Có nhiều bạn sinh viên sau khi đã ra trường, mặc dù rất tự tin với những kiến thức họ đã được trang bị ở giảng đường đại học, tuy nhiên họ vẫn bối rối với môi trường làm việc tại doanh nghiệp. Có những sinh viên học rất tốt các môn trong trường đại học nhưng khi làm việc lại gặp rất nhiều khó khăn.

Trong hàng trăm sinh viên chỉ có số ít người đáp ứng được yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Vì thực tế cho thấy, những người thành đạt chỉ có 25% là do trình độ chuyên môn, bằng cấp, hay chứng chỉ, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm mà họ được trang bị. Mặc dù vậy, các trường Đại học ở nước ta vẫn chưa được đưa bộ môn đào tạo kỹ năng mềm trở thành môn học chính khóa, vì thế thuật ngữ này vẫn còn xa lạ đối với nhiều sinh viên Việt Nam.

Kỹ năng mềm dành cho sinh viên Kinh tế

Bài viết này nhằm giúp sinh viên chuyên ngành Quản trị kinh doanh nói riêng và sinh viên đại học nói chung có những hình dung cơ bản về khái niệm kỹ năng mềm và những kỹ năng mềm cần thiết mà sinh viên cần trang bị để phục vụ cho công việc của mình sau này.

Kỹ năng mềm là gì?

Kỹ năng mềm (soft skills) là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như: kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian,sáng tạo và đổi mới….là những kỹ năng không gắn liền với kiến thức chuyên môn, không thể sờ nắm, không phải là kỹ năng cá tính đặc biệt mà phụ thuộc chủ yếu vào cá tính của từng người. Chúng quyết định bạn là ai, làm việc thế nào. Là thước đo hiệu quả cao trong công việc.

Kỹ năng cứng (hard skills) ở nghĩa trái ngược thường xuất hiện trên bản lý lịch, khả năng học vấn, kinh nghiệm và sự thành thạo về chuyên môn.

Tại sao người sử dụng lao động lại quan tâm tới các kỹ năng này?

Những người sử dụng lao động coi trọng các kỹ năng “mềm”, bởi vì các nghiên cứu cho thấy chúng là một nhân tố đánh giá rất hiệu quả bên cạnh những kỹ năng công việc truyền thống hay còn gọi là kỹ năng “cứng”. Một cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy những tiêu chuẩn để đánh giá con người như sự tận tâm, tính dễ chịu cũng là những nhân tố dự báo quan trọng đối với sự thành công trong nghề nghiệp giống như khả năng về nhận thức và kinh nghiệm làm việc.

Theo kết quả nghiên cứu, có tất cả là 13 kỹ năng cơ bản cần thiết để thành công trong công việc:

1. Kỹ năng học và tự học (learning to learn)
2. Kỹ năng lắng nghe (Listening skills)
3. Kỹ năng thuyết trình (Oral communication skills)
4. Kỹ năng giải quyết vấn đề (Problem solving skills)
5. Kỹ năng tư duy sáng tạo (Creative thinking skills)
6. Kỹ năng quản lý bản thân và tinh thần tự tôn (Self esteem)
7. Kỹ năng đặt mục tiêu/ tạo động lực làm việc (Goal setting/ motivation skills)
8. Kỹ năng phát triển cá nhân và sự nghiệp (Personal and career development skills)
9. Kỹ năng giao tiếp ứng xử và tạo lập quan hệ (Interpersonal skills)
10. Kỹ năng làm việc đồng đội (Teamwork)
11. Kỹ năng đàm phán (Negotiation skills)
12. Kỹ năng tổ chức công việc hiệu quả (Organizational effectiveness)
13. Kỹ năng lãnh đạo bản thân (Leadership skills)

Trong khi việc đào tạo kỹ năng mềm tại các trường Đại học trên thế giới rất được chú trọng, thì quá trình giảng dạy môn học này ở nước ta vẫn chưa thực sự được tiến hành. Có chăng cũng chỉ là trong một buổi ngoại khóa, hoặc nhà trường mời diễn giả tới phổ biến sơ lược kiến thức cho sinh viên. Tuy nhiên, nếu thực sự kỹ sinh viên vẫn có thể tự mài dũa những kỹ năng này thông qua quá trình học và các môn học.