Tại đây, các đại biểu tham gia hội thảo – Tập huấn đã được nghe đ/c Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Thường trực TW Hội LHPN Việt Nam trình bày những nội dung cơ bản về 4 phẩm chất đạo đức “Tự trọng – Tự tin – Đảm đang – Trung hậu” của phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước; đồng thời cùng nhau trao đổi, thảo luận để đưa ra những suy nghĩ, ý kiến xoay quanh các vấn đề đặt ra đối với những thuận lợi, thách thức của phụ nữ trong việc xây dựng và rèn luyện các phẩm chất đạo đức người phụ nữ hiện đại, đáp ứng yêu cầu phục vụ sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Có thể nói, dù trong thời đại nào, hoàn cảnh nào, ở đâu thì đạo đức luôn là cái gốc làm nên giá trị của một con người. Từ xưa đến nay, phụ nữ Việt Nam luôn thể hiện những phẩm chất đạo đức cao quý như: chung thủy, nghĩa tình, cần cù, đảm đang, nhân hậu, yêu nước, anh hùng… những phẩm chất ấy luôn tỏa sáng, góp phần viết nên những trang sử hào hùng dựng nước, giữ nước của dân tộc.
Trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh CNH-HĐH với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN năng động, phát triển và hội nhập quốc tế đã tạo ra nhiều thuận lợi cho phụ nữ phát triển; phát huy vai trò, tài năng, khẳng định vị thế của họ trong xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một loạt vấn đề về đạo đức cũng đã và đang đặt ra. Sự thay đổi chuẩn mực về giá trị đạo đức; xuống cấp về lối sống, xói mòn về nhân cách ở một số bộ phận người trong đó có phụ nữ như: sự ích kỷ, hẹp hòi; sự thờ ơ, vô cảm; bon chen, thiếu nhân nghĩa; ỉ lại, thụ động; buông thả, tha hóa… đang là những vấn đề nổi cộm, nan giải của toàn xã hội. Trước thực trạng đó, yêu cầu về tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức cho phụ nữ hiện nay là một yêu cầu hết sức cấp thiết.
Triển khai nội dung phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kì CNH – HĐH đất nước, Phó Chủ tịch Thường trực Nguyễn Thị Kim Thúy đã xuất phát từ quan điểm “Giáo dục 1 người đàn ông thì được 1 người đàn ông; Giáo dục 1 người phụ nữ thì được 1 gia đình” để khẳng định vai trò và sự ảnh hưởng to lớn của người phụ nữ trong gia đình. Phó Chủ tịch Hội khẳng định, xây dựng một gia đình tốt tức là tạo ra một tế bào tốt, “khỏe” cho xã hội; nhiều gia đình khỏe thì xã hội sẽ “khỏe”, sẽ phát triển phồn vinh, bền vững. Từ đó, Phó Chủ tịch Hội yêu cầu, toàn thể cán bộ, công chức của cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam với tư cách vừa là người phụ nữ, vừa là người cán bộ Hội cần nhận thức sâu sắc về nội dung “tứ đức” của người phụ nữ Việt Nam hiện đại để tự rèn luyện, trau dồi bản thân; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho người thân trong gia đình, nhân dân nơi cư trú cũng như khi đi công tác thực tế xuống các cơ sở Hội.
Sau khi nghe các nội dung cơ bản về 4 phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH- HĐH đất nước, các đại biểu đã thảo luận nghiêm túc, sôi nổi để cùng nhau đưa ra ý kiến đóng góp về các nội dung chính xoay quanh vấn đề phấn đấu, rèn luyện đạo đức khi là một người phụ nữ trong gia đình, nơi công sở và khi là một cán bộ Hội.
Các ý kiến đưa ra trong hội thảo rất phong phú, đã thẳng thắn nhìn trực diện vào những thuận lợi, đặc biệt là những hạn chế, khó khăn của người phụ nữ để làm sao vẹn toàn “tứ đức” trong khi phải đảm đương gánh nặng “việc nước- việc nhà”. Hơn nữa, với vai trò người cán bộ Hội, họ còn có trách nhiệm đưa các nội dung giáo dục này đến với các hội viên, phụ nữ trong toàn hệ thống Hội và cả nước nhằm góp phần tạo ra những chuyển biến trong nhận thức, hành động của chị em để xã hội ngày càng có nhiều hành vi tốt đẹp, phát huy vai trò to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
Được biết, tính đến nay, ngoài 2 lớp trên, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã mở 6 lớp tập huấn – hội thảo về “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước” cho đại diện Hội LHPN các tỉnh thành và các đơn vị trực thuộc .Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương luôn tích cực tham gia các hoạt động, các lớp tập huấn theo chủ trương chỉ đạo của TW Hội.
Theo Nguồn: http://hoilhpn.org.vn