Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (thứ 4 trái ảnh sang) cùng các nữ Đại biểu Quốc hội khóa XIV

Thúc đẩy phụ nữ tham gia chính trường

Việt Nam nỗ lực hoàn thiện khung pháp luật về bình đẳng giới (BĐG), xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật thể hiện các nguyên tắc về bình đẳng giới, đảm bảo quyền con người, không phân biệt đối xử và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ. Đến nay, đã có 40/111 Luật, Pháp lệnh có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới được các cơ quan chủ trì soạn thảo nghiêm túc tiến hành lồng ghép giới theo quy định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu nữ Quốc hội khoá XIV

Thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý và đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở tất cả các cấp vẫn là một nội dung trọng tâm từ việc hoàn thiện văn bản pháp luật và chính sách đến việc chỉ đạo sát sao của lãnh đạo trung ương và địa phương trong tổ chức thực hiện. Lần đầu tiên, Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội. Tỷ lệ nữ tham gia Bộ Chính trị tăng từ 12% (năm 2012) lên hơn 17% (năm 2016). Tỷ lệ nữ trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII là 20/200 uỷ viên, đạt 10% (tăng 1% so với khóa XI). Tính đến tháng 6/2019, Việt Nam có 1 nữ Phó Chủ tịch nước; 1/22 nữ Bộ trưởng; 14/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ lãnh đạo chủ chốt. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2021 là 27,06%, tăng 2,54% so với nhiệm kỳ 2011-2016; cao hơn mức trung bình của toàn cầu (23,4%) và của châu Á (18,6%).

Khẳng định vai trò của nữ giới trong phát triển kinh tế

Việt Nam xác định phụ nữ tham gia trong hoạt động kinh tế, lao động, việc làm sẽ làm tăng vị thế, sức đóng góp vào nền kinh tế và các giá trị xã hội cho đất nước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của lao động nữ Việt Nam là 71,2%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của khu vực Đông Á – Thái Bình Dương là 61,1% và thế giới là 49,6%.

Trong những năm qua, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ, đặc biệt ở khu vực nông thôn được chú trọng, trong đó trên 80% lao động nữ có việc làm và thu nhập ổn định sau đào tạo. Tỷ lệ lao động nữ có việc làm mới hàng năm luôn giữ ở mức khá ổn định từ 48% trở lên. Phụ nữ điều hành 1/4 số doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm cho hơn 1 triệu lao động. Năm 2018, tỷ lệ nữ làm chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trên phạm vi toàn quốc là 26,54%, trong đó khu vực thành thị đạt 31,6% và khu vực nông thôn là 18,7% .