đa số họ là những người không có khả năng lao động độc lập, phải sống dựa vào người thân, gia đình và trợ cấp xã hội. Chính vì vậy, phấn đấu đảm bảo điều kiện sống vật chất cho phụ nữ khuyết tật để họ hòa nhập cộng đồng là thách thức lớn đối với chúng ta hiện nay.

Đời sống tinh thần của phụ nữ khuyết tật

Tại ba địa bàn khảo sát, kết quả cho thấy, đời sống tinh thần của phụ nữ khuyết tật ở đây còn nhiều hạn chế và có phần đơn điệu. Phụ nữ khuyết tật ít tham gia vào các hoạt động vui chơi, giải trí thông thường như: đọc sách, báo, nghe đài, đi tham quan, du lich… Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó đáng kể là nguyên nhân chủ quan từ sự khiếm khuyết về thể chất của phụ nữ khuyết tật. Xem ti vi và trò chuyện với người thân, bạn bè là những hoạt động được phụ nữ khuyết tật lựa chọn nhiều nhất. Đây là những hoạt động phù hợp và thuận tiện đối với họ.

 Phụ nữ khuyết tật ở Thái Nguyên, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế cũng không có điều kiện và không tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Chính đặc điểm khuyết tật, hoàn cảnh và điều kiện sống còn nhiều khó khăn đã chi phối đến vấn đề này. Từ đó cho thấy, các ban ngành có liên quan và các cấp chính quyền địa phương cần có nhiều chính sách quan tâm hơn nữa đến đời sống tinh thần của phụ nữ khuyết tật.

Đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ khuyết tật ở ba địa bàn khảo sát trên còn nhiều khó khăn, hạn chế. Thiết nghĩ gia đình, người thân, cộng đồng xã hội, chính quyền địa phương và Nhà nước cần có sự quan tâm, trợ giúp nhiều hơn nữa cho phụ nữ khuyết tật trong đời sống vật chất, tinh thần để họ có thể hòa nhập lâu dài, bền vững vào xã hội. Những biện pháp cụ thể và thiết thực để hỗ trợ phụ nữ khuyết tật hiện nay như: đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ tham gia giao thông… Bên cạnh đó, chính bản thân những phụ nữ khuyết tật phải là những người có ý thức, tự chủ, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của mình.


[1]http: //www.phapluatvn.vn/chinhtrixahoi/201105/phu-nu-khuyet-tat-kho-co-tinh-yeu-2051747