Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), một trong những nguyên nhân khiến châu Á khó hòa nhịp với kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng là do chưa khai thác hết tiềm năng của lao động, trong đó có lao động nữ. Nhiều nhà tuyển dụng vẫn có tâm lý lo ngại về chất lượng làm việc của lao động nữ nên chưa quan tâm thích đáng và thậm chí, ở nhiều nơi, giới chủ không tuyển dụng lao động nữ.
Báo cáo "Phụ nữ và các thị trường lao động ở châu Á: Tái cân bằng hướng tới bình đẳng giới" của ILO cho thấy, tại một số nước đang phát triển, đặc biệt là ở Đông Á, tăng trưởng về việc làm đang phục hồi, nhưng vẫn tồn tại những nghi ngại về chất lượng việc làm. Thống kê cho thấy có tới 45% lao động nữ ở châu Á chưa được khai thác. Trong khi đó, ở lao động nam, tỷ lệ này chỉ là 19%. Ủy ban Liên hợp quốc về Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á- Thái Bình Dương cũng đưa ra dự báo, châu Á có thể mất từ 42 đến 47 tỷ USD mỗi năm do hạn chế để phụ nữ tiếp cận với việc làm; mất thêm 16 đến 30 tỷ USD mỗi năm do bất bình đẳng giới trong giáo dục. Dẫn chứng thêm, ủy ban nhận định: mặc dù tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á đạt khoảng 6,2%, cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình toàn cầu khoảng 2% nhưng tăng trưởng trung bình đối với việc làm cho phụ nữ chỉ đạt 1,75%, trong khi đó mức trung bình thế giới là 2%.
Các chuyên gia về lao động của ILO cho rằng, mức thâm hụt này dường như tăng lên trong thời kỳ khủng hoảng do phụ nữ phải gánh chịu thiệt thòi từ sự bất bình đẳng giới dẫn đến phân biệt đối xử tại các thị trường lao động trong khu vực. Hay nói cách khác, thị trường lao động vẫn đang được phân loại theo giới tính. Mức thu nhập của lao động nữ được trả thấp hơn lao động nam trong cùng một công việc. Lao động nam cũng dễ kiếm việc làm hơn lao động nữ. Nhìn nhận về vấn đề này tại Việt Nam, ông Vũ Quang Thành, Phó phòng Thị trường lao động của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội, cho rằng: thực tế các doanh nghiệp tuyển dụng trong thời gian gần đây không quá phân biệt giữa lao động nam và lao động nữ. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp có xu hướng tuyển lao động nữ nhiều hơn. Đánh giá một cách khách quan, lao động nữ có độ cần cù cũng như sự chịu đựng dẻo dai hơn lao động nam, lao động nữ có tính kỷ luật cao hơn. Song, có một sự phân biệt khác đó là mức lương của lao động nữ thường thấp hơn lao động nam.
Thực tế, phần lớn lao động nam có thể chịu đựng môi trường làm việc nặng nhọc nhưng không chịu làm việc ở những nơi có mức lương quá thấp. Chính vì vậy, lao động nữ thường là đối tượng nhắm đến của những nhà tuyển dụng muốn có chi phí nhân công thấp. Đây là nguyên nhân khiến lao động nữ dễ rơi vào tình trạng bị bóc lột sức lao động và dễ bị tổn thương. Một thực tế khác là có những lao động nữ có trình độ, tay nghề tương đương với lao động nam song vẫn không được tuyển dụng. Bởi vậy, với đội ngũ lao động nông nghiệp, thời gian rảnh rỗi của lao động nữ là rất lớn song họ không thể tìm kiếm được việc làm thêm. Theo các chuyên gia lao động, điều cần thiết hiện nay là phải tạo ra nhiều việc làm ổn định, đồng thời tạo việc làm thêm như phát triển nghề phụ, phát triển làng nghề hoặc những nghề mới phù hợp với độ khéo léo, cần cù của lao động nữ.
Theo Nguồn: http://www.molisa.gov.vn