Với phương châm “Hiện đại- Linh hoạt-Thực tiễn-Đặc thù”, Học viện Phụ nữ Việt Nam thiết kế chương trình đào tạo hướng tới xây dựng đội ngũ cử nhân thực sự năng động, chuyên nghiệp, hội nhập, có thể tác nghiệp độc lập, hiệu quả trong các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các dự án phát triển kinh tế – xã hội cũng như các dịch vụ trợ giúp tại cộng đồng…
Học viện đã đầu tư đúc kết kinh nghiệm, tri thức về quản lý giáo dục tiên tiến từ các cơ sở giáo dục có uy tín trong nước và quốc tế đồng thời tập trung đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục đại học bao gồm đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình và tổ chức đào tạo.
Đội ngũ giảng viên cơ hữu, nghiên cứu viên của Học viện đều có trình độ thạc sỹ trở lên, có năng lực và tâm huyết với nghề. Đa số giảng viên, nghiên cứu viên được đào tạo từ các trường đại học có uy tín trong nước, nhiều thạc sỹ, tiến sỹ đã được đào tạo từ các trường đại học có uy tín của Úc, Hà Lan, Nga, Italia… Đến nay, Học viện đã thành lập các Khoa/ Bộ môn: Chính trị, Pháp luật, Ngoại ngữ-Toán-Tin, Giáo dục thể chất-Quốc phòng, Văn hóa, Giới và Phát triển, Tâm lý-Giáo dục, Xã hội học, Công tác xã hội cơ bản, Công tác xã hội chuyên biệt, Quản trị kinh doanh tổng hợp, Kinh tế-Tài chính, Marketing và Công nghệ…. Đội ngũ giảng viên cơ hữu của Học viện có khả năng đảm nhận giảng dạy các môn học chuyên ngành và đảm nhận ít nhất 80% thời lượng chương trình đào tạo.
Chương trình đào tạo cử nhân Công tác xã hội được thiết kế gồm 180 đơn vị học trình, Quản trị kinh doanh gồm 187 đơn vị học trình (chưa kể học phần Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng) theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điểm khác biệt là việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo. Học viện đã bố trí thời lượng hợp lý giữa giảng dạy lý thuyết và thảo luận/thực hành. Mỗi học phần/môn học được bố trí từ 25-80% thời lượng dành cho sinh viên thảo luận/thực hành trên lớp với sự hướng dẫn của giảng viên. Đặc biệt, với môn học tiếng Anh gồm 3 đơn vị học trình trong một học kỳ, được học ở cả 4 năm học, mỗi kỳ sinh viên sẽ được lên lớp 15 tiết lý thuyết và 60 tiết thực hành các kỹ năng với sự hướng dẫn của giảng viên.
Từ đầu khóa học, các tài liệu liên quan đến việc tổ chức chương trình đã được thông tin đến từng sinh viên bao gồm chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, kế hoạch học tập toàn khóa. Trước khi bắt đầu học kỳ, Học viện đã cung cấp đề cương chi tiết học phần tới sinh viên và công khai trên website Học viện. Nhờ vậy sinh viên đã xác định rõ mục tiêu học tập, kế hoạch học tập từng học kỳ, năm học.
Sinh viên Học viện được xác định là đối tượng quan trọng, được ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của Học viện. Sinh viên được bố trí học tập tại những giảng đường được trang bị đầy đủ máy móc, trang thiết bị hiện đại, hệ thống chuông báo giờ tự động… phục vụ cho việc đổi mới phương pháp dạy lý thuyết, thực hành. Ngoài giờ học trên lớp, sinh viên được sử dụng thư viện để tham khảo tài liệu, sách báo, được sử dụng máy tính có kết nối internet. Trong năm 2014, Thư viện sẽ triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thư viện điện tử hiện đại ILIB 6.5 để phục vụ sinh viên. Hiện tại Học viên đã liên kết, trao đổi thông tin, tư liệu với các thư viện lớn và uy tín như Thư viện Quốc gia, thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội, thư viện Đại học Ngoại thương, thư viện Học viện công nghệ Bưu Chính viễn thông…
Hệ thống đào tạo trực tuyến cũng đã và đang được Học viện phụ nữ Việt Nam đầu tư xây dựng, liên kết công nghệ với Học viện Công nghê Bưu chính viễn thông cũng như một số công ty phần mềm có uy tín nhằm đem lại nhiều trải nghiệm mới đầy tiện ích cho người dạy và người học.
Việc quản lý dạy và học tại Học viện Phụ nữ Việt Nam được thực hiện trên phần mềm quản lý đào tạo Edusoft -phần mềm đang được áp dụng tại rất nhiều trường đại học, cao đẳng nhằm tối ưu hóa việc tổ chức đào tạo.
Cuối học kỳ I năm học 2013 – 2014, Học viện tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ sinh viên về hoạt động giảng dạy, học tập. Trên trên 90% sinh viên hài lòng với công tác dạy học tại Học viện Phụ nữ Việt Nam.
Tiếp tục phát huy những ưu thế nổi trội trong công tác học tập, giảng dạy, tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, năm 2014, Học viện Phụ nữ Việt Nam tiếp tục tuyển sinh hai ngànhCông tác Xã hội và Quản trị Kinh doanh với 300 chỉ tiêu theo hình thức xét tuyển trên phạm vi cả nước.
Trong khoảng thời gian từ 10/8 đến 10/9/2013, Học viện sẽ nhận hồ sơ xét tuyển. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ Phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam theo địa chỉ: 68 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội; ĐT: 043.7751750 hoặc cập nhật các thông tin thường xuyên đăng tải trên website: www.hvpnvn.edu.vn.