Không giống như các cấp học trước đây, bước vào đại học, các bạn sẽ trải nghiệm môi trường học tập và sinh hoạt khác biệt. Phần lớn các sinh viên năm nhất đều có cảm giác bỡ ngỡ, thậm chí, những bạn ở các vùng khác nhau tới đây học cũng phải thay đổi về nơi ăn chốn ở, sinh hoạt hàng ngày.

Để các em dễ thích nghi với môi trường mới, Hocmai.vn có tổ chức chương trình ‘Chào tân sinh viên 2018’ với sự tham dự của các thầy cô và đông đảo tân sinh viên. Tại sự kiện, nhiều lời khuyên hữu ích được đưa ra.

Các tân sinh viên tham dự chương trình do Hocmai.vn tổ chức.

Học tập có phương pháp

Thay đổi phương pháp học tập và tạm quên đi chiến thắng đỗ đại học là điều mà mỗi tân sinh viên cần ghi nhớ ngay khi bước vào năm nhất nếu không muốn bị rớt môn hay nợ môn.

Ở trường đại học, bắt đầu từ năm đầu tiên, các bạn sẽ làm quen với những môn đại cương, khác hẳn chương trình cấp phổ thông. Sẽ không còn cảnh thầy đọc trò chép và cũng không có ai đôn đốc bạn việc học tập. Hồng Ngọc, cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: ‘Năm thứ nhất đại học mình bị choáng bởi thời gian học rất ít nhưng khối lượng kiến thức nhiều, cộng thêm việc quen với cách học ở cấp 3 khiến mình không theo kịp bài giảng của thầy cô. Do chủ quan nên kỳ học đầu tiên kết quả không như mong đợi’.

Không chỉ Hồng Ngọc, nhiều bạn khác cũng gặp trường hợp tương tự. Do vậy, tự học, tự đọc, tự nghiên cứu tài liệu là điều cần thiết trong phương pháp học của sinh viên. Bạn cần trau dồi cách ghi chép bằng sơ đồ tư duy, tập thói quen tìm đọc tài liệu và tự học. Bởi giảng đường đại học thường khá lớn, có nhiều sinh viên nên bạn có thể tìm cho mình một chỗ ngồi hợp lý để thuận tiện trong việc trao đổi với giảng viên.

Ngoài ra, các tân sinh viên cũng cần xác định rõ định hướng của bản thân sau khi ra trường sẽ làm việc gì, cần những chuyên môn nghiệp vụ gì để dành thời gian trau dồi và hoàn thiện các kỹ năng.

Tích cực trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm

Không chỉ là thời gian tích lũy kiến thức chuyên ngành, đại học còn là nơi để bạn trải nghiệm nhiều hoạt động ý nghĩa. Bạn nên tham gia vào các câu lạc bộ, hội nhóm mình yêu thích hoặc học thêm ngoại ngữ, tin học…

Bên cạnh đó, việc thử sức với một số công việc làm thêm cũng là một cách để bạn trải nghiệm môi trường và công việc thực tế sau này. Bởi ngoài kiến thức, kinh nghiệm sẽ là tấm vé thông hành trợ giúp cho tương lai.

Các bạn cũng nên tham khảo các anh chị khóa trên để rút ra những kinh nghiệm trong cả việc học và trải nghiệm cuộc sống.

Tiết kiệm chi tiêu

Với một số sinh viên, cuộc sống xa nhà sẽ có nhiều điều thay đổi. Thanh Quang, sinh viên ĐH Lao động Xã hội Hà Nội chia sẻ: ‘Lần đầu cầm trong tay một số tiền lớn mỗi tháng, mình thường vung tay quá trán đầu tháng và hết sạch vào cuối tháng’.

Để không gặp tình trạng như bạn Quang, các tân sinh viên nên có một kế hoạch chi tiêu hợp lý, tùy vào số tiền mà bố mẹ cho mỗi tháng. Bạn có thể phân chia rõ tiền ăn, tiền đóng học, tiền nhà, tiền sinh hoạt…

Bạn cũng có thể tiết kiệm một số khoản chi tiêu như làm thẻ xe bus tháng để tiện đi lại mà không quá tốn. Một số mẹo nhỏ giúp sinh viên năm nhất tiết kiệm được chi tiêu như làm thẻ xe bus tháng, ở ghép, nấu ăn ở nhà…