Diễn đàn Kinh tế Davos năm 2016 đã dự đoán, CMCN 4.0 diễn ra sẽ khiến 7 triệu việc làm trước đây biến mất và 2 triệu việc làm mới được tạo ra. Liệu Việt Nam có thể làm chủ được cuộc CMCN 4.0?

CMCN 4.0 diễn ra trên ba lĩnh vực chính gồm: Kỹ thuật số, Công nghệ Sinh học và Vật lý. Những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data).

Trong thời đại của cuộc cách mạng số này, người máy sẽ thay con người trong một số lĩnh vực. Có rất nhiều công việc trong lĩnh vực may mặc, gia công…sẽ đối diện với khả năng mất việc làm trong vài năm tới. Trên thực tế, trong một vài lĩnh vực đã có những nhà máy không có ánh đèn – “dark factory” vì nhà máy sử dụng toàn robot.

Vì vậy, thách thức ở đây chính là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao do phần lớn công việc sẽ được tự động hóa, nguồn lực lao động sẽ phải chuyển dịch sang xu hướng kỹ thuật cao.

Tuy nhiên, đối với lĩnh vực của chúng tôi, các công ty dịch vụ phần mềm, CMCN 4.0 sẽ mang đến hàng triệu cơ hội việc làm. Chúng tôi cần hàng nghìn, hàng chục nghìn lập trình viên, kỹ sư công nghệ thông tin, chuyên gia công nghệ. Trong vòng ba tháng tới khi sinh viên ra trường, FPT Software cần tuyển 2.500 người và tôi e rằng sẽ không có đủ số lượng để tuyển. Như vậy có thể nói, cuộc cách mạng này vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội.

Việt Nam đang thiếu lao động có kỹ năng thực hành, công nhân kỹ thuật bậc cao. Trước làn sóng của cuộc CMCN 4.0, phải chăng mối lo tụt hậu về trình độ lao động đang dần lộ diện?

Đây là cuộc cách mạng dựa trên công nghệ và Việt Nam đang có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ có khả năng học hỏi rất nhanh những cái mới. Tôi nghĩ, cần phải nhanh chóng phát huy lợi thế này để Việt Nam có thể nhanh chóng khẳng định năng lực – trong một số công nghệ lõi của cuộc cách mạng số. Riêng đối với FPT Software, chúng tôi cần các bạn biết về Trí tuệ nhân tạo, Vạn vật kết nối Internet of Things (IoT), Dữ liệu lớn, Điện toán đám mây…

Bên cạnh đó, một tiêu chí nữa không thể thiếu, đó là ngoại ngữ. Các bạn trẻ cần phải thuần thục ít nhất một ngoại ngữ, có thể là tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Pháp… Khi có ngoại ngữ rồi, các bạn sẽ tiếp xúc với các kiến thức công nghệ thông tin rất dễ dàng. Đồng thời, các bạn tiếp thu được các chương trình đào tạo công nghệ thông tin từ các trường đại học hoặc hãng công nghệ lớn nhất trên thế giới hoàn toàn miễn phí. Đặc thù công nghệ thế giới thay đổi theo từng ngày, vì vậy các bạn cần phải cập nhật những xu hướng công nghệ mới nhất mà hầu hết kiến thức đều bằng tiếng Anh.

Tóm lại, các bạn phải trang bị cho mình khả năng tự học, tự nghiên cứu. Vì công nghệ cập nhật hàng ngày, nếu không có ngoại ngữ thì bạn sẽ rất khó tiếp cận. Nếu không có khả năng tự học, tự nghiên cứu, khi công nghệ tiến lên phía trước, bạn sẽ ở lại phía sau.

Ông có thể nói rõ hơn về cơ hội cho các bạn trẻ trong cuộc cách mạng này từ thực tế của FPT Software?

Về cơ hội của các bạn trẻ trong cuộc cách mạng này, tôi xin lấy ví dụ từ chính FPT Software. Khi công ty tăng trưởng nhanh, đương nhiên những người trẻ sẽ có cơ hội phát triển nhanh hơn, trở thành người quản lý, lãnh đạo hay chuyên gia. Công ty tăng trưởng thấp, cơ hội sẽ nhỏ đi.

Năm 2011, FPT Software có 3.000 người, hiện nay là hơn 10.000 người, cuối năm nay sẽ là 15.000 người. Những bạn trẻ ra trường cách đây vài ba năm hiển nhiên trở thành những người quản lý, chuyên gia công nghệ. Hiện FPT Software có những bạn 26 tuổi quản lý một team 500 người, có những chuyên gia công nghệ 9X…

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, việc thiếu hụt nguồn lao động có trình độ tay nghề cao khiến chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực Việt Nam trong năm 2014 chỉ đạt 3,39/10 điểm. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam cũng ở mức “khiêm tốn” – 73/133 nước được xếp hạng. Trước thực trạng đó, làm sao để có những lao động phù hợp với môi trường quốc tế?

Với đặc thù kinh doanh của FPT Software, chúng tôi cần những bạn trẻ nắm vững ít nhất một ngôn ngữ lập trình hay có kinh nghiệm chuyên sâu về một công nghệ nhất định và thuần thục một ngoại ngữ. Nếu không giỏi hơn người khác, không thông minh hơn người khác thì chúng ta phải chăm chỉ hơn người khác.

Thực sự, bài toán của chúng tôi hiện này là làm thế nào để có những lao động phù hợp với môi trường quốc tế như Mỹ, Nhật, châu Âu.

Bởi vậy, chúng tôi đề xuất một số phương pháp và hiện nay đang thực hiện là thử nghiệm học nhanh và ra đi làm. Cụ thể, chúng tôi vẫn có đào tạo đại học nhưng đổi quy trình, làm sao để sinh viên học hai năm là có thể ra đi làm. Sau khi đi làm, các em sẽ có cân nhắc giữa đi làm luôn và không tốt nghiệp đại học nữa, hoặc quay lại trường đại học để học thêm hai năm nữa để lấy bằng đại học.

Đề xuất thứ hai của chúng tôi là đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp. Hiện nay xã hội thay đổi, nền kinh tế đòi hỏi những kỹ năng khác nhau. Có rất nhiều người học ngành điện, ngành cơ khí, học nghề chế tạo máy khi ra trường và đi làm một số năm, họ không được sử dụng một cách thích đáng.

Chúng tôi đang đề nghị các trường đại học, đặc biệt là những trường đại học lớn như Đại học Bách khoa đưa ra chương trình đào tạo văn bằng hai trong 12 đến 24 tháng. Đồng thời, họ cung cấp những kỹ năng cập nhật nhất để học xong là số lao động này tốt nghiệp là có thể đi làm được.

Đây là hai đề xuất hiện nay chúng tôi đang triển khai. Tôi tin rằng nếu thực hiện được thì chỉ trong thời gian rất ngắn, khoảng 2 đến 4 năm tới, chúng ta sẽ có cả hàng trăm ngàn lao động sẵn sàng cho những đòi hỏi của cuộc chuyển dịch mới này.

Xin cảm ơn ông!

Theo Báo cáo phân tích môi trường kinh doanh (Doing Business Report) của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2016, Việt Nam xếp thứ 90 trong 189 nước tham gia xếp hạng.

Theo ILO, 2/3 trong số 9,2 triệu lao động ngành dệt may và da giày tại Đông Nam Á đang bị đe dọa. Trong đó, 86% lao động của Việt Nam, 88% lao động của Campuchia và 64% lao động Indonesia trong ngành may mặc, da giày sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng tự động hóa, công nghiệp hóa trong ngành.

Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% Singapore. Như vậy, mỗi người Singapore làm việc có năng suất bằng 23 người Việt Nam cộng lại. Ngoài ra, năng suất lao động của người Việt Nam cũng chỉ bằng 17,4% của Malaysia; 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Philippines và 48,8% của Indonesia.