Phụ nữ nói chung và phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay không chỉ biết đến việc gia đình, sinh con đẻ cái, mà trong điều kiện lịch sử kinh tế nước ta, chị em luôn luôn làm tròn nhiệm vụ của người lao động chân chính, người vợ, người mẹ, người nội trợ trong gia đình, chăm sóc con cái, người già và trong thời chiến họ đã làm tròn nhiệm vụ của người dân yêu nước, người nữ chiến sĩ.

          Trong xu thế hội nhập và phát triển, phụ nữ tiếp tục phát huy và khẳng định vai trò to lớn của mình đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Một khi nền kinh tế càng phát triển thì phụ nữ càng có nhiều cơ hội tham gia vào quá trình biến đổi cách mạng và sâu sắc, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào quá trình biến đổi đó.

          Ở Việt Nam, phụ nữ và trẻ em gái được tạo điều kiện bình đẳng với nam giới trong nâng cao trình độ học vấn. Tỷ lệ phụ nữ so với nam giới trong số người biết chữ đã tăng lên đáng kể. Chênh lệch về học sinh nam – nữ trong tất cả các cấp học được thu hẹp lại. Không ít nữ sinh vẫn đạt được giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế. Tổng số nữ trí thức có những công trình khoa học có giá trị, có ý nghĩa lớn trong xử lý các bài toán kinh tế và công nghệ. Có nhiều nữ đã đạt được học hàm, học vị cao: Nữ Giáo sư chiếm tỷ lệ 3,5%, Phó Giáo sư chiếm tỷ lệ 5,9%, Tiến sĩ chiếm 12,6%, Tiến sĩ khoa học chiếm 5,1%. Có 19 Anh hùng lao động và nhiều phụ nữ đạt các giải thưởng danh giá như danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, v.v… Cũng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, từng có và đang có nữ là Bộ trưởng và Thứ trưởng, nhiều cán bộ là phụ nữ giữ vai trò chủ chốt trong quản lý: cấp Vụ, Viện, Sở, phòng, ban, Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng của các trường đại học, Viện trưởng và Phó Viện trưởng của các Viện và Học viện. Tính đến thời điểm này có 11 nữ nhà giáo được phong danh hiệu nhà giáo nhân dân, 1011 nữ nhà giáo được phong tặng nhà giáo ưu tú và có 50 % nữ đại học, cao đẳng.

           Phụ nữ nói chung và phụ nữ làm việc trong lĩnh vực giáo dục nói riêng thường một lúc phải làm tròn nhiều bổn phận, trách nhiệm. Bằng trình độ, tâm huyết và khát vọng vươn lên, chị em đã phấn đấu để "giỏi việc trường, đảm việc nhà", hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và là người vợ, người mẹ mẫu mực, giữ lửa cho mái ấm gia đình. Phong cách sống, làm việc, giao tiếp của cô giáo sẽ được học sinh sinh viên học tập và noi theo. Do đó, đánh giá đúng vai trò của giảng viên nữ đối với công tác giáo dục là việc làm quan trọng giúp thay đổi nhận thức và hành vi của học sinh sinh viên trong quá trình học tập tại nhà trường cũng như trong quá trình công tác sau này. 

          Khác với cán bộ, giảng viên là nam giới, nữ cán bộ giangr viên khi tham gia công tác giáo dục có lợi thế hơn ở chỗ là họ vừa có thể truyền đạt kiến thức với thái độ nghiêm khắc, vừa mềm dẻo, linh hoạt dễ đi vào lòng người hơn.

          Để “Giỏi việc trường”, đòi hỏi nữ cán bộ giảng viên luôn phải cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; tự mình nghiên cứu và tích cực trong học tập nâng cao trình độ để chủ động, tự tin trong giảng dạy; không ngừng nâng cao trình độ khoa học, tinh thần và ý thức trách nhiệm trong hoạt động nghiên cứu khoa học, một trong hai nhiệm vụ quan trọng của giảng viên đại học, cao đẳng.  

          Bên cạnh đó, để theo kịp đà phát triển chung, nữ giảng viên còn phải luôn nâng cao trình độ chuyên môn như ngoại ngữ, công nghệ thông tin, trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước… Với những giảng viên tham gia các công việc khác như quản lý về chính quyền hoặc chuyên môn, làm công tác Đảng, đoàn thể… thời gian dành cho giảng dạy, nghiên cứu thường ít, nên phải phải biết sắp đặt, ưu tiên công việc thì mới bảo đảm được sức khỏe và hoàn thành tốt được tất cả những khối lượng công việc được giao.  

          Trên mọi lĩnh vực và cương vị công tác, nữ trí thức luôn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ, bằng sự kiên trì, chịu khó, với bản tính cẩn thận và cách làm việc khoa học, sẽ là nguồn lực giúp nắm bắt được những thông tin kịp thời, chính xác để ra những quyết định quản lí hiệu quả. Phải luôn khiêm tốn học hỏi, giữ vững phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, chân tình với đồng nghiệp và bạn bè, chia sẻ và quan tâm đến đời sống của các cán bộ nhân viên. Kinh nghiệm thành công là trong mọi công việc luôn đặt chữ Tâm lên hàng đầu.

          Tuy nhiên, thực tế là phụ nữ vẫn đang phải chịu nhiều thiệt thòi. Đó là: cơ hội việc làm rất hạn chế do ít được đào tạo. Tỷ lệ lao động nữ chưa qua đào tạo là 80,9%, khu vực nông thôn là gần 90%, chỉ có 3,65% lao động nữ ở vùng nông thôn có chứng chỉ nghề. Thu nhập thực tế của nữ chỉ bằng gần 80% so với thu nhập của nam giới. Có sự chênh lệch lớn về trình độ học vấn của phụ nữ so với nam giới ở bậc học cao. Tỉ lệ nữ tiến sỹ, nữ giáo sư, phó giáo sư còn rất thấp. Cơ hội tiếp cận giáo dục, học tập của trẻ em gái, phụ nữ nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số còn hạn chế, chuyên viên cao cấp, nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp.

          Tình hình trên có nguyên nhân do nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của phụ nữ; hệ thống chính sách chưa hoàn thiện, còn thiếu nhạy cảm giới, một số chính sách chưa được quan tâm thực hiện. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chưa chủ động tham mưu đề xuất và thực hiện chức năng đại diện quyền dân chủ và bình đẳng của phụ nữ; một bộ phận nữ còn tự ti, thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện.

           Trước hết là về định kiến giới, mặc dù việc thực hiện chính sách “bình đẳng giới” của Việt Nam được thế giới đánh giá cao, nhưng quan niệm về phân biệt giới vẫn còn ảnh hưởng ở một bộ phận các tầng lớp xã hội.  Việc “trọng nam, khinh nữ” không chỉ có ở các vùng nông thôn mà cả ở đô thị, không chỉ trong dân thường mà cả trong cán bộ, kể cả một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, những người có trình độ học vấn, địa vị cao. Điều này gây hạn chế đối với việc nhìn nhận, đánh giá, đào tạo, sử dụng đội ngũ trí thức nữ.  Mặt khác, chính ảnh hưởng của tư tưởng coi thường phụ nữ trong xã hội đã khiến cho nhiều phụ nữ mặc cảm, tự ti về năng lực của chính mình. Điều này dẫn đến tâm lý an phận, ít nỗ lực phấn đấu và không còn hăng hái tham gia các hoạt động chuyên môn.

          Những chính sách về phụ nữ vẫn còn những điều bất cập. Chẳng hạn, vấn đề tuổi nghỉ hưu của nữ trí thức trong Luật Lao động là 55 trong khi nam giới là 60 tuổi đã gây nhiều tranh cãi. Điều luật này đã ảnh hưởng đến thời gian đào tạo và đề bạt của phụ nữ. Nhiều trường đại học, viện nghiên cứu đã phải thực hiện Quy chế là phụ nữ phải giỏi hơn nam giới để được đào tạo và đề bạt trước nam giới 5 năm trong khi họ phải dành 10 năm tuổi trẻ để sinh đẻ và nuôi con nhỏ. Nghịch lý này đã khiến hầu hết các nữ trí thức trẻ phải bảo vệ luân văn, luận án với cái thai trong bụng hoặc đang nuôi con nhỏ mà không được hưởng một chế độ đặc biệt nào. Nghịch lý này cũng buộc các nữ trí thức đã phải về hưu khi đang ở độ tuổi cống hiến có hiệu quả.

          Bên cạnh đó, vai trò và trách nhiệm kép (gia đình và xã hội) cũng trở thành gánh nặng trong sự nghiệp phát triển của trí thức nữ.  Người phụ nữ không chỉ đóng vai trò là công dân trong xã hội mà còn là người vợ, người mẹ trong gia đình.  Gánh nặng gia đình bao giờ cũng dồn lên vai của người phụ nữ, phần lớn quỹ thời gian bị phân tán vào công việc nội trợ, quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái … Trách nhiệm nặng nề với gia đình đã khiến một số chị đành phải gạt bỏ công việc sang một bên, chịu tụt hậu so với các đồng nghiệp nam. Nhiều kết quả nghiên cứu về giới cho thấy, đối với những nữ trí thức trẻ, khó khăn càng nhiều hơn khi có con nhỏ. Chính vì vậy, nhiều phụ nữ bị quá tải về sức lực, thiếu thời gian nghỉ ngơi, trau dồi kiến thức, cập nhật thông tin, ít có điều kiện tiếp cận với những cơ hội để phát triển bản thân.

          Trong các cuộc điều tra xã hội học, khi phải chọn lựa giữa hai giá trị gia đình và công việc, phụ nữ thường chọn gia đình. Khác với nam giới, phần lớn phụ nữ cho rằng đạt được thành tích hoặc chức vụ lãnh đạo cũng tốt, không được cũng không sao, nhưng chăm sóc một gia đình êm ấm là trách nhiệm của họ. Yếu tố giới, đặc thù giới ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò và nhận thức của phụ nữ nói chung và nữ trí thức nói riêng. Vì lẽ đó, hầu hết nữ trí thức đã phải trăn trở trước câu hỏi lớn của đời mình : sự nghiệp hay gia đình ? trong khi nam trí thức có thể thanh thản cống hiến cho sự nghiệp của mình với một niềm tự hào chính đáng và một hậu phương vững mạnh sau lưng. Trên thực tế đã có những bi kịch gia đình khi nữ trí thức đam mê với công việc. Cái giá phải trả để “vẹn cả đôi đường” khiến nữ trí thức phải cố gắng gấp bội so với nam trí thức.

           Phụ nữ trí thức phải chịu quá trình đào tạo đứt đoạn trong khi nam giới có quá trình đào tạo liên tục. Tình trạng này đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển trí tuệ, thể lực và khả năng sáng tạo của nữ trí thức. Thậm chí có một số nữ thanh niên do tích cực học đến khi đạt được bằng cấp cao thì lại vướng phải một khó khăn là khó lấy chồng do quan niệm của hầu hết nam giới là không muốn lấy vợ có học thức cao hơn mình.

            Tính cách và phẩm chất giới (kiên nhẫn, khiêm tốn, vị tha) là những thuận lợi cho sự hình thành và biểu lộ tri thức của phụ nữ. Tham gia vào khoa học vừa là dịp thử thách năng lực, phẩm chất của phụ nữ, vừa là cơ hội tốt cho sự phát triển và tiến bộ của phụ nữ. Tuy nhiên, tư duy khái quát, hệ thống, tính duy lý, sự kiên nhẫn tìm tòi trong khoa học ở phụ nữ thường mâu thuẫn với xúc cảm, sự lo lắng, quan tâm đến các việc nhỏ nhặt, phân tán. So với nam giới, phụ nữ thường ít tính quyết đoán mạnh mẽ trong một số trường hợp. Điều này cũng cản trở phụ nữ trong công việc.

            Phụ nữ ít điều kiện giao tiếp như nam giới. Điều này làm hạn chế họ trong việc thu thập những thông tin cần thiết cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, quản lý và ứng xử.

            Mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, muốn có một xã hội phát triển bền vững thì chúng ta phải giữ gìn được những gia đình bền vững. Có thể nói, những thành tích trong công việc ở trường đã phần nào phản ánh sự đảm đang trong công việc gia đình, và ngược lại, chính sự ổn định, sự hạnh phúc trong gia đình đã tiếp thêm sức lực để hoàn thành công việc ở trường. Chúng tôi luôn quan niệm rằng: “Một phụ nữ chỉ được xem là thành đạt khi họ thành công trong công việc và có một gia đình hạnh phúc.”

           Trên đây là một số vấn đề chính yếu về đội ngũ nữ trí thức, những người làm công tác giáo dục ở Việt Nam. Hy vọng là qua cuộc Hội thảo này, chúng ta sẽ tìm được các giải pháp hữu hiệu và công bằng hơn cho nữ trí thức để họ vừa có thể đóng góp cao nhất cho đất nước và gia đình vừa phát triển được cá nhân trong sự phát triển chung của dân tộc. Chúng tôi rất mong được sự đóng góp ý kiến và cùng đưa ra những giải pháp hữu hiệu để nâng cao hơn nữa vai trò của đội ngũ nữ trí thức. Đặc biệt chúng tôi tha thiết mong được sự đóng góp ý kiến của những đồng nghiệp nam, những người chồng, những chỗ dựa vững chắc của chị em phụ nữ chúng tôi. Rất mong được sự chia sẻ của quý vị.

          Cuối cùng chúng tôi muốn nhấn mạnh: Thật khó có thể kể hết những gì mà phụ nữ đóng góp cho gia đình và xã hội. Chúng ta có thể chắc chắn rằng thế giới sẽ không thể tồn tại dù chỉ một ngày nếu thiếu phụ nữ. Chúng ta luôn cảm thấy tự tin hơn khi biết bên cạnh chúng ta luôn có những người bà, người mẹ tận tâm, những người vợ thuỷ chung và các nữ đồng nghiệp thông minh, lanh lợi, xinh đẹp.

                                Theo: http://ckq.edu.vn