/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0in 5.4pt 0in 5.4pt;
mso-para-margin:0in;
mso-para-margin-bottom:.0001pt;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-fareast-font-family:”Times New Roman”;
mso-fareast-theme-font:minor-fareast;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;
mso-bidi-font-family:”Times New Roman”;
mso-bidi-theme-font:minor-bidi;}

Tổng kết gần 5 năm hoạt động Ngôi nhà bình yên đã tiếp nhận và hỗ trợ 160 phụ nữ bị buôn bán trở về và 247 nạn nhân bị bạo lực gia đình. Một kết quả đáng kể nhưng chắc chắn đó mới chỉ là một phần nhỏ những nạn nhân đến được với Ngôi nhà bình yên, còn rất nhiều những phụ nữ và trẻ em gái đang phải tha hương nơi đất khách quê người, phải chịu những đắng cay, tủi nhục mà chưa thể về quê hương và cũng còn rất nhiều những người vợ đã và đang chịu bạo lực gia đình mà chưa có lối thoát cho cuộc đời của mình. Ngôi nhà bình yên đang hướng đến họ – những người phụ nữ bất hạnh rất cần sự giúp đỡ, rất cần một mái nhà.

Hoạt động tập huấn cho cán bộ, nhân viên thuộc Ngôi nhà Bình yên

Dự án Ngôi nhà bình yên mới là mô hình đầu tiên và quy mô vẫn rất khiêm tốn nhưng mục đích, ý nghĩa và tính nhân văn của nó thì vô cùng to lớn. Đến với Ngôi nhà bình yên những nạn nhân bị buôn bán và bạo lực gia đình không chỉ được hỗ trợ về cuộc sống, không chỉ được chăm sóc bằng tình thương mà còn được trang bị các kiến thức về chính sách luật pháp và các kỹ năng sống giúp họ có đủ nghị lực và can đảm để vươn lên trong cuộc sống trở thành những tuyên truyền viên đi đầu trong công tác phòng chống buôn bán người và bạo lực gia đình.

Ý nghĩa và nhân văn hơn cả là Ngôi nhà bình yên đã đón nhận không chỉ những nạn nhân trực tiếp bị buôn bán người và bạo lực gia đình mà tại đây còn có những cháu nhỏ là con của những nạn nhân được theo mẹ đến ở tại Ngôi nhà bình yên. Các cháu chính là đối tượng chịu ảnh hưởng của bạo lực gia đình và hậu quả của việc buôn bán. Có thể nói, bạo lực gia đình không chỉ là vết thương cho những người vợ, người mẹ mà nặng nề hơn là những đứa trẻ trong gia đình đó, chúng là người trực tiếp chứng kiến và bị ám ảnh về hành vi bạo lực của cha mình. Khi đến với Ngôi nhà bình yên, được sống trong sự chăm sóc, yêu thương của rất nhiều người đã giúp các cháu ổn định tâm lý, có thêm niềm tin vào cuộc sống, bớt đi những mặc cảm và xóa mờ dần những ký ức không tốt đẹp của tuổi thơ. Hi vọng chính các cháu sẽ là những nhân tố nòng cốt trong hoạt động chống bạo lực và buôn bán người tại các địa phương.

Cán bộ nhân viên và các nạn nhân sinh hoạt tại Ngôi nhà Bình yên

Bức tranh toàn cảnh và sâu sắc về nội tâm của những phụ nữ, trẻ em gái khi đến Ngôi nhà bình yên đã được đưa ra trước Hội nghị, nó giúp chúng tôi một lần nữa nhìn nhận và thấm thía hơn về số phận của những phụ nữ kém may mắn trong cuộc đời. “Họ là những phụ nữ, những đứa trẻ đã từng bị bán đi, bị bắt làm những công việc mình không muốn và khi được trở về họ trở nên tê liệt” (ông Jean Noel – chuyên gia tâm lý của Ngôi nhà bình yên). Ấn tượng rõ nét nhất ở họ là tâm lý tự ti, mặc cảm, muốn thu mình vào một góc và muốn được “bình yên”, họ không dám hi vọng nữa mà chỉ mong không còn sóng gió trong cuộc đời, họ nhận mình bất lực. Nhiều lúc họ tự tưởng tượng ra cảnh bạo lực, tưởng tượng mình bị hành hạ, tưởng tượng mình bị chà đạp, lăng mạ…để rồi rơi vào khủng hoảng và tuyệt vọng. Đó chính là những nét tâm lý của người tạm trú đã được những Nhân viên xã hội và các chuyên gia tâm lý nhận thấy.

Trong những năm qua, Ngôi nhà bình yên đã cung cấp các dịch vụ như: Nơi ăn ở an toàn, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ y tế; hỗ trợ tâm lý; hỗ trợ pháp lý; tư vấn nghề, học nghề, học văn hóa; nâng cao kỹ năng sống; hoạt động vui chơi giải trí và trị liệu tâm lý cho các nạn nhân.

Tại Ngôi nhà bình yên, nhiều hoạt động hỗ trợ tâm lý đã được tiến hành với sự tham gia của các chuyên gia tâm lý, phân tâm học và các nhân viên xã hội. Các hình thức trị liệu cá nhân và nhóm được tiến hành đã giúp các nạn nhân khi rời Ngôi nhà bình yên đã tìm lại được cuộc sống và hạnh phúc. Họ luôn nhớ về những kỷ niệm khi sống tại Ngôi nhà bình yên, bên cách Cô, các Chị và các nhân viên xã hội tận tâm. Đã có rất nhiều cháu bé được sinh ra tại Ngôi nhà bình yên, được uống sữa và được ngủ trong tiếng ru và vòng tay của các chị là nhân viên xã hội.

Rời Ngôi nhà bình yên để trở về với gia đình, cộng đồng và về với cuộc sống của chính mình, rất nhiều phụ nữ và các em gái đã tìm được công việc, có thu nhập và tự lập, nhiều em gái tìm được một nửa hạnh phúc của mình. Nụ cười lại nở trên môi các chị, các em. Và Ngôi nhà bình yên luôn dõi theo, mong muốn các chị, các em sẽ tìm được niềm vui trong cuộc sống và hòa nhập với cộng đồng xã hội.

Mô hình Ngôi nhà bình yên tuy chỉ mới bắt đầu không lâu nhưng kết quả đạt được, sức lan tỏa và những ý nghĩa nó mang lại thật to lớn. Điều đó cho thấy sự cần thiết có mô hình “Ngôi nhà bình yên” tại các địa phương, để có thể là nơi cho những người phụ nữ, những trẻ em gái không may mắn gặp những bất hạnh trong cuộc đời có thể tìm lại ý nghĩa cuộc sống, tìm lại niềm tin về một xã hội có tình người.

Kết thúc Hội nghị không ít đại biểu ra về trong xúc động, riêng tôi, tôi lại nghĩ đến nghề của mình. Là một giảng viên Công tác xã hội của khoa Công tác phụ nữ, Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương, Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam, tôi phải làm gì để góp một phần vào công tác phòng ngừa, ngăn chặn nạn buôn bán người và bạo lực gia đình? Phải làm gì để hỗ trợ cho những nạn nhân của buôn bán người và bạo lực gia đình? Phải làm gì để những bài giảng của mình trở nên thực tế hơn, gần gũi hơn với đời sống? Thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành vi chính là mục đích của giáo dục. Vậy thì ngay từ những nội dung giảng dạy phải đảm bảo cung cấp được kiến thức, trang bị được kỹ năng sống, kỹ năng ứng phó trước mọi tình huống cho chính học viên là những người em gái, những người phụ nữ.

Trách nhiệm thuộc về mỗi cá nhân, cộng đồng và toàn xã hội hãy chung tay xây dựng nhân rộng Ngôi nhà bình yên. Hơn thế nữa cần phải xây dựng “Xã hội bình yên” không có buôn bán người, không bạo lực…đối với phụ nữ và trẻ em

Thay cho lời kết, tôi xin trích câu nói của bà Lê Thị Thủy, đồng giám đốc dự án “Ngôi nhà bình yên”: “Chúng tôi không mong mở rộng mô hình Ngôi nhà bình yên, cũng không mong thành lập các Ngôi nhà bình yên ở mỗi địa phương vì mong muốn cao hơn của chúng tôi là sẽ không còn những phụ nữ, những đứa trẻ phải đến với Ngôi nhà bình yên. Tuy nhiên, ngày nào còn những phụ nữ, những trẻ em bị buôn bán và bạo lực gia đình thì Ngôi nhà bình yên luôn mở rộng để đón nhận và hỗ trợ họ”.